Viêm tai giữa ở trẻ là bệnh lý thường gặp, đe dọa nghiêm trọng tới thính lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cha mẹ hãy trang bị những kiến thức khoa học để nhận biết sớm các biểu hiện viêm tai giữa và cách điều trị hiệu quả cho trẻ.
Bạn đang đọc: Nhận biết biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ
1. Nguyên nhân gây viêm tai giữa
Tai giữa có nhiệm vụ truyền rung động từ màng nhĩ đến tai trong, giúp chúng ta nghe được âm thanh. Viêm tai giữa là một trong những vấn đề về sức khỏe tai mũi họng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đó là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm trong tai giữa do vi khuẩn phát triển trong tai hoặc tác động từ môi trường bên ngoài. Có hai dạng viêm tai giữa phổ biến là: viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa ứ mủ. Khoảng 75% trẻ em dưới 3 tuổi mắc viêm tai giữa ít nhất một lần trong đời, và gần 50% số trẻ này bị viêm tai giữa từ 3 lần trở lên trước khi bước sang 4 tuổi.
Có những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc viêm tai giữa mà cha mẹ cần lưu ý như sau:
– Hệ miễn dịch yếu: Trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch nên khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh còn yếu, dễ dàng bị vi khuẩn tấn công đường hô hấp và tai giữa.
– Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh: Tai trong gắn liền với mặt sau cổ họng qua ống thính giác. Vì cấu trúc tai chưa hoàn thiện và hệ miễn dịch yếu, vi khuẩn dễ xâm nhập từ mũi họng gây viêm, tạo mủ và nhiễm trùng.
– Mắc bệnh tai mũi họng: Viêm tai giữa thường là biến chứng từ các bệnh viêm mũi họng như viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, viêm họng khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi môi trường sống…
– Ảnh hưởng của khói thuốc: Tiếp xúc với khói thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa và các bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm khác ở trẻ nhỏ.
Không chỉ khiến sức khỏe giảm sút mà viêm tai giữa ở trẻ nhỏ còn tiềm ẩn nhiều biến chứng có hại. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng với bệnh lý, chủ động cho trẻ thăm khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Trẻ nhỏ dễ mắc viêm tai giữa do hệ miễn dịch kém, cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh…
2. Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa có những biểu hiện đặc trưng như sau, cha mẹ có thể lưu ý:
– Sốt hơn 39 độ C
– Đau tai
– Tai chảy dịch mủ
– Ù tai, nghe kém
– Dụi hoặc kéo vành tai
– Trằn trọc, quấy khóc
– Chán ăn, bỏ bữa
– Nôn ói hoặc tiêu chảy
– Đau đầu…
Viêm tai giữa thường là biến chứng từ bệnh viêm mũi họng thông thường, do đó việc điều trị các bệnh lý này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong trường hợp viêm tai giữa không quá nghiêm trọng, bệnh thường có thể tự khỏi sau vài ngày và các triệu chứng cũng giảm dần cho đến khi biến mất. Tuy nhiên, bậc phụ huynh không nên chủ quan mà tiếp tục theo dõi các dấu hiệu bệnh ở trẻ. Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Sốt cao, đau tai, có dịch mủ bất thường trong tai… là những biểu hiện viêm tai giữa thường gặp ở trẻ
3. Điều trị viêm tai giữa
Khi thấy trẻ có biểu hiện viêm tai giữa, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi khám kịp thời. Để chẩn đoán viêm tai giữa, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng các phương pháp như nội soi tai hoặc đèn soi tai để kiểm tra tổn thương trong tai. Ngoài việc khám tai, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các vùng khác như cổ họng, mũi xoang, vùng vòm họng… để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng khác trong đường hô hấp.
Phác đồ điều trị viêm tai giữa cho trẻ nhỏ thường được áp dụng các phương pháp như sử dụng thuốc, chích rạch dẫn lưu mủ, phẫu thuật… Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý ở trẻ và thể trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị với phương pháp phù hợp nhất.
– Điều trị bằng thuốc: Trong giai đoạn sung huyết, thường chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân. Vi khuẩn chủ yếu gây viêm tai giữa là liên cầu, Hemophilus Influenzae, phế cầu, vì vậy sử dụng kháng sinh kết hợp với thuốc chống viêm, giảm phù nề, hạ sốt, giảm đau và điều trị mũi họng.
– Chích rạch dẫn lưu mủ: Trong giai đoạn ứ mủ, bác sĩ có thể xem xét trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ, kết hợp với các thuốc điều trị toàn thân, tương tự như giai đoạn sung huyết.
– Phẫu thuật vá nhĩ: Trong giai đoạn vỡ mủ có thể dẫn tới tổn thương hoặc thủng màng nhĩ. Để bảo vệ thính lực, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật vá nhĩ và sử dụng thuốc để điều trị tình trạng viêm trong tai cho trẻ.
– Đặt ống thông khí: Trong trường hợp tai giữa bị tổn thương nặng và không thông thoáng, bác sĩ có thể đưa một ống thông khí để tạo đường thông gió từ tai giữa ra bên ngoài, giúp giảm áp lực trong tai và ngăn ngừa nguy cơ tái phát viêm.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh
Điều trị viêm tai giữa cho bé với phác đồ do bác sĩ chỉ định
4. Phòng ngừa bệnh cho trẻ
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà viêm tai giữa còn để lại nhiều di chứng nếu như trẻ không được điều trị kịp thời. Do đó, việc phòng ngừa bệnh từ sớm là vô cùng cần thiết để giúp bảo vệ sức khỏe tối ưu cho trẻ. Các bậc phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau đây trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ.
– Hướng dẫn trẻ chủ động rửa tay sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng, tránh dùng chung đồ dùng ăn uống và hướng dẫn trẻ che miệng khi hoặc hắt hơi.
– Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hạn chế việc sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả, và tránh để trẻ bị sặc hoặc trớ.
– Tiêm phòng cúm theo mùa và các loại vắc xin phòng bệnh phế cầu và các bệnh truyền nhiễm khác để giúp ngăn ngừa viêm tai giữa.
– Giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, duy trì chế độ ăn uống và vận động khoa học để tăng cường hệ miễn dịch.
– Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và môi trường có ô nhiễm.
– Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ khám tai mũi họng định kỳ để kiểm soát sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Biến chứng khó lường của bệnh viêm phổi ở trẻ
Khám tai mũi họng cho trẻ định kỳ để kiểm soát sức khỏe đúng cách
Nhìn chung, viêm tai giữa ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng khó lường. Do đó, phụ huynh cần chú ý đến sức khỏe của trẻ, và khi phát hiện biểu hiện viêm tai giữa, nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời, từ đó phòng ngừa các biến chứng, giúp bảo toàn sức khỏe cho trẻ một cách hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.