Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện là nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh dễ dàng bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Một trong những hiện tượng liên quan hệ tiêu hóa của trẻ khiến nhiều cha mẹ lo lắng chính là trẻ sơ sinh bị đi ngoài sủi bọt. Cùng tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra hiện tượng này ở trẻ thông qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Vì sao trẻ sơ sinh bị đi ngoài sủi bọt?
1. Những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng trẻ sơ sinh bị đi ngoài sủi bọt
Trẻ sơ sinh bị đi ngoài sủi bọt có thể do nhiều nguyên nhân
Hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, chế độ ăn thay đổi của mẹ, nhiễm khuẩn đường ruột,… là những nguyên nhân thường thấy khi trẻ đi ngoài bị sủi bọt.
1.1. Hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương
Ở trẻ sơ sinh, chức năng đường ruột chưa thể hoàn thiện như ở người lớn. Như đã đề cập ở trên, một thay đổi nhỏ trong chế độ ăn hay một tác động xấu dù rất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ.
Trong điều kiện ăn uống bình thường, trẻ không nhiễm khuẩn đường ruột thì hiện tượng đi ngoài có bọt vẫn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp này, nguyên nhân thường do đường ruột của bé bị kích thích, lượng đường trong sữa chưa được tiêu hóa hết dẫn đến phân có bọt.
Với trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế luôn khuyến khích mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nguồn sữa mẹ là thức ăn sạch nhất và đầy đủ dinh dưỡng nhất cho bé. Không chỉ thế, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kháng thể có trong sữa mẹ giúp trẻ chống lại các tác động bất lợi từ bên ngoài khi hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện.
1.2. Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột
Trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt có thể do nhiễm khuẩn đường ruột từ các vật dụng như bình sữa,..
Tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột có thể xảy ra với trẻ bú mẹ hoàn toàn thông qua vệ sinh đầu ti chưa sạch. Với trẻ ăn sữa công thức, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn do trẻ tiếp xúc với các dụng cụ pha sữa, nước pha sữa không hợp vệ sinh.
Đường ruột của trẻ dễ bị nhiễm khuẩn các chủng vi khuẩn như E.Coli, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella,…. với các triệu chứng điển hình như đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy.
Khi bị nhiễm khuẩn đường ruột, ngoài biểu hiện đi ngoài có bọt, thường xuất hiện kèm theo các triệu chứng bỏ ăn, sốt, mệt mỏi do mất nước. Trong trường hợp này cần đưa trẻ đi khám sớm để điều trị bệnh.
1.3. Chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng tới tiêu hóa của bé
Với các trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ kết hợp sữa công thức thì chế độ ăn của mẹ liên hệ mật thiết với trẻ. Bất kỳ sự thay đổi nào trong khẩu phần ăn của mẹ đều tác động đến hệ tiêu hóa, và biểu hiện thông qua tính chất phân của trẻ.
Khi mẹ thay đổi thức ăn, phân của trẻ sơ sinh có thể ngả hơi xanh và xuất hiện bọt. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn ăn, ngủ, nghỉ bình thường và không có những triệu chứng khác biệt nào, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu hiện tượng đi ngoài có bọt diễn ra liên tục kèm theo tình trạng bỏ bú, bỏ ăn và quấy khóc, hãy thận trọng điều chỉnh chế độ ăn của mẹ cân bằng và đưa trẻ đi thăm khám bởi rất có thể lúc này bé đã bị rối loạn tiêu hóa.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị vàng da: Những điều bố mẹ nhất định phải biết
Chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng tới tiêu hóa của bé thông qua sữa mẹ
1.4 Trẻ sơ sinh bị đi ngoài có bọt do dị ứng sữa
Với trẻ sử dụng sữa công thức hoàn hoàn hoặc kết hợp sử dụng sữa công thức thì lựa chọn loại sữa phù hợp vô cùng quan trọng. Trẻ có thể dị ứng với thành phần protein trong sữa và gây nên hiện tượng đi ngoài có bọt kèm theo các triệu chứng như đau bụng, phân lẫn máu,….
Trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại sữa công thức nào, ba mẹ hãy lưu ý cho bé dùng thử để biết trẻ có bị dị ứng sữa hay không.
2. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt?
Trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Trong từng tình trạng cần phải làm gì để giúp trẻ trở lại trạng thái bình thường. Ba mẹ có thể tham khảo một số tình huống sau đây:
2.1. Bé đi ngoài có bọt nhưng vẫn bú mẹ và ngủ bình thường
Bé đi ngoài có bọt nhưng không kèm theo những dấu hiệu bất thường nào, ăn ngủ đều đặn thì mẹ không nên quá lo lắng. Thay vào đó nên chú ý chế độ ăn của mình để giúp bé cải thiện tình trạng đi ngoài có bọt.
2.2. Trẻ liên tục đi ngoài sủi bọt, quấy khóc và bỏ ăn
Đây là dấu hiệu cho biết trẻ đang trong trạng thái rất tồi tệ và cần can thiệp y tế ngay lập tức. Bạn không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ bởi với trẻ sơ sinh mọi xử lý không đúng chuyên môn có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa nhi thăm khám và xác định nguyên nhân là giải pháp hiệu quả nhất trong trường hợp này.
2.3. Trẻ đi ngoài sủi bọt và có nhầy
Trẻ sơ sinh đi bọt và có nhầy mẹ cần lưu ý một số điều sau:
Phân nhầy xanh sẫm, có bọt kèm theo quấy khóc,.. đây là một trong các dấu hiệu bé chưa được ăn đủ. Mẹ cần chú ý cho bé bú đủ cữ và đủ lượng.
Trẻ sơ sinh đi ngoài cứng, mặt ngoài nhầy và hơi bọt,… thậm chí có tia máu, là biểu hiện cho thấy bé bị táo bón. Trường hợp này thường xảy ra với trẻ dùng sữa công thức. Mẹ cần xem xét lại loại sữa của trẻ, tỷ lệ pha sữa của bé.
Phân nhầy, có bọt và dạng bã đậu kèm theo tiếng lục bục trong bụng… là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng đường ruột, cần đưa trẻ đi thăm khám ngay.
3. Lời khuyên cho cha mẹ để bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh
>>>>>Xem thêm: Giúp mẹ thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên: Trẻ bị táo bón
Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng của mẹ giúp trẻ có nguồn sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng
Trẻ sơ sinh có cơ địa nhạy cảm và hệ thống miễn dịch yếu. Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống của mẹ và bé, cụ thể:
– Trẻ nên được ưu tiên dùng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp trẻ cần bổ sung sữa công thức, hãy chọn loại sữa phù hợp và cho trẻ ăn đúng tỷ lệ hướng dẫn. Không ăn quá đặc tránh táo bón cho trẻ, không ăn quá loãng vì có thể khiến trẻ ngộ độc nước.
– Mẹ cần đặc biệt chú ý chế độ ăn của mình, cụ thể: tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng cho mẹ, các thức ăn cay nóng, thay vào đó nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa như rau xanh, trái cây và ăn cân đối thịt đỏ, trắng,…
– Trẻ ăn sữa công thức ngoài lựa chọn sữa phù hợp cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn nước pha sữa, dụng cụ pha,…
– Môi trường sống của trẻ cần được giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn từ tiếp xúc tay, vật dụng vào hệ tiêu hóa của trẻ.
Trên đây là một số thông tin liên quan tới tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt. Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho mẹ trong chăm sóc trẻ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.