Đau mắt đỏ là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Cùng tìm hiểu ngay nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em do đâu và cách điều trị khoa học trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đau mắt đỏ ở trẻ em do đâu, điều trị như thế nào?
1. Đau mắt đỏ ở trẻ em là bệnh gì?
Đau mắt đỏ hay còn được gọi là viêm kết mạc, là tình trạng viêm nhiễm ở mắt thường thấy. Kết mạc là lớp màng niêm mạc lót trong mí mắt trên, dưới và nhãn cầu phía trước. Kết mạc khỏe mạnh sẽ có màu trắng trong, giúp mắt mọi người có thể nhìn một cách rõ ràng. Khi bị viêm, kết mạc sẽ xung huyết, đỏ hơn so với bình thường.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, trong đó trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao do đề kháng của trẻ còn hạn chế. Đau mắt đỏ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt của trẻ do tình trạng sưng, ngứa mi mắt, chảy nước mắt, mắt có ghèn, mắt bị cộm cấn khó chịu…
Bệnh thường kéo dài từ khoảng 7-10 ngày, có thể tự khỏi nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mắc bệnh tiến triển nặng, có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc mạn tính, viêm loét giác mạc, giảm thị lực, để lại sẹo giác mạc… Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên coi nhẹ bệnh đau mắt đỏ ở trẻ mà cần chủ động đưa trẻ đi khám và điều trị để trẻ nhanh chóng hồi phục.
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm nhiễm ở vùng kết mạc mắt
2. Dấu hiệu của bệnh
Khi trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ, cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu sau:
– Đỏ mắt
– Có cảm giác cộm, vướng
– Nặng mi
– Chảy nước mắt
– Mắt có ghèn
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Kết mạc mất tính bóng
– Sưng phù mí mắt, nhãn cầu
– Mắt nhìn có sương mù
– Đau mắt
– Sốt nhẹ
– Người mệt mỏi…
Một số trẻ có thể tự khỏi nhưng có không ít trường hợp bệnh tiến triển nặng khiến sức khỏe thị lực của trẻ bị ảnh hưởng. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời khi phát hiện các triệu chứng bất thường kể trên.
Trẻ mắc đau mắt đỏ thường có triệu chứng đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt…
3. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em do đâu?
Đau mắt đỏ ở trẻ em do nguyên nhân gây bệnh chính là virus Adenovirus hoặc liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hay phế cầu khuẩn… gây ra. Bệnh thường bùng phát vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn… vì đây là điều kiện thời tiết lý tưởng để các tác nhân có hại phát triển. Ngoài ra, sức đề kháng kém do trẻ đang mắc bệnh hoặc vệ sinh mắt không đúng cách cũng có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Virus, vi khuẩn có thể tồn tại một khoảng thời gian nhất định ở bên ngoài môi trường. Trẻ khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với trẻ mắc bệnh, chạm vào đồ dùng, quần áo hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân… cũng có thể bị lây nhiễm mầm bệnh. Những nơi tập trung đông người, kém vệ sinh, ô nhiễm môi trường thường có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Đó cũng là lý do, bệnh thường bùng phát ở những nơi tập trung đông người, hoặc trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao khi tới những nơi công cộng.
Tìm hiểu thêm: Mách mẹ 5 mẹo chữa viêm họng cho trẻ
Virus adeno hoặc liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… là tác nhân gây bệnh chủ đạo, trả lời cho câu hỏi đau mắt đỏ ở trẻ em do đâu
4. Chữa đau mắt đỏ cho trẻ
Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời để bác sĩ điều trị đúng cách. Hiện nay, điều trị đau mắt đỏ cho trẻ thường được bác sĩ chỉ định theo nguyên tắc:
– Do virus gây ra: Phần lớn trường hợp nhiễm bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Nếu tình trạng viêm nhiễm vẫn tái diễn, bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp, không sử dụng thuốc kháng sinh vì thuốc không mang lại tác dụng điều trị.
– Do vi khuẩn gây ra: Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ tra mắt kháng sinh để điều trị.
– Do dị ứng: Sử dụng thuốc điều trị dị ứng, thuốc nhỏ mắt để làm dịu và giảm viêm.
– Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, giảm ngứa, thuốc hạ sốt… để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
– Chườm mát, chườm ấm để giảm cảm giác khó chịu do sưng, viêm.
– Vệ sinh mắt cẩn thận bằng nước ấm, bông gòn để loại bỏ bớt các tác nhân gây bệnh, giúp bé nhanh hồi phục.
– Cách ly trẻ tại nhà để giảm thiểu nguy cơ gây bệnh cho các trẻ khác.
– Đồng thời, cha mẹ cũng cần chăm sóc trẻ với một chế độ hợp lý, để trẻ nghỉ ngơi nhiều, ăn đủ chất, uống đủ nước và hạn chế dụi tay vào mắt…
Cha mẹ cần tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra để trẻ có thể hồi phục một cách nhanh nhất. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh… cho trẻ uống bởi có thể dẫn tới nhiều nguy hại khó lường. Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì cha mẹ nên đưa con đi khám lại ngay để được xử trí.
Bác sĩ chỉ định điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em bằng một số loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt
5. Phòng ngừa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ là bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh nên cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để có thể phòng ngừa mắc bệnh:
– Rửa tay sau khi từ bên ngoài về nhà, trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh để giảm thiểu vi khuẩn, virus gây bệnh.
– Đeo khẩu trang cho trẻ khi tới nơi tập trung đông người, trường học, bệnh viện, nơi đang bùng phát dịch…
– Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khăn tắm, quần áo, cốc uống nước… cho trẻ.
– Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thường xuyên lau chùi, dọn dẹp và giặt sạch quần áo, khử trùng đồ dùng cá nhân cho bé.
– Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các tác nhân có thể làm tăng nguy cơ dị ứng như mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú…
– Cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ qua thực phẩm, sữa và cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
– Hướng dẫn trẻ tập thể dục để tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể dẻo dai hơn.
– Cho trẻ đi khám sức khỏe thường xuyên, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo để tăng cường đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
>>>>>Xem thêm: Cẩm nang dinh dưỡng cho trẻ trong mùa dịch
Chăm sóc trẻ đúng cách và đưa trẻ đi khám, tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa mắc bệnh
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em do đâu theo các bác sĩ là do các loại vi khuẩn, virus như adenovirus, liên cầu, tụ cầu hoặc phế cầu khuẩn… Để bảo vệ trẻ đúng cách, bố mẹ nên đưa con đi khám kịp thời và điều trị dứt điểm. Đồng thời, cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh để trẻ nhanh khỏi bệnh và giảm thiểu nguy cơ tái mắc bệnh về sau.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.