Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh là hiện tượng rất phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Bệnh có thể không nguy hiểm nhưng khá dai dẳng với những triệu chứng như ho, viêm họng, sổ mũi…
Bạn đang đọc: Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có nguy hiểm và cách xử lý
1. Thông tin về bệnh và nguyên nhân, triệu chứng
1.1. Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh là như thế nào?
Cảm lạnh là bệnh có liên quan đến mũi và họng thuộc đường hô hấp trên, bệnh không quá nguy hiểm nên không có nhiều biến chứng. Tuy nhiên bệnh có nhiều triệu chứng khó chịu khiến cho trẻ quấy khóc không yên. Virus là nguyên nhân chính gây ra cảm lạnh, phổ biến nhất là rhinovirus và bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi được trong 1 tuần đến 10 ngày.
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch rất non yếu
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời cần thời gian để hệ miễn dịch hoàn thiện cũng như thích nghi với môi trường mới nên được xếp vào nhóm dễ mắc bệnh cảm lạnh. Lúc này, sức đề kháng của trẻ rất yếu nên có thể dễ dàng bị virus xâm nhập gây nên bệnh cảm lạnh. Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ sơ sinh bị bệnh này vì đây sẽ là cơ hội cho hệ miễn dịch của trẻ được tập luyện, cải thiện và sức đề kháng được tăng cường hơn.
Bệnh cảm lạnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong thời tiết giao mùa, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng cảm lạnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến những cơ quan khác nhất là hô hấp gây nên tình trạng viêm phổi, viêm phế quản…
1.2. Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị cảm lạnh, trong đó nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ dễ bị bệnh đó là hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện và phát triển nên chưa thể đối phó với nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Chính vì thế, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều nguy cơ bị cảm lạnh vì chưa tiếp xúc và chưa có sức đề kháng với hầu hết các loại virus gây bệnh.
Trong vòng 12 tháng tuổi, trẻ sẽ có nguy cơ bị cảm lạnh và tình trạng này có thể xảy ra nhiều lần nếu như trẻ phải ở trong môi trường tiếp xúc với nhiều trẻ em khác hoặc người lớn.
Cảm lạnh là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do một hoặc nhiều loại virus gây ra. Những loại virus này có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua đường mắt, mũi, miệng khi người khác ho, hắt xì, hoặc nói chuyện.
Cũng có trường hợp trẻ bị nhiễm virus cảm lạnh từ những người chăm sóc bé hàng ngày, do không được vệ sinh tay sạch sẽ nên dễ dàng lây nhiễm cho trẻ.
1.3. Những biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Một trong những biểu hiện sớm nhất của trẻ bị cảm lạnh đó là trẻ bị chảy nước mũi. Ban đầu nước mũi trong và loãng, sau đó dần chuyển thành đặc hơn và màu xanh hoặc màu vàng.
Tìm hiểu thêm: Đầy đủ những thông tin về bệnh suy dinh dưỡng
Cha mẹ cần để ý những biểu hiện khi bệnh của trẻ
Ngoài chảy nước mũi ra, trẻ khi bị cảm lạnh sẽ có những biểu hiện như: sốt nhẹ, ho, hắt hơi…những triệu chứng này sẽ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu trong người dẫn đến trẻ quấy khóc nhiều, không chịu ăn do bị ngạt mũi và khó ngủ.
Nhìn chung bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh không đáng lo ngại vì không gây nguy hiểm cho trẻ, nhưng nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phế quản phổi cấp, có thể dẫn đến suy hô hấp. Chính vì vậy, khi trẻ bị mắc bệnh cảm lạnh, cha mẹ cần theo dõi con sát, nếu có các biểu hiện tăng nặng thì cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra, nếu trẻ có các triệu chứng của cảm lạnh nhưng kèm theo một số những biểu hiện khác như nổi ban đỏ, sốt cao trên 39 độ, tiêu chảy nhiều, ho dai và có đờm… thì cũng cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây có thể là một bệnh lý nào đó cần được phát hiện sớm.
2. Cha mẹ cần lưu ý gì khi trẻ bị cảm lạnh
Rất nhiều cha mẹ, nhất là những cha mẹ lần đầu có con thường cảm thấy lo lắng khi con mình bị cảm lạnh vì không biết khi nào nên đưa con đi khám và khi nào chỉ cần để trẻ điều trị tại nhà.
Đối với trẻ lứa tuổi từ 0 đến 3 tháng, nếu trẻ có các dấu hiệu của cảm lạnh như sốt, ho, chảy nước mũi kéo dài thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm. Giai đoạn này sức đề kháng của trẻ còn rất non yếu, những biến chứng của bệnh sẽ tiến triển khá nhanh. Nếu trẻ không được chẩn đoán và hỗ trợ y tế kịp thời có thể sẽ xảy ra nguy hiểm mà bố mẹ không giải quyết được.
Đối với những trẻ từ 3 tháng trở lên, cha mẹ vẫn cần quan sát trẻ rất sát để nắm đầy đủ các biểu hiện bệnh của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy trẻ có những biểu hiện tăng nặng.
Ngoài ra, nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám như:
– Xuất hiện những ban đỏ trên da của trẻ
– Trẻ bị nôn ói nhiều và không chịu ăn
– Trẻ bị tiêu chảy
– Trẻ bị ho kéo dài và ho có đờm
– Đờm vàng, xanh hoặc có máu
– Trẻ khó thở và khò khè
– Trẻ sốt cao nhiều ngày không đỡ
– Trẻ bị mất nước (môi khô, da khô)
– Ngón tay hoặc môi có dấu hiệu tím tái
– Trẻ bỏ ăn liên tục các cữ
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ nhỏ trở nặng
Cần đưa trẻ đi khám nếu có những biểu hiện tăng nặng
Khi trẻ bị cảm lạnh kèm theo những dấu hiệu trên, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đi khám bệnh để được điều trị nhanh chóng, kịp thời, ngăn chặn những biến chứng có thể chuyển biến nhanh và gây nguy hiểm.
3. Cha mẹ cần làm những gì khi trẻ bị cảm lạnh?
Nếu xác định trẻ chỉ bị cảm lạnh thông thường, không kèm theo những triệu chứng của các bệnh lý khác thì cha mẹ có thể áp dụng những cách sau đây để khiến cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, nhanh khỏi bệnh hơn:
– Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, nếu trẻ uống sữa công thức cần tăng số lượng cho trẻ
– Rửa mũi và hút mũi cho trẻ bằng dụng cụ hút mũi hai đầu để hút sạch dịch trong mũi, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn.
– Dùng máy tạo độ ẩm để làm cho không khí ẩm hơn, giúp mũi bé không bị khô, tránh tiết dịch mũi nhiều hơn.
– Nếu mẹ đang cho con bú thì cần bổ sung một chế độ ăn dinh dưỡng cho mẹ để nguồn sữa mẹ được giàu dưỡng chất hơn, giúp mẹ nhanh lại sức.
Nếu đã thực hiện những biện pháp chăm sóc trẻ đầy đủ và cẩn thận nhưng tình trạng của trẻ không khá lên sau một vài ngày thì nên đưa trẻ đi khám để được hỗ trợ kịp thời.
Trong khi đó, cha mẹ cũng nên lưu ý không làm những việc sau khi trẻ bị cảm lạnh:
– Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ vì kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị cảm lạnh cho trẻ.
– Dùng thuốc hạ sốt đúng như chỉ định của bác sĩ kê
– Không tự ý dùng thuốc giảm ho nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho bệnh lâu khỏi hơn.
Trên đây là những thông tin về việc trẻ sơ sinh bị cảm lạnh là những biện pháp để cha mẹ tự chăm sóc trẻ. Hy vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc con.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.