Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân gây ra và nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốt cao gây co giật. Bỏ túi ngay những kiến thức sơ cứu sốt cao co giật cho trẻ từ bài viết dưới đây để bảo vệ con khỏi những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi bị sốt cao, co giật các mẹ nhé.
Bạn đang đọc: Cách sơ cứu sốt cao co giật ở trẻ mẹ cần biết
1. Ba mẹ cần biết: Như thế nào là sốt cao, co giật?
Sốt cao, co giật là tình trạng tăng nhiệt độ đột ngột ở trẻ, lên tới trên 39-40 độ C, kèm theo đó là triệu chứng cứng người, trợn mắt, tay chân bé giật liên tục. Triệu chứng này thường hết sau một vài phút. Co giật do sốt cao thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, chiếm 3-5% các trường hợp sốt cao. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do não bộ của trẻ chưa phát triển toàn diện, trẻ đặc biệt nhạy cảm với sự rối loạn nhiệt độ trong cơ thể, dẫn tới tình trạng co giật.
Sốt cao co giật có thể rất nguy hiểm bởi trong cơn co giật bé có thể làm bị thương chính mình, do vậy phụ huynh cần có kiến thức sơ cứu sốt cao co giật đúng cách.
Dấu hiệu cho thấy trẻ bị sốt cao co giật:
– Sốt cao: Trẻ được xác định bị sốt khi đo nhiệt độ ở nách từ 37,5⁰C trở lên. Từ 37,5 – 38⁰C là sốt nhẹ; từ 38 – 39⁰ C là sốt vừa; từ 39 – 40⁰C là sốt cao, từ 40⁰C trở lên là sốt rất cao.
– Trẻ có thể có các biểu hiện như: nôn, sùi bọt mép, tím tái, tăng trương lực cơ và co giật.
– Cơn co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ thường ngắn dưới 5 phút
Hiện tượng co giật do sốt cao rất nguy hại cho cơ thể và não của trẻ, nguyên nhân là do thiếu oxy khi cơn co giật kéo dài, nhất là trẻ có kèm nôn mửa. Nếu không xử lý nhanh chóng, đúng cách, trẻ có thể nguy hiểm tới tính mạng do tắc thở vì ngạt, hít phải chất nôn, có nguy cơ viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và đường thở gây tổn thương phổi.
2. Cách sơ cứu sốt cao co giật ở trẻ
Có kiến thức về sơ cứu trong tình huống trẻ bị sốt cao, co giật là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cũng như chấn thương trong quá trình co giật của con gây ra. Tuy nhiên, tình trạng chung là khi thấy con có biểu hiện này, hầu hết phụ huynh đều hoảng sợ, mất bình tĩnh, hoặc chưa có kiến thức sơ cứu đúng, vô tình gây hại thêm cho trẻ.
Dưới đây là các bước sơ cứu cơ bản, phụ huynh hãy nhanh chóng thực hiện khi thấy con có các biểu hiện sốt cao và co giật. Cần làm ngay trước khi đưa bé tới viện gần nhất.
Bước 1: Cho bé nằm ở nơi bằng phẳng, chẳng hạn như giường, đệm, thoáng mát. Tránh cho trẻ nằm ở những nơi có vật sắc, cứng và nhọn, có thể làm bé bị thương trong quá trình co giật.
– Đặt trẻ nằm nghiêng, hơi ngửa đầu nhằm mục đích khơi thông đường thở cho trẻ vì khi bị co giật, trẻ không nuốt được, đờm dãi có thể gây ngạt đường thở, nhất là khi rơi vào phổi, dẫn tới ngừng thở.
– Cởi bỏ bớt quần áo cho bé, hoặc cởi cúc, nới lỏng quần áo giúp con thoải mái hơn.
– Cha mẹ tuyệt đối không được dùng vật cứng ngáng miệng trẻ, có thể gây tổn thương răng, xương hàm. Sau khi hết cơn co giật, cha mẹ có thể cho vào giữa 2 hàm răng của bé một chiếc khăn mỏng, để ngăn bé có thể làm thương mình ở cơn co giật sau, rồi nhanh chóng đưa con vào bệnh viện.
– Lưu ý tuyệt đối không giữ chặt tay chân trẻ, vì việc làm này có thể làm chấn thương cơ xương khớp của trẻ.
Bước 2: Hạ nhiệt cho trẻ bằng cách lau vùng bẹn, nách, trán, lưng liên tục bằng khăn ấm, tới khi trẻ hết cơn co giật thì dừng. Đây là một biện pháp không cần dùng thuốc nhưng rất hiệu quả, dễ làm và an toàn với trẻ.
Tìm hiểu thêm: Trẻ bị táo bón: Nguyên nhân, cách khắc phục đơn giản, hiệu quả
Hạ sốt cho trẻ bằng cách dùng khăn ấm lau các vùng như nách, bẹn, trán…
Bước 3: Hạ sốt bằng viên đặt hậu môn để đảm bảo an toàn, bởi trẻ co giật rất khó uống thuốc và dễ bị sặc. Phụ huynh lưu ý dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ với đúng hàm lượng/kg cân nặng của trẻ.
Bước 4: Khi trẻ hết cơn co giật, hãy lật bé nằm nghiêng sang 1 bên, đầu hơi ngửa ra sau, vì đây là tư thế an toàn nhất. Ở tư thế này, trẻ dễ dàng nôn được chất nôn ra ngoài mà không đi vào đường hô hấp, gây nguy hiểm hay tắc nghẽn đường hô hấp.
Bước 5: Sau khi hết cơn co giật, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm và ngăn ngừa những cơn co giật tiếp theo, gây nguy hiểm cho bé.
Cha mẹ đặc biệt cần lưu ý nếu:
– Đây là cơn co giật đầu tiên mà trẻ từng gặp.
– Cơn co giật kéo dài lâu hơn 5 phút, hoặc ngắn hơn nhưng nhiều cơn ngắn liên tiếp.
– Sau cơn co giật, trẻ bị khó thở hoặc không phục hồi.
– Bị chấn thương trong khi lên cơn co giật.
3. Chăm sóc trẻ bị sốt cao co giật
>>>>>Xem thêm: Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị tại nhà
Cho trẻ uống nhiều chất lỏng như sữa, nước hoa quả, nước… sẽ giúp bé mau hạ sốt.
– Những trẻ có tiền sử sốt cao co giật, phụ huynh cần đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, điều trị và phòng tránh co giật do sốt.
– Khi bé sốt, tuyệt đối không để con nằm 1 mình. Hãy ở bên cạnh trẻ và tìm người giúp đỡ nếu cần.
– Lau người cho trẻ bằng khăn ấm khắp người, thường xuyên cặp nhiệt độ. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên thì cho trẻ dùng hạ sốt.
– Bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ bú nhiều lần hơn, uống nước điện giải oresol, nước hoa quả, nước canh.
– Cởi bớt quần áo, cho bé mặc quần áo cotton thoáng mát. Lưu ý, ba mẹ không nên ủ ấm, bọc kín khi bé bị sốt cao.
– Cho trẻ nằm ở phòng thoáng mát, sạch sẽ, nhưng tránh gió lùa trực tiếp.
– Để giúp bé sớm phục hồi sức khỏe, cha mẹ nên chế biến các món lỏng và dễ ăn như cháo, súp, sữa…
Như vậy, có thể thấy rằng, sốt cao co giật là tình trạng khá nguy hiểm ở trẻ nếu như chúng ta không có kiến thức sơ cứu kịp thời. Trên đây chúng tôi đã cung cấp những thông tin cơ bản về sơ cứu sốt cao co giật cho trẻ và người bệnh cũng như cách chăm sóc trẻ khi bị sốt cao, co giật. Sau khi thực hiện các bước sơ cứu, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để các bác sĩ cấp cứu và thăm khám, điều trị cho trẻ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.