Viêm mũi dị ứng là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đối với trẻ em thì bệnh có thể đem đến những khó chịu, cản trở và ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Vậy điều trị và chăm sóc thế nào khi trẻ bị viêm mũi dị ứng? Cùng tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Bạn đang đọc: Chăm sóc khi trẻ bị viêm mũi dị ứng
1. Tìm hiểu bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng lớp niêm mạc bên trong mũi của trẻ bị viêm do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như bụi, phấn hoa,… Bệnh thường gặp tại nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam vào các mùa xuân, mùa đông do phấn hoa bay trong không khí, do nấm mốc phát triển, không khí lạnh gây hại,…
Trẻ em mắc viêm mũi dị ứng có biểu hiện hắt xì nhiều.
Đây là bệnh thường xuất hiện mỗi khi thời tiết thay đổi, khi môi trường trở nên ô nhiễm hơn, khói bụi nhiều khiến mũi trở nên nhạy cảm hơn. Viêm mũi là bệnh đường hô hấp rất phổ biến, có tới 40% trẻ em mắc phải căn bệnh này. Không khí ngày càng trở nên ô nhiễm là điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn sinh sôi tấn công đường hô hấp của các bé.
2. Biểu hiện bệnh viêm mũi dị ứng
Trẻ bị viêm mũi dị ứng có các dấu hiệu tương tự như cảm lạnh:
– Hắt hơi nhiều
– Cảm giác ngứa ở mũi
– Chảy nước mũi
– Tăng áp lực xoang mũi
– Nghẹt mũi
– Cảm thấy nặng đầu
– Mệt mỏi
– Ngứa mũi và màng hầu
Bệnh viêm mũi dị ứng có thể được chia thành 2 loại:
– Thể chu kỳ: xảy ra mỗi khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi trời trở lạnh. Trẻ hắt hơi liên tục kèm theo triệu chứng cay, đỏ mắt, chảy nước mũi loãng, màu trong. Nhiều trẻ có biểu hiện rát nóng cổ họng.
– Thể không có chu kỳ: các triệu chứng sổ mũi, hắt xì thường xuất hiện vào sáng sớm khi mới ngủ dậy, tần suất sẽ giảm dần trong ngày. Bệnh nhân có thể tái phát các triệu chứng khi ra gió hoặc ở nơi có nhiều bụi. Nước mũi có màu trong và chuyển dần sang màu vàng, đặc hơn.
Điểm chung của cả 2 thể bệnh là khiến bệnh nhân mệt mỏi, uể oải. Một số bệnh nhân có cảm giác sợ ánh sáng. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vài ngày rồi tự biến mất. Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng gây hại đến hệ hô hấp trẻ. Do mũi bị nghẹt nên trẻ phải thở bằng miệng. Việc thở bằng miệng vào mùa lạnh có thể khiến trẻ bị viêm họng, có cơn ho. Bố mẹ cần để ý đến con hơn và thực hiện các biện pháp làm sạch đường hô hấp và đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi các dấu hiệu có dấu hiệu nặng lên để phòng tránh các biến chứng.
3. Nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm mũi dị ứng
Trẻ có thể bị viêm mũi dị ứng bởi một trong số các tác nhân như:
– Môi trường ô nhiễm, khói bụi, nhiều cát
– Mỹ phẩm hoặc các chất tẩy rửa
– Lông động vật
– Gối đệm và đồ dùng trong nhà bám bụi và không được vệ sinh đều đặn
– Phấn hoa gây dị ứng cho trẻ
– Thay đổi thời tiết, đặc biệt khi vào mùa xuân hoặc giao mùa, độ ẩm cao khiến vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi mạnh mẽ trở thành tác nhân gây bệnh
– Tùy thuộc vào cơ địa của trẻ. Nhiều trẻ có nền tảng sức khỏe tốt và không có cơ địa dị ứng thì kể cả khi tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật cũng sẽ không có dấu hiệu dị ứng.
– Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh đường hô hấp nhưng không phải bệnh truyền nhiễm nên không có con đường lây nhiễm
Tìm hiểu thêm: [Cảnh báo] Bệnh bạch hầu ở trẻ em dễ nhầm lẫn với bệnh viêm mũi họng
Phấn hoa là một tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em.
Ngoài ra, có một số tác nhân khiến cho tình trạng viêm mũi dị ứng trở nên tồi tệ hơn như:
– Khói thuốc lá
– Nhiệt độ lạnh
– Độ ẩm tăng cao
– Nước hoa
– Bụi gỗ
– Tiền căn dị ứng của cả bản thân và gia đình nền được chú ý
4. Điều trị và chăm sóc trẻ
4.1. Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ
Tùy vào tác nhân gây dị ứng, trẻ có thể bị viêm mũi dị ứng quanh năm hoặc theo mùa. Trong đó việc điều trị khi trẻ bị bệnh không theo mùa sẽ có phần khó khăn hơn. Bố mẹ có thể điều trị bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ bằng cách sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà và kết hợp dùng thuốc. Tuy nhiên, điều này cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị cho con. Việc điều trị bằng thuốc gì cần phải trải qua quá trình thăm khám và đánh giá bệnh.
– Dùng thuốc: có tác dụng khống chế và giảm triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn. Một số loại thuốc có thể được chỉ định sử dụng như: thuốc kháng histamin dạng uống, xịt; các loại kháng sinh, steroid dạng uống; thuốc co mạch tại chỗ hoặc đường uống. Trong quá trình thăm khám, hãy chia sẻ với bác sĩ nếu trẻ có đang trong quá trình điều trị hoặc sử dụng các loại thuốc nào. Việc này rất có ích, giúp bác sĩ có phác đồ điều trị rõ ràng và an toàn hơn.
– Phẫu thuật: phẫu thuật viêm mũi dị ứng được chỉ định với trường hợp viêm mũi dị ứng có các polyp, có dấu hiệu thoái hóa cuốn mũi,… Với đối tượng là trẻ em cần được kiểm tra và cân nhắc thận trọng.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách chăm sóc khi trẻ bị sốt tiêu chảy
Bố mẹ cần đưa trẻ đế gặp bác sĩ để có hướng điều trị chính xác.
4.2. Lưu ý trẻ bị viêm mũi dị ứng
Bố mẹ cần tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm mũi cho trẻ và tiến hành loại bỏ, không cho trẻ tiếp xúc:
– Không cắm hoa, không nuôi thú cưng, không cho trẻ tiếp xúc với thú cưng
– Hạn chế cho trẻ tới những nơi có nhiều cát, bụi
– Trong nhà không có khói thuốc
Bố mẹ có thể sử dụng các loại máy lọc không khí hoặc các loại máy giúp kiểm soát độ ẩm trong không gian sống của con để đảm bảo hệ hô hấp được hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Vào mùa lạnh bố mẹ cần giữ ấm cho con để hạn chế nguy cơ con tái phát. Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý các biện pháp giữ gìn vệ sinh:
– Vệ sinh mũi cho con bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày và sau khi về nhà.
– Vệ sinh nhà cửa, chăn gối loại bỏ bụi bặm
Viêm mũi dị ứng có thể bị tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Bệnh đem đến nhiều khó chịu cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ, xin ý kiến bác sĩ và nằm lòng những lưu ý để chăm sóc con tốt hơn. Khoa Nhi Thu Cúc TCI luôn sẵn sàng đồng hành cùng bố mẹ trên chặng đường khôn lớn của con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.