Trẻ bị hen phế quản và những điều cha mẹ cần biết

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính ở hệ hô hấp, khiến trẻ gặp khó khăn khi thở. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh còn có thể dẫn tới biến chứng nếu cha mẹ không điều trị kịp thời và đúng cách cho trẻ. Cùng tìm hiểu ngay về tình trạng trẻ bị hen phế quản, cách điều trị và phòng ngừa khoa học.

1. Hen phế quản ở trẻ

Hen phế quản là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em khi phổi và hệ hô hấp của trẻ bị tác nhân có hại tấn công gây viêm nhiễm. Bệnh khiến trẻ gặp khó khăn khi thở do hệ hô hấp bị tổn thương. Trẻ mắc bệnh thường xuyên mệt mỏi vì các triệu chứng bệnh gây ra và gặp bất tiện trong sinh hoạt, học tập.

Ở trẻ em, hen phế quản là bệnh có tỷ lệ trẻ mắc cao, nhiều nhất là ở trẻ nhỏ do sức đề kháng của trẻ còn kém. Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hen phế quản nhưng nếu trẻ được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ nhanh hồi phục và giảm thiểu nguy cơ tổn thương tới phổi hơn.

Trẻ bị hen phế quản và những điều cha mẹ cần biết

Hen phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ do hệ hô hấp bị các yếu tố có hại tấn công

2. Dấu hiệu trẻ bị hen phế quản

Khi mắc hen phế quản, trẻ nhỏ thường gặp phải tình trạng khó khăn trong việc hô hấp như:

– Ho

– Thở rít, thở khò khè

– Khó thở

– Tức ngực…

Đồng thời khi mắc bệnh, sức khỏe trẻ giảm đi khiến tinh thần kém vui vẻ, thường xuyên ủ dột, bỏ ăn, mất ngủ…

Các dấu hiệu hen suyễn ở mỗi trẻ là khác nhau và không phải trẻ nào cũng có tất cả các dấu hiệu này. Ở giai đoạn đầu, bệnh có biểu hiện tương tự như bệnh viêm đường hô hấp thông thường. Điều này khiến cha mẹ khó đánh giá trẻ có mắc bệnh hay không để xử trí. Đó cũng là lý do mà có không ít trường hợp trẻ mắc bệnh nhưng được phát hiện và điều trị muộn khiến hen phế quản chuyển thành mạn tính, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy hại cho trẻ.

Do đó, cha mẹ cần chủ động trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ và nên đi khám ngay để bác sĩ điều trị kịp thời.

Trẻ bị hen phế quản và những điều cha mẹ cần biết

Trẻ bị hen phế quản thường gặp phải tình trạng khò khè, khó thở, tức ngực…

3. Nguyên nhân gây bệnh

Hen phế quản ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra hoặc có thể phối hợp giữa nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong đó, dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất ở những trẻ mắc hen phế quản. Trẻ bị dị ứng với các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, mỹ phẩm, hóa chất, bụi bẩn…sẽ làm tăng nguy cơ kích hoạt cơn hen phế quản.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc bệnh khi gặp phải một số yếu tố tăng nguy cơ cao gây bệnh như:

– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh hen phế quản hoặc gia đình có tiền sử mắc dị ứng.

– Trẻ mắc nhiễm khuẩn hệ hô hấp như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản,…

– Trẻ sinh non có sức đề kháng kém, dễ dàng bị các tác nhân có hại tấn công, gây bệnh.

– Trẻ tiếp xúc với khói thuốc và chịu ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc.

– Trẻ đang điều trị bệnh lý gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị…

Trẻ bị hen phế quản và những điều cha mẹ cần biết

Dị ứng hoặc ảnh hưởng của các bệnh đường hô hấp khiến trẻ dễ mắc hen phế quản

4. Điều trị hen phế quản

Trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh nên được đưa đi khám sớm, bởi khi ở giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả hơn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào sức khỏe và tình trạng của trẻ để đưa ra các phương án điều trị phù hợp:

4.1. Thuốc dự phòng hen phế quản

Thuốc dự phòng để kiểm soát lâu dài, giảm triệu chứng khó chịu khi mắc bệnh cho trẻ và thường có thể sử dụng dài ngày:

– Corticosteroid dạng hít: Giảm triệu chứng và tần suất cơn hen đối với trẻ nhỏ do thuốc được đánh giá cao về độ an toàn với trẻ. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều có thể ảnh hưởng tới chiều cao, xương và chức năng tuyến thượng thận ở trẻ nên cha mẹ cần lưu ý.

– Thuốc leukotriene: Chỉ định trong trường hợp trẻ bị hen nhẹ hoặc không điều trị được bằng thuốc corticoid dạng hít.

– Thuốc cường beta: Thuốc cũng có hiệu quả cao trong việc điều trị dự phòng hen phế quản cho trẻ.

4.2. Thuốc cắt cơn hen phế quản

Thuốc cắt cơn hen phế quản thường được sử dụng là thuốc chủ vận beta 2 có tác dụng ngắn. Thuốc giúp làm giảm nhanh chóng các triệu chứng cơn hen phế quản thông qua việc làm thư giãn các cơ vòng quanh đường thở và cải thiện khí lưu thông. Thông qua đó, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn và giảm các triệu chứng khò khè, khó thở.

Ngoài ra, thuốc corticosteroid có thể được bác sĩ chỉ định để giảm viêm đường thở khi trẻ bị hen phế quản nặng. Nhưng nếu dùng lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên bác sĩ thường cân nhắc rất kỹ trước khi kê đơn cho trẻ.

Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cần có sự tư vấn, chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc để chữa bệnh cho trẻ bởi khi sử dụng sai liều có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Trẻ bị hen phế quản và những điều cha mẹ cần biết

Điều trị hen phế quản cho trẻ bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ

5. Phòng ngừa hen phế quản

Đối với trẻ nhỏ, phòng ngừa hen phế quản từ sớm có thể giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ tối ưu hơn. Do đó, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý tới các vấn đề sau:

– Giữ ấm cơ thể trẻ đề phòng cảm lạnh, cảm cúm bởi đây có thể là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản ở trẻ.
– Hạn chế để trẻ tới những nơi đông người, tiếp xúc với người hoặc trẻ đang mắc bệnh.

– Lên kế hoạch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

– Cho trẻ ăn uống với một chế độ khoa học, đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.

– Để trẻ nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước và thường xuyên tập thể dục thể thao để cải thiện và nâng cao đề kháng.

– Đưa trẻ đi khám sức khỏe thường xuyên hơn bởi điều này có thể giúp cha mẹ kiểm soát sức khỏe của trẻ một cách tối ưu.

Trẻ bị hen phế quản cần được điều trị đúng cách bởi bác sĩ có chuyên môn để nhanh chóng đẩy lùi bệnh và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên cho bé đi khám sớm để điều trị và xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, tái phát bệnh ở trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *