Bệnh ho gà có thể gặp ở nhiều đối tượng, tuy nhiên trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tấn công nhất. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bố mẹ thêm thông tin về bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh về dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị bệnh.
Bạn đang đọc: Nhận biết và điều trị bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh
1. Bệnh ho gà là gì?
Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm, xảy ra khi đường hô hấp của trẻ bị nhiễm trùng. Tác nhân gây nhiễm trùng là vi khuẩn Bordetella pertussis. Ho gà có thời gian ủ bệnh là 7 – 10 ngày và sẽ mất khả năng lây lan sau 3 tuần mắc bệnh và có thể rút ngắn khoảng 5 ngày nếu trẻ được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, bố mẹ nên nắm được các dấu hiệu của bệnh để giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm khả năng lây lan ra cộng đồng.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc ho gà.
2. Các triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh
Trẻ mắc ho gà có biểu hiện đặc trưng là ho. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng thì có thể dẫn đến hiện tượng ngưng thở rất nguy hiểm.
– Các triệu chứng giống cảm cúm thông thường: trẻ ho ít, sốt nhẹ, chảy nước mũi, trẻ có dấu hiệu khó thở
– Khi trẻ mắc được 1 tới 2 tuần thì cơn ho bắt đầu nhiều lên, ho dữ dội, kéo dài
– Trẻ cố gắng thở tạo ra những tiếng rít lớn, ho mạnh hơn để cố đẩy khí ra khỏi phổi
– Các cơn ho dữ dội kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, rũ rượi, đỏ mặt, cổ họng có đờm đặc. Trong cơn ho, trẻ có thể bị ngưng thở trong thời gian rất ngắn. Sau khi qua cơn ho, trẻ vẫn có thể sinh hoạt như bình thường.
– Có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân như nôn mửa, chảy máu cam, xuất huyết kết mạc,…
Giai đoạn sớm của bệnh kéo dài khoảng 1 – 2 tuần được gọi là giai đoạn viêm long đường hô hấp. Giai đoạn khởi phát thường kéo dài tới tuần thứ 6. Đây là 2 giai đoạn có khả năng lây lan bệnh cao nhất. Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp khi trẻ ho hoặc khi khạc đờm ra ngoài. Giai đoạn phục hồi của bệnh có thể là nguyên nhân gây viêm phổi.
3. Bệnh ho gà ảnh hưởng thế nào đến trẻ
Giai đoạn đầu của bệnh ho gà có các biểu hiện khá giống với cảm lạnh thông thường. Vì vậy, bố mẹ dễ chủ quan mà chỉ cho trẻ điều trị như cảm cúm thông thường. Bệnh ho gà nguy hiểm hơn vậy rất nhiều, có thể đem đến các biến chứng mà bố mẹ không ngờ tới như:
– Viêm phế quản
– Thiếu oxy lên não
– Viêm não có nguy cơ tử vong
– Trong số trẻ nhập viện vì ho gà thì có đến 23% trẻ bị viêm phổi, 67% trẻ ngừng thở hoặc thở chậm, thậm chí có 0,4% có bệnh não và 1,6% sẽ tử vong
Tìm hiểu thêm: Bé 3 tuổi ho, thở khò khè – Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ?
Bệnh ho gà nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện ho, các cơn ho kéo dài không thuyên giảm thì bố mẹ nên đưa trẻ đến viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh trường hợp bệnh chuyển nặng để lại những biến chứng nguy hiểm.
4. Điều trị bệnh ho gà kịp thời
Ho gà ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu thường có các dấu hiệu nhẹ và có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Vì vậy, các bác sĩ khuyên bố mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị cho trẻ. Trẻ vừa được các bác sĩ chuyên khoa điều trị vừa làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Việc điều trị cho trẻ mắc ho gà có thể được tiến hành theo các hướng như:
– Điều trị bằng kháng sinh trước khi cơn ho xuất hiện. Trẻ dưới 6 tháng tuổi được phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng kháng sinh sẽ tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, làm giảm nhanh các triệu chứng gây bệnh, rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Từ đó giảm khả năng lây lan của bệnh sang người khác.
– Bác sĩ có thể kết hợp điều trị kháng sinh với các loại thuốc khác để điều trị chứng co giật của bệnh ho gà như: phenobarbital, seduxen…
Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc, bố mẹ có thể chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ. Các cơn ho nhanh, mạnh, sốt, co giật dễ khiến trẻ bị nôn mửa, ăn kém khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi và có thể khiến quá trình điều trị bị kéo dài. Vì vậy, việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ trong suốt quá trình điều trị bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Bố mẹ nên cho trẻ ăn lỏng, ăn chia nhỏ nhiều bữa. Ngoài ra có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về những thực phẩm mà trẻ nên kiêng.
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn nhận biết và điều trị bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để con được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Phòng ngừa bệnh ho gà
Vi khuẩn Bordetella pertussis gây bệnh không di động, có sức đề kháng yếu, sẽ chết dưới tác động của nhiệt độ hoặc nước sát trùng thông thường. Vì vậy, một trong số cách phòng ngừa bệnh chính là giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ, sát khuẩn thường xuyên. Bố mẹ có thể chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cho trẻ dưới đây:
– Giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, giao mùa
– Vệ sinh khử khuẩn sau khi đưa trẻ đến chỗ đông người. Những nơi đông người có thể tiềm tàng nguy cơ lây bệnh từ người khác.
– Bổ sung nước cho trẻ
– Luôn đảm bảo tay bố mẹ phải sạch sẽ khi tiếp xúc với con
Các bác sĩ khuyên bố mẹ nên thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh. Việc tiêm chủng được thực hiện theo lịch, trẻ cần được tiêm đủ 4 mũi để đạt được hiệu quả phòng ngừa cao nhất. Tiêm vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Có tới 50% trẻ em mắc bệnh ho gà và phải nằm viện điều trị. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn gây ra sự mệt mỏi cho bố mẹ. Vì vậy, từ hôm nay hãy đảm bảo luôn giữ gìn sạch sẽ không gian sống và luôn chú ý tới trẻ, khi trẻ có dấu hiệu bất thường hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh. Khoa Nhi Thu Cúc TCI đồng hành cùng bố mẹ bảo vệ sức khỏe con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.