Trẻ bị sốt phát ban và sởi có biểu hiện tương đối giống nhau khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn. Cách phân biệt hai tình trạng bệnh này như thế nào để không nhầm lẫn trong việc điều trị, tránh để lại biến chứng cho trẻ về sau, cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Phân biệt trẻ bị sốt phát ban và sởi
1. Về nguyên nhân bệnh
Sốt phát ban và sởi là hai căn bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi đề kháng kém, miễn dịch chưa hoàn thiện. Sốt phát ban là tình trạng trẻ bị sốt (sốt nhẹ hoặc cao trên 39 độ), trên da xuất hiện những nốt nhỏ màu đỏ hoặc hồng, hay còn gọi là phát ban.
Còn sởi cũng có biểu hiện gần sốt với sốt phát ban là sốt từ nhẹ đến cao, kèm theo các vết phát ban, viêm long đường hô hấp… Vậy nên nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn sởi và sốt phát ban với nhau, từ đó điều trị sai cách và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về sau cho sự phát triển của trẻ.
Để phân biệt sởi và sốt phát ban, đầu tiên cần biết được nguyên nhân bệnh. Mặc dù nguyên nhân gây ra 2 bệnh này đều là do virus, tuy nhiên mỗi một tình trạng bệnh lại do những loại virus khác nhau gây ra.
1.1 Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt phát ban
Tình trạng sốt phát ban do các loại virus xâm nhập vào cơ thể trẻ gây ra, trong đó có 5 loại virus chính và thường gặp nhất là virus human herpes (HPV), Rubella, Enterovirus, Adenovirus và cả virus sởi.
Virus xâm nhập chính là nguyên nhân khiến trẻ bị sốt phát ban
Những loại virus này lây trực tiếp từ người qua người thông qua đường hô hấp hoặc khi trẻ tiếp xúc với dịch tiết, vật dụng cá nhân chứa virus… của người bệnh. Đối với trẻ, khi đi học tiếp xúc, ăn – ngủ – chơi chung với các bạn trong lớp, chỉ cần có một bạn bị nhiễm virus gây ra sốt phát ban cũng có thể lây cho những bạn khác. Vậy nên sốt phát ban dễ lây lan hơn và có thể nhanh chóng trở thành dịch.
1.2 Nguyên nhân trẻ bị sởi
Không giống như sốt phát ban có nguyên nhân từ nhiều loại virus khác nhau, nguyên nhân trẻ bị sởi do virus sởi – là virus họ Paramyxoviridae gây ra.
Sởi được các chuyên gia đánh giá là một dạng bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát bệnh trở thành dịch bởi trẻ có thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh phát tán ra môi trường xung quanh như khi nói chuyện, hắt hơi, ho… Cùng với đó, trẻ đề kháng kém, miễn dịch yếu chính là đối tượng lý tưởng để virus sởi tấn công, gây bệnh.
2. Dấu hiệu bệnh
2.1 Dấu hiệu trẻ bị sốt phát ban
Khi trẻ bị sốt phát ban, tùy từng loại virus sẽ có những biểu hiện đặc thù bệnh riêng nhưng nhìn chung sẽ có những biểu hiện điển hình như:
– Nhiệt độ cơ thể tăng khiến trẻ bị sốt, có thể sốt nhẹ từ 37.5 cho đến sốt cao trên 39 độ. Nếu trẻ có tiền sử co giật, tím tái… khi sốt cao, cha mẹ nên chú ý để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.
– Xuất hiện những vết nhỏ màu hồng hoặc màu đỏ, không ngứa trên ngực, lưng và bụng sau đó lan rộng xuống cổ và cả hai tay. Những vết ban đỏ này có thể có viền bao quanh hoặc không, sần hoặc không sần… và thường biến mất sau vài giờ nhưng cũng có khi vài ngày mà không để lại sẹo, thâm.
– Trẻ chán ăn, biếng ăn, ăn uống kém
– Có trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, viêm họng, ho, quan sát ở phần cổ sẽ thấy hạch bạch huyết sưng lên.
Đặc biệt, nếu trẻ sốt phát ban do virus rubella thì các vết ban sẽ có màu hồng (ban đào) cùng với đó là tình trạng đau hạch sau tai và đôi khi là kèm đau khớp.
Phân biệt giữa sởi và sốt phát ban ở trẻ
Vì nguyên nhân gây ra tình trạng sốt phát ban cho trẻ từ nhiều loại virus khác nhau, do đó cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để thực hiện chẩn đoán, biết chính xác chủng virus gây bệnh từ đó có hướng điều trị phù hợp.
2.2 Dấu hiệu trẻ bị sởi
Những dấu hiệu của bệnh sởi về cơ bản tương đối giống với sốt phát ban, tuy nhiên để những dấu hiệu đó “phát” ra ngoài cũng là lúc trẻ sắp khỏi bệnh.
Cụ thể, trẻ bị sởi sẽ trải qua 4 giai đoạn của bệnh là:
– Giai đoạn ủ bệnh: trẻ bị virus sởi tấn công sẽ có thời gian ủ bệnh từ 8 – 11 ngày trước khi khởi phát
– Giai đoạn khởi phát (viêm long) kéo dài 3 – 4 ngày với triệu chứng điển hình gồm sốt nhẹ cho đến sốt cao, ho khan, viêm kết mạc, mắt đỏ, sưng, chảy nước mũi và nước mắt nhiều… đặc biệt hạch ngoại biên nổi sưng to
– Giai đoạn toàn phát (còn gọi là giai đoạn trẻ phát ban) kéo dài khoảng 3 ngày, giống như tên gọi lúc này những nốt phát ban đỏ, bề mặt sần hơi nổi giờ bắt đầu nổi lên trên bề mặt da của bé tại các vùng sau tai, mặt, cổ, ngực, tay và sau đó là lan khắp cơ thể.
– Giai đoạn bay ban (lui bệnh): Khi bước vào giai đoạn này trẻ đã sắp khỏi, lúc này trẻ cũng đã cắt được cơn sốt hoặc hết sốt, các vết ban hết dần nhưng chúng có thể để lại vết thâm.
Đặc biệt, trong một số trường hợp hy hữu vết phát ban có thể rời đi trong khi trẻ đang sốt, lột da… lúc này không thể loại trừ khả năng bệnh sởi đã chuyển biến thành những biến chứng hoặc bệnh khác nguy hiểm hơn. Và nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
3. Cách điều trị bệnh
Cả sốt phát ban và sởi đều chưa có phương pháp điều trị cụ thể và là bệnh có thể tự khỏi nếu được phát hiện sớm cũng như điều trị đúng cách. Cùng với đó, các triệu chứng cũng thường sẽ tự hết sau 7 – 10 ngày kể từ khi phát bệnh.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu hiện tượng trẻ bị viêm phổi do thời tiết nắng nóng
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt phát ban hoặc sởi, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ để biết chính xác
Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh, hãy đưa trẻ đến bệnh viện và gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác, từ đó có hướng điều trị kịp thời. Nếu sốt phát ban và sởi của trẻ ở thể nhẹ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ tự điều trị tại nhà cho trẻ bằng cách:
– Theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ, thực hiện chườm mát cho trẻ nếu sốt nhẹ và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo liều lượng bác sĩ chỉ định nếu trẻ sốt từ 38.5 độ trở lên.
– Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa… để giúp cho quá trình hạ sốt, chống tình trạng mất nước ở trẻ.
– Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mặc đồ bó sát cho bé trong thời gian bé bị bệnh
– Nếu trẻ bị đau đỏ mắt hoặc ghèn mắt nhiều, cha mẹ có thể giúp bé làm sạch mắt bằng cách ngâm bông sạch vào nước ấm sau đó lau mắt cũng như chườm mắt.
– Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đa dạng, đủ chất, cho trẻ ăn những món mềm, dễ tiêu… tránh cho trẻ ăn đồ chiên rán, cay nóng, dầu mỡ khó tiêu.
Trong trường hợp bệnh chuyển biến xấu, có những biểu hiện như sốt cao trên 40 độ, sốt liên tục trên 3 ngày không cắt cơn, trẻ tím tái khó thở, có tiền sử co giật… các bác sĩ sẽ hướng dẫn nhập viện để hỗ trợ tối đa cho việc điều trị, nên cha mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu bé bị sởi hoặc sốt phát ban.
Tuy nhiên, cũng không được chủ quan mà cần theo sát tình hình của bé để kịp thời phát hiện những bất thường, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi bé bị sởi.
4. Phòng chống sốt phát ban và sởi ở trẻ
Bên cạnh việc thực hiện đúng các biện pháp điều trị sốt phát ban và sởi tại nhà, cha mẹ cũng nên áp dụng cách phòng chống 2 căn bệnh này cũng như phòng chống virus, vi khuẩn, mầm bệnh xâm nhập khác tấn công trẻ bằng cách:
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu bệnh viêm amidan ở trẻ em từ A – Z
Tiêm vaccine chính là cách phòng bệnh sốt phát ban cũng như sởi hiệu quả
– Tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ, đúng lịch
– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc, không an toàn
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, giữ không gian ở thoáng mát sạch sẽ
– Vệ sinh dụng cụ, đồ chơi, đồ dùng… của bé thường xuyên
– Chú ý quan sát tình trạng cơ thể bé, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh sớm nhất
Hy vọng với những thông tin chia sẻ về cách phân biệt trẻ bị phát ban và sởi trên đây của chúng tôi đã giúp cha mẹ trang bị thêm kiến thức bổ ích trong hành trình chăm sóc và không lớn cùng trẻ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.