Vì hệ miễn dịch còn yếu nên khi thời tiết trở lạnh khiến trẻ bị viêm phế quản. Viêm phế quản ở trẻ em nếu được điều trị kịp thời sẽ không quá nguy hiểm, ngược lại nếu để bệnh trở nặng dễ dẫn tới biến chứng nghiêm trọng về đường hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Bạn đang đọc: Trẻ bị viêm phế quản: Triệu chứng và cách điều trị
1. Viêm phế quản ở trẻ em là gì?
Phế quản là tổ chức hình ống, có nhiều nhánh với nhiệm vụ dẫn khí vào phổi. Khi bị virus tấn công, các phế quản này sẽ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng gọi là bệnh viêm phế quản. Khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, nhất là vào mùa đông, trẻ em dễ nhiễm viêm phế quản do hệ miễn dịch còn yếu, virus dễ dàng tấn công gây bệnh.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ thường do virus gây ra
Viêm phế quản làm tổn thương lớp tế bào phủ mặt trong phế quản, làm phù nề dưới niêm mạc, co thắt cơ trơn dưới mô niêm mạc dẫn tới tiết dịch trong lòng ống phế quản, từ đó gây triệu chứng ho, khò khè, tiết đờm. Trẻ em bị viêm phế quản có thể là cấp tính hay mãn tính.
2. Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em
Ban đầu khi mới tiếp xúc với virus gây bệnh, trẻ chưa xuất hiện các triệu chứng ngay. Từ 24 – 72 giờ sau, các triệu chứng bệnh mới dần xuất hiện và ngày càng rõ rệt hơn. Một số biểu hiện ban đầu của trẻ bị viêm phế quản gồm quấy khóc, chán ăn, bỏ bú nôn ói, khó thở hay đau ngực. Trong nhiều trường hợp, các biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với viêm họng thông thường.
Khi virus tấn công làm tiết dịch nhầy trong phế quản, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn và có biểu hiện khó thở. Nếu thấy các cơn ho và sốt kéo dài hơn 1 tuần, lúc này không còn là viêm họng thông thường nữa, khả năng cao bé đã bị viêm phế quản.
Các triệu chứng bệnh tiến triển theo hướng nặng dần. Sau 2 – 3 tuần, trẻ bắt đầu đau rát họng, ho kèm đờm màu xanh hoặc hơi vàng, có tiếng khò khè do phế quản bị sưng. Đi kèm với ho vẫn là các cơn sốt nhẹ kéo dài (một số bé có thể sốt cao), mệt mỏi, nghẹt mũi và đau ngực.
Bệnh tiến triển theo 3 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn khởi phát: Trẻ bị sốt nhẹ, ho khan, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Nghẹt mũi thường vào ban đêm.
– Giai đoạn phát bệnh: Sốt cao hơn, sốt từng cơn hoặc kéo dài, bắt đầu xuất hiện tiếng khò khè, khó thở, thở bằng miệng, rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ.
– Giai đoạn nguy hiểm: Trẻ sốt cao lên tới 39 độ C, mệt mỏi, đổ mồ hôi, bỏ ăn, nôn ói, tiêu chảy. Các cơn ho kéo dài như ho gà, phát ra tiếng khò khè, khó thở, nhịp thở nhanh và mạnh khiến ngực phập phồng. Môi, đầu ngón tay và đầu ngón chân tím tái. Nếu bệnh nặng hơn, trẻ có thể ngủ li bì, hôn mê và co giật.
3. Nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm phế quản
Viêm phế quản trẻ em do virus, vi khuẩn gây ra, thường là phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, (H.influenzae)… Những vi khuẩn này hoạt động mạnh mẽ trong thời tiết lạnh, môi trường ô nhiễm, dễ dàng tấn công các bé có sức đề kháng yếu.
Viêm phế quản có thể lây lan qua đường hô hấp thông qua dịch tiết đường hô hấp như nước bọt, nước mũi, đờm… của người bệnh. Bệnh lây lan nhanh hơn khi trời lạnh, đặc biệt vào mùa xuân và mùa đông.
Những trường hợp trẻ em có nguy cơ bị viêm phế quản cao gồm có:
– Trẻ có cơ địa dị ứng, phế quản bị kích ứng mạnh khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc…
Trẻ thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc viêm phế quản cao hơn các trẻ khác
– Trẻ bị thừa cân, béo phì (chỉ số IBM cao) có nguy cơ nhiễm viêm phế quản cao hơn các trẻ khác. Nguyên nhân vì khối lượng cơ thể dư thừa có thể gây cản trở luồng khí lưu thông trong phế quản, giảm sự hoạt động của hệ hô hấp.
– Trẻ sống ở mỗi trường ô nhiễm, thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói bụi, xăng xe, khói thuốc hay các loại khí, hơi độc khác. Những trẻ này thường có xu hướng nhiễm viêm phế quản mãn tính.
4. Cách điều trị viêm phế quản trẻ em
Trong điều trị viêm phế quản trẻ em, các loại thuốc được sử dụng nhằm tiêu diệt virus, vi khuẩn và giảm các triệu chứng bệnh như ho, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, có đờm…
– Thuốc kháng sinh: Phần lớn trẻ bị viêm phế quản do virus nên thường không sử dụng thuốc kháng sinh. Các trường hợp được chỉ định dùng thuốc kháng sinh như viêm phế quản do vi khuẩn; sốt kéo dài; có đờm xanh, vàng hoặc đờm mủ; viêm phế quản cấp…
– Thuốc kháng virus: Trẻ có thể được sử dụng thuốc kháng virus trong 36 giờ đầu kể từ khi phát hiện triệu chứng nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây viêm phế quản là virus cúm.
– Thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C mới sử dụng thuốc hạ sốt. Acetaminophen (Paracetamol) và Ibuprofen là 2 loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến trong trường hợp này, tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt. Cần lưu ý việc sử dụng Ibuprofen phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, nếu trẻ có bệnh lý tim, phổi, thần kinh… phải uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ em: Nhận biết và xử lý hiệu quả
Cho bé uống nhiều nước có tác dụng hạ sốt, làm loãng đờm, giảm ho
– Giảm ho: Việc dịch nhầy, đờm ứ đọng trong phế quản gây ra phản ứng ho để đưa chúng ra ngoài. Điều này giúp giảm bớt vi khuẩn, khiến bệnh phục hồi nhanh hơn. Do vậy, không nên sử dụng thuốc giảm ho vì chúng có tác dụng giảm bài tiết đờm, vi khuẩn ứ đọng bên trong, lâu khỏi bệnh. Thế nhưng, tình trạng ho nhiều gây đau họng, mất ngủ… cần cho trẻ uống nhiều nước để giảm cảm giác khó chịu trong cổ họng, đồng thời lưu ý các bệnh lý kèm theo như co thắt phế quản, trào ngược dạ dày, trào ngược thực quản…
– Điều trị sổ mũi, nghẹt mũi: Vệ sinh mũi cho bé và phun ẩm trong phòng là biện pháp giúp thông mũi, giảm nghẹt mũi hiệu quả. Lưu ý, không dùng Histamin và các thuốc chống sung huyết mũi vì chúng có thể gây tác dụng phụ.
– Thuốc làm loãng đờm: Sử dụng một số loại thuốc như acetylcystein, bromhexin, carbocistein… làm giảm độ dính của đờm giúp trẻ dễ chịu hơn. Lưu ý cho trẻ uống nhiều nước để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.
– Thuốc giãn phế quản: Chỉ khi trẻ xuất hiện tình trạng khò khè, khó thở mới sử dụng thuốc giãn phế quản, và cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ nên sử dụng thuốc giãn phế quản khí dung, không nên sử dụng thuốc theo đường uống vì hiệu quả thấp và có thể gây tác dụng phụ.
Viêm phế quản ở trẻ em có thể khỏi sau 2 – 3 tuần nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng, lâu khỏi có thể biến chứng thành bội nhiễm vi khuẩn và viêm phổi. Vì vậy, cha mẹ cần sớm đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
5. Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Việc chăm sóc đúng cách có thể ngăn bệnh trở nặng, giảm các triệu chứng bệnh, giúp bé nhanh khỏi hơn. Khi trẻ bị viêm phế quản, cha mẹ cần chú ý một số điều sau đây:
– Dùng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mũi sạch sẽ cho bé, thực hiện nhiều lần mỗi ngày. Việc này giúp bé giảm nghẹt mũi, giúp bé thở dễ chịu hơn.
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh thừa cân béo phì nguyên nhân do đâu?
Giữ ấm cho bé vào mùa đông để phòng tránh viêm phế quản
– Chú ý giữ ấm cơ thể bé, tránh viêm phế quản trở nặng chuyển thành viêm phổi.
– Chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt Paracetamol để cho bé uống khi bé sốt trên 38,5 độ C. Lưu ý uống thuốc đúng liều lượng, theo hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ. Thực hiện chườm, lau người bằng nước ấm (35 – 36 độ C) để bé nhanh hạ sốt hơn.
– Không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì viêm phế quản trẻ em thường do virus gây ra. Trong trường hợp này thuốc kháng sinh không có tác dụng, chỉ làm hại sức khỏe bé mà thôi.
– Cho bé uống nhiều nước giúp hạ sốt, làm loãng đờm, giúp đường thở của bé dễ chịu hơn, đồng thời giúp thuốc chống nghẹt mũi phát huy tác dụng tốt nhất.
– Cho bé uống mật ong pha với nước ấm, mật ong làm dịu cổ họng, giúp giảm ho hiệu quả. Mật ong cũng có đặc tính kháng virus, vi khuẩn, hỗ trợ bé nhanh khỏi bệnh.
– Trẻ bị bệnh sẽ mệt mỏi và chán ăn, cha mẹ nên thiết kế khẩu phần ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin cho bé. Đặc biệt, bổ sung các thực phẩm giàu kẽm vì nó hỗ trợ giúp bệnh mau khỏi. Nên chọn thức ăn lỏng, mềm, chế biến nhạt, chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho bé dễ ăn.
6. Cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Biện pháp phòng bệnh viêm phế quản trẻ em hiệu quả nhất là không cho bé tiếp xúc với nguồn vi khuẩn gây bệnh. Một số biện pháp cụ thể như sau:
– Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, ngăn khói bụi, khói xăng xe, khói thuốc lá.
– Vệ sinh cơ thể bé hàng ngày, rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chơi đồ hàng, sau khi từ ngoài về nhà.
– Vệ sinh sạch sẽ các vị trí, đồ vật bé hay chạm vào hàng ngày như góc tường, nên nhà, đồ chơi, quần áo, dụng cụ ăn uống…
– Cách ly bé khỏi những người đang bị bệnh về đường hô hấp. Cho bé đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
– Chú ý giữ ấm cho bé khi trời lạnh, xây dựng bữa ăn giàu dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Như vậy, cha mẹ cần ghi nhớ các triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm phế quản trên đây để có thể phát hiện sớm dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản và điều trị kịp thời, đúng cách. Bên cạnh đó, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh viêm phế quản ở trẻ để bé có sức khỏe tốt, không bị nhiễm bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.