Bệnh tay chân miệng là gì và dấu hiệu, cách phòng tránh căn bệnh này ở trẻ như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây để giúp căn bệnh này không làm phiền đến sự phát triển của trẻ nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh tay chân miệng là gì và các cách phòng tránh
1. Kiến thức cần biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ
Trẻ bị bệnh tay chân miệng là gì? Theo các chuyên gia, trẻ khoảng 3 – 4 tuổi thì miễn dịch mới hoàn thiện, còn trong giai đoạn từ lúc chào đời đến trước đó trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh khác nhau, một trong số đó là chân tay miệng – căn bệnh phổ biến thường gặp do virus gây ra.
Cụ thể, bệnh tay chân miệng do các chủng virus đường ruột thuộc họ enterovirus gây ra, điển hình là Coxsackie A-16 (chiếm đa phần các ca tay chân miệng) và enterovirus typ 71 (ít gặp hơn).
1.1 Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng là gì?
Dù nguyên nhân gây bệnh là do Coxsackie A-16 hay enterovirus typ 71 thì biểu hiện của bệnh tay chân miệng đều giống nhau và đều trải qua 3 giai đoạn là ủ bệnh, khởi phát và tái phát.
Ở giai đoạn ủ bệnh (khoảng 3 – 6 ngày) tính từ thời điểm virus xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua dịch tiết nước bọt, phỏng nước trên da hoặc phân của người mắc bệnh khác đến khi trẻ có những biểu hiện của giai đoạn khởi phát bệnh, thường ở giai đoạn này trẻ sẽ không có biểu hiện gì.
Ở giai đoạn khởi phát, các biểu hiện của tay chân miệng đã rõ ràng và cha mẹ có thể dễ dàng quan sát thấy:
– Bé sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 37.5 – 39 độ hoặc hơn thế, cha mẹ nên theo sát để tránh tình trạng bé sốt cao dẫn đến co giật, ảnh hưởng hệ thần kinh.
– Bé bị đau họng, sưng họng, đau miệng… dẫn đến lười ăn, khó nuốt
– Ở một số trường hợp, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
Biết được dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là gì có thể giúp cha mẹ phát hiện sớm căn bệnh này
Cuối cùng, sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh, trẻ sẽ bước vào giai đoạn tái phát bệnh với biểu hiện:
– Có những nốt phỏng nước đường kính từ 2 – 10mm ở phần lòng bàn tay, bàn chân, mông, lưng… Những nốt phỏng này có màu xám và hình bầu dục, sờ có cảm giác cộm vướng nhưng không gây đau và không ngứa.
– Quan sát phần miệng sẽ thấy những nốt mụn nước trong khoang miệng của trẻ như má, nướu, lưỡi đường kính 2 – 3mm. Khác với những nốt phỏng trên cơ thể, những nốt trong miệng khi rất dễ vỡ và khi vỡ ra tạo thành loét khiến trẻ đau, rát, quấy khóc, lười ăn…
Thông thường, bệnh chân tay miệng ở trẻ nếu ở thể nhẹ, được phát hiện sớm thì sẽ tự khỏi sau từ 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà. Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt bé sốt cao trên 39 độ, kèm theo nôn mửa, co giật, tim đập nhanh, mặt tím tái, mê sảng, rối loạn tri giác…
Khi thấy bé có những biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bởi dù dấu hiệu như nhau nhưng nếu bé mắc phải chủng enterovirus type 71 thì bệnh có nguy cơ cao dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não do vi-rút hoặc viêm não hoặc tổn thương cơ tim…
1.2 Con đường lây lan bệnh tay chân miệng là gì?
Như vừa chia sẻ, nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng là do virus gây ra, những loại virus này có khả năng lây lan từ người sang người với tốc độ nhanh chóng và dễ tạo thành dịch nên cha mẹ cần hết sức chú ý.
Con đường lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ
Theo đó, tay chân miệng có thể lây lan trong trường hợp:
– Trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nước bọt của người bệnh khi ăn uống chung, nói chuyện, hắt hơi… điều này thường gặp với những trẻ đang trong độ tuổi mẫu giáo, mầm non.
– Bị virus chân tay miệng xâm nhập thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch của phỏng nước của người bệnh.
– Trẻ cầm nắm, tiếp xúc bằng tay không với các vật dụng hoặc đồ chơi của trẻ bị bệnh khác.
– Trẻ bị lây thông qua tay của người chăm sóc có nhiễm virus này
Hơn thế, không chỉ trong tuần đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh) trẻ bị tay chân miệng mới có khả năng phát tán virus mà ở giai đoạn sau đó vài tuần trẻ vẫn có thể lây bệnh cho bạn khác bởi virus vẫn còn nhiều trong nước bọt, phân… Vậy nên, để tránh lây lan tay chân miệng hãy cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sau khi khỏi bệnh.
2. Điều trị bệnh tay chân miệng
Nếu được phát hiện sớm và ở thể nhẹ, chân tay miệng ở trẻ sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày điều trị tại nhà. Để biết chính xác cách điều trị bệnh tay chân miệng, cha mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác nhất. Trong những trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ tự điều trị cho trẻ tại nhà, còn trong trường hơn nặng hơn, các bác sĩ sẽ có những liệu pháp điều trị phù hợp.
Trên thực tế, hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vacxin phòng bệnh tay chân miệng, nên quan sát triệu chứng và thực hiện các biện pháp giảm triệu chứng là cách giúp tình trạng tay chân miệng ở trẻ sớm chấm dứt.
Tìm hiểu thêm: Làm rõ triệu chứng thủy đậu, phân biệt với dấu hiệu bệnh sởi
Hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chân tay miệng chính xác nhất
Cụ thể, điều trị tay chân miệng tại nhà cha mẹ nên:
– Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên và cho trẻ dùng hạ sốt theo chỉ định, liều lượng của bác sĩ trong trường hợp sốt trên 38.5 độ.
– Bù nước cho trẻ, tránh trường hợp trẻ mất nước
– Mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, không bôi bất cứ thuốc hay kem gì lên những vết phỏng mụn của trẻ khi chưa được bác sĩ chỉ định.
– Có thể tắm cho trẻ bị tay chân miệng nhưng nên tắm bằng nước ấm và sạch ở nơi kín gió. Tránh chọc vỡ phỏng mụn nước của trẻ hoặc sử dụng các loại lá tắm để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
– Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ấm… tránh cho trẻ ăn đồ nóng hoặc cứng vì có thể khiến những vết loét trong miệng bé đau hơn.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé qua nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, nếu bé không chịu ăn cha mẹ có thể cho bé uống sữa, cháo loãng, sữa chua… để bệnh mau khỏi hơn.
Đặc biệt, cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để khám hoặc nằm viện nếu cần, tránh những biến chứng bệnh có thể xảy ra như nhiễm trùng máu, viêm màng não… hết sức nguy hiểm.
3. Những cách phòng tránh tay chân miệng ở trẻ hiệu quả
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khi đã biết được nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng, cha mẹ có thể dễ dàng chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ cũng như bản thân mình (vì nhiều trường hợp người lớn cũng có thể mắc chân tay miệng) bằng cách:
– Tránh đưa trẻ đến những nơi đông đúc, không đảm bảo, ô nhiễm… đặc biệt là thời điểm đỉnh dịch tay chân miệng (từ tháng 3 – 5 và tháng 8 – 9 mỗi năm)
– Luôn vệ sinh tay chân của trẻ sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn phù hợp
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ
Rửa tay thường xuyên là cách đơn giản để phòng chống tay chân miệng cho trẻ
– Tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi” để loại bỏ vi khuẩn, virus có thể xâm nhập cơ thể trẻ
– Không ôm, hôn, tiếp xúc gần với trẻ nếu nhận thấy bản thân có nguy cơ bị tay chân miệng hoặc đã tiếp xúc với người bị tay chân miệng trước đó
– Vệ sinh, khử khuẩn không gian sống, giữ cho phòng ở thoáng mát đồng thời thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn cho đồ chơi, đồ dùng cá nhân của bé để loại bỏ virus, vi khuẩn gây bệnh.
– Chủ động tăng đề kháng và miễn dịch cho trẻ bằng việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ, cho trẻ hoạt động thể chất…
Cuối cùng, hãy luôn theo dõi tình trạng bệnh của bé và đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về bệnh tay chân miệng. Hy vọng sau bài viết đã giúp ba mẹ giải đáp được thắc mắc bệnh tay chân miệng là gì cũng như cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.