Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng diễn biến tới nhiều biến chứng, từ đơn giản đến phức tạp, ví dụ như: Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não,… Vậy, những thông tin nào về sởi ở trẻ nhỏ bố mẹ nên biết để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh biến chứng, cùng Thu Cúc TCI đọc bài viết sau để biết câu trả lời, bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Sởi ở trẻ nhỏ: Những hiểu biết cơ bản
1. Khái niệm bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Như đã đề cập phía trên, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, cụ thể là truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, được biểu hiện với các triệu chứng: Sốt, viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, phát ban,… Bệnh phát sinh do hoạt động xâm nhập và phát triển của virus sởi, thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Trước đây, sởi lây lan mạnh mẽ và nếu có thể thì thường bùng phát thành dịch vào khoảng giao mùa Đông – Xuân. Tuy nhiên, thời gian này, sởi có xu hướng xuất hiện và phát tán dữ dội quanh năm. Vì là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, sự lây sởi giữa trẻ bệnh và trẻ không bệnh luôn luôn phải thông qua dịch tiết đường hô hấp.
Virus sởi, thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây bệnh sởi
2. Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ
2.1. Sởi ở trẻ nhỏ thể điển hình
Ở thể điển hình, sởi biểu hiện rõ ràng nhiều dấu hiệu theo giai đoạn phát triển bệnh:
– Giai đoạn ủ bệnh (8 – 11 ngày sau nhiễm virus): Ở giai đoạn này, chưa thể phát hiện sởi bởi bệnh chưa có biểu hiện lâm sàng.
– Giai đoạn khởi phát hay còn gọi là giai đoạn viêm long đường hô hấp (3 – 4 ngày): Sởi có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu: Sốt từ nhẹ đến cao; viêm kết mạc (mắt sưng nề, đỏ, nhiều dử); viêm xuất tiết mũi – họng; chảy nhiều nước mắt – nước mũi; ho; nổi hạch ngoại biên;…
– Giai đoạn toàn phát hay còn gọi là giai đoạn phát ban (4 – 6 ngày): Sởi có thêm triệu chứng phát ban. Sự phát ban này bắt đầu từ sau tai rồi lan tỏa ra mặt, cổ, ngực, lưng và toàn thân. Những vết phát ban có màu đỏ, nhỏ, hơi nổi lên so với bề mặt da, có thể mọc thành từng mảng hoặc mọc rải rác.
– Giai đoạn lui bệnh hay còn gọi là giai đoạn bay ban: Các triệu chứng ở giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát đều đồng loạt thuyên giảm. Về sự thuyên giảm phát ban, thứ tự biến mất của chúng tương đương với thứ tự mọc. Sau khi biến mất, chúng để lại trên da nhiều vết thâm. Số ít trường hợp, trẻ có thể bị lột da.
2.2. Sởi ở trẻ nhỏ thể không điển hình
Ngoài thể điển hình với các dấu hiệu nhận biết được chia sẻ phía trên, sởi còn có cả thể không điển hình. Đây là những trường hợp sởi chỉ biểu hiện một số triệu chứng như: Sốt, viêm long đường hô hấp nhẹ, phát ban ít,… có thể nhầm lẫn với bất cứ bệnh lý viêm đường hô hấp nào khác.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Bệnh tay chân miệng dùng thuốc gì?
Trẻ bị sởi thường bị sốt từ nhẹ đến cao
3. Biến chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Sởi không được kiểm soát tốt hoàn toàn có thể biến chứng. Biến chứng của sởi rất đa dạng, nhiều biến chứng đơn giản nhưng cũng không ít biến chứng phức tạp. Cụ thể, một số biến chứng phổ biến của sởi chúng ta có thể kể đến là:
– Viêm não: Cứ 1000 trẻ bị sởi thì 1 trẻ bị biến chứng viêm não, đây là một con số không hề nhỏ. Khi sởi biến chứng sang viêm não, trẻ thường sốt co giật, đau đầu dữ dội, nôn liên tục, cứng gáy, mệt mỏi, hôn mê,…
– Viêm phổi: Biến chứng này thường xảy ra do trẻ bị bội nhiễm các tụ cầu khuẩn Influenzae type B và Haemophilus;
– Viêm tai giữa: Viêm tai giữa là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở trẻ bị sởi;
– Viêm giác mạc, mù lòa;
– Tiêu chảy, nôn ói trầm trọng,…
4. Điều trị bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Sởi là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể được xử lý bởi chính hệ miễn dịch của trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc sởi có thể biến mất trong khoảng 10 – 14 sau khởi phát mà không cần can thiệp y tế. Biết đặc điểm này, khi trẻ bị sởi, nhiều phụ huynh quyết định chăm sóc trẻ tại nhà mà không cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu bệnh sởi xuất hiện, bố mẹ vẫn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia, bởi bệnh sởi hoàn toàn có thể biến chứng. Sau thăm khám tại các cơ sở y tế, nếu chuyên gia chẩn đoán tình trạng sởi ở trẻ là không đáng lo ngại, trẻ có thể sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, dưới sự chăm sóc của bố mẹ, và ngược lại.
Việc điều trị sởi, dù là ở nhà hay ở viện, đều hướng đến điều trị triệu chứng, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh cá nhân. Theo đó, một số lưu ý quan trọng bố mẹ nên ghi nhớ để chăm sóc trẻ bị sởi hiệu quả là:
– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt tử 38,5 độ C trở lên. Loại thuốc và liều lượng thuốc sử dụng phải được chuyên gia chỉ định.
– Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, thực phẩm trẻ ăn phải chín và dễ tiêu, giàu Vitamin, đặc biệt là Vitamin A (Vitamin A giúp hạn chế biến chứng liên quan đến mắt).
– Cho trẻ tắm hoặc lau người mỗi ngày đồng thời giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt của trẻ và gia đình thường xuyên.
Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ không thuyên giảm hoặc ở trẻ xuất hiện thêm các triệu chứng: Đau đầu dữ dội, đau mắt khi tiếp xúc với ánh sáng, khó thở, li bì, mê man,…, lập tức cho trẻ tái khám ngay.
>>>>>Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia để hạn chế nguy cơ trẻ bị biến chứng
5. Phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Sởi có thể được phòng ngừa tuyệt đối bằng vắc xin. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được chủng ngừa vắc xin sởi đơn hoặc vắc xin kết hợp sởi – quai bị – rubella sớm, không trì hoãn.
Phía trên là toàn bộ thông tin hữu ích bố mẹ nên biết để phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả bệnh sởi cho trẻ. Nếu còn băn khoăn, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi thắc mắc một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.