Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có đáng lo không?

Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt là một biểu hiện thường gặp của bệnh vàng da, hay gặp ở những em bé mới sinh. Liệu tình trạng này có nguy hiểm hay không, và khi nào thì ba mẹ cần cho bé đi khám? Hãy đọc bài viết này để có thêm kiến thức chăm sóc bé, mẹ nhé.

1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Các triệu chứng thường gặp

Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có đáng lo không?

Trẻ bị vàng da vàng mắt có thể là biểu hiện của vàng da sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể tiềm ẩn bệnh lý. Do vậy, mẹ cần đặc biệt lưu ý và thông báo cho bác sĩ.

1.1 Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?

Vàng da là tình trạng da và kết mạc mắt chuyển sang màu vàng do lượng bilirubin toàn phần trong máu của trẻ tăng vượt quá giới hạn bình thường. Ước tính cứ 10 trẻ thì có 6 trẻ bị vàng da, trong đó có 8/10 trẻ sinh non trước tuần 37 của thai kỳ. Trừ một số ít trường hợp chỉ số bilirubin quá cao có liên quan tới một số bệnh lý và cần phải điều trị để tránh gây nguy hiểm cho bé.

1.2 Các triệu chứng của vàng da ở trẻ

Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh rất dễ phát hiện bằng mắt thường trong điều kiện đủ ánh sáng. Cha mẹ nên theo dõi da bé 2 tuần đầu sau sinh vào mỗi buổi sáng để quan sát sự thay đổi của làn da. Nếu như da bé khó nhận biết (chẳng hạn như da có màu hơi hồng đỏ hoặc hơi đen) thì ba mẹ có thể thử cách sau: ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ vài giây, sau đó thả ra. Nếu nơi ấn có màu vàng rõ thì nghĩa là trẻ vàng da, ngược lại là bình thường.

Ngoài da và mắt bị vàng, các triệu chứng khác thường gặp của vàng da sơ sinh bao gồm:

– Lòng bàn tay, bàn chân bé bị vàng

– Nước tiểu có màu vàng sẫm (trong khi nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu)

– Phân có màu nhạt (bình thường phân của trẻ sơ sinh có màu vàng hoặc cam)

Các triệu chứng vàng da thường xuất hiện ở trẻ từ 2 đến 3 ngày sau khi sinh và thường sẽ giảm dần cho tới khi 2 tuần tuổi mà không cần điều trị.

2. Phân biệt với vàng da bệnh lý

Mặc dù hầu hết trường hợp vàng da ở trẻ mới sinh là bình thường, song có 1 số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một bệnh lý nào đó.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị vàng da do bệnh lý:

– Xuất hiện rất sớm, ngay trong 24h sau sinh

– Mức độ vàng da toàn thân, lòng bàn tay, chân, kết mạc mắt vàng đậm.

– Kèm theo các triệu chứng khác thường như: trẻ bỏ bú, co giật, lừ đừ… Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường.

– Không hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng, không hết sau 2 tuần với trẻ thiếu tháng.

– Nếu không nhận biết và điều trị sớm, vàng da do bệnh lý có thể dẫn tới nhiễm độc thần kinh hoặc hại não.

3. Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có đáng lo ngại không? Nguyên nhân là gì?

Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có đáng lo không?

Da và mắt của bé sơ sinh bị vàng là do sự tích tụ Bilirubin trong máu.

Thực ra đây là một tình trạng phổ biến và thường vô hại, bởi hầu hết trường hợp, tình trạng vàng da sẽ biến mất sau một thời gian mà không cần điều trị gì.

Nguyên nhân chủ yếu khiến bé sơ sinh bị vàng da là do sự tích tụ của bilirubin trong máu. Bilirubin là một chất màu vàng. Chúng được tạo ra khi các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể bị phá vỡ và giải phóng.

Bệnh vàng da thường gặp ở trẻ sơ sinh. Do trẻ sơ sinh có số lượng hồng cầu cao trong máu, chúng thường xuyên bị phá vỡ và thay thế. Bên cạnh đó, gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ. Vậy nên việc loại bỏ bilirubin ra khỏi máu kém hiệu quả hơn người lớn.

Khi trẻ được 2 tuần tuổi trở lên, gan của trẻ khi đó đã xử lý bilirubin hiệu quả hơn, do đó, bệnh vàng da sẽ dần biến mất mà không gây hại gì.

Trong một số ít trường hợp, vàng da có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Trường hợp này thường xảy ra nếu vàng da xuất hiện ngay sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu).

Một số nguyên nhân khác dẫn tới vàng da bệnh lý. Đó là bất đồng nhóm máu, thiếu men G6PD, nhiễm trùng. Ngoài ra, có thể do trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm virus bào thai, …

4. Khi nào cần thăm khám cho trẻ?

Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có đáng lo không?

Trẻ sau khi ra đời sẽ được bác sĩ khám và kiểm tra tình trạng vàng da.

Trẻ ngay sau khi sinh sẽ được các bác sĩ sản khoa thăm khám và kiểm tra. Bác sĩ sẽ xem có dấu hiệu của vàng da trong 72 giờ đầu tiên hay không. Nếu mẹ phát hiện ra bé bị vàng mắt hoặc vàng da, thì hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn hoặc điều trị nếu cần thiết.

Hầu hết các trường hợp vàng da đều là bình thường. Thế nhưng cha mẹ cũng nên chú ý theo dõi và thăm khám để xác định trẻ vàng da sinh lý hay do bệnh lý khác.

Trường hợp sau khi xuất viện, mẹ phát hiện ra bé bị vàng da. Khi này, ta cũng cần liên hệ ngay với bệnh viện. Đặc biệt khi các triệu chứng vàng da ngày càng nặng hơn, hoặc trẻ không chịu bú.

5. Điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các trường hợp đều không cần điều trị bởi các triệu chứng thường hết trong vòng 10 đến 14 ngày.

Một số bé có thể phải điều trị nếu như xét nghiệm cho thấy, trẻ có nồng độ bilirubin rất cao trong máu. Nồng độ bilirubin cao có thể gây tổn thương cho não, do đó cần điều trị nhanh chóng, nhằm mục tiêu giảm nồng độ này xuống ngưỡng bình thường.

Một số phương pháp điều trị vàng da hiện nay thường được áp dụng đó là chiếu đèn, giúp thay đổi bilirubin thành dạng dễ dàng bị gan phân hủy.

Vàng da do bệnh lý có thể gây nguy hiểm, và gây ra biến chứng tổn thương não vĩnh viễn, tuy nhiên biến chứng này khá hiếm. Mặc dù vậy ba mẹ cũng không nên chủ quan để tránh xảy ra bất kỳ sai sót nào. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nào bất thường, cần đưa con đi khám ngay.

Tóm lại, hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt đều không đáng ngại. Và tình trạng này có thể hết hoàn toàn trong 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có dấu hiệu xuất hiện sớm trong 24h đầu sau sinh. Đồng thời, vàng da đậm kéo dài thì ba mẹ cần đưa con đi khám. Điều này để đề phòng vấn đề liên quan tới các bệnh lý khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *