Trẻ sơ sinh rất dễ mắc phải bệnh viêm đường hô hấp trên, nhất là khi thời tiết se lạnh. Điều này khiến các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ cảm thấy vô cùng lo lắng. Để giúp trẻ mau khỏi bệnh, bố mẹ cần phải nắm vững những dấu hiệu, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên
1. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên
Chảy nước mũi hoặc mũi bị nghẹt có thể là dấu hiệu đầu tiên bố mẹ sẽ thấy ở trẻ sơ sinh khi con bị viêm đường hô hấp trên. Ban đầu, nước mũi của trẻ sơ sinh có thể lỏng, màu trong suốt với một lượng ít.
Tuy nhiên, về sau, nếu có bội nhiễm đi kèm thì nước mũi của trẻ sơ sinh sẽ chuyển sang màu đục hơn và đặc hơn, có thể là màu vàng hoặc màu xanh trong những ngày kế tiếp. Điều này cho thấy rằng, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, khi bị viêm đường hô hấp trên, trẻ sơ sinh còn có thể xuất hiện những triệu chứng như quấy khóc, sốt, ho vào ban đêm, ho khan hoặc ho có đờm, hắt hơi, bú kém hay bỏ bú, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, khó ngủ, lừ đừ, đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt. Đấy là những dấu hiệu thường gặp ở những trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên.
Chảy nước mũi, nghẹt mũi là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên
2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh là do các loại virus. Tác nhân này xuất hiện ở mọi nơi trong không khí và rất dễ lây nhiễm bằng đường dịch tiết từ người này sang người khác. Khi một người bị nhiễm virus thì giọt bắn khi ho và hắt hơi, dịch mũi sẽ gây bệnh trên cơ thể cảm nhiễm khác.
Ngoài ra, các loại virus cũng có thể tồn tại lâu trên những bề mặt thông thường như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà. Nói một cách khác, nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc con mắc bệnh viêm đường hô hấp hoặc chăm sóc bé với đôi bàn tay nhiễm bệnh thì có thể lây bệnh cho trẻ sơ sinh.
Những trẻ bú sữa mẹ có nguồn miễn dịch nhiều hơn so với những trẻ bú sữa công thức. Đó là do khi cho con bú, người mẹ sẽ cung cấp tế bào bạch cầu, kháng thể và enzyme cho trẻ sơ sinh. Đây là hàng rào vững chắc giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể miễn dịch hoàn toàn với mọi chủng virus. Bởi vì một vài tác nhân siêu vi sẽ thay đổi cấu trúc mỗi năm và khả năng bội nhiễm vi trùng đi kèm cũng khó tránh khỏi.
Tìm hiểu thêm: Đơn thuốc viêm phế quản: Tổng hợp 5+ loại thường gặp nhất
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên
3. Cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên
Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bé. Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bố mẹ cũng nên thực hiện những điều sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh viêm đường hô hấp trên tại nhà:
– Thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng bên dưới vòi nước chảy tối thiểu là 20 giây khi chăm sóc và sau khi vệ sinh cho bé. Mục đích của việc làm này là để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ khác.
– Nâng đầu của trẻ nằm cao hơn so với phần chân và thân một chút để bé thở dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể làm điều này bằng cách đặt một chiếc gối mềm bên dưới đầu trẻ và lót tấm đệm mỏng ở lưng của con xuôi dần tới chân.
– Đảm bảo trẻ sơ sinh được bú đủ cữ sữa trong ngày và tăng lên một chút trong trường hợp bé bị sốt, quấy khóc nhiều. Nếu sữa mẹ không đủ cho bé bú có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức.
– Hút chất nhầy ở trong mũi và họng của trẻ bằng những dụng cụ chuyên dùng cho các bé sơ sinh. Mục đích là để đường thở của trẻ sơ sinh thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể sử dụng thêm nước muối sinh lý để giúp dịch nhầy trong mũi loãng ra và dễ hút hơn.
– Giữ ẩm không khí trong phòng ngủ của trẻ sơ sinh bằng máy tạo độ ẩm để giảm kích ứng cho niêm mạc hô hấp và hạn chế tăng tiết cũng như phù nề.
– Lau người cho trẻ bằng khăn ấm để việc hạ sốt đạt hiệu quả cao hơn.
>>>>>Xem thêm: Các trường hợp ho kéo dài ở trẻ ba mẹ cần đặc biệt lưu ý
Bố mẹ nên đưa trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên đi khám
Tóm lại, bệnh viêm đường hô hấp do virus gây ra rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Kể cả những trẻ bú sữa mẹ cũng có khả năng mắc phải bệnh này, mặc dù hệ miễn dịch của các bé tốt hơn những trẻ bú sữa công thức. Bởi vì bệnh viêm đường hô hấp trên nếu không được điều trị kịp thời có thể diễn tiến thành những biến chứng nguy hiểm hơn. Do đó, khi trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, bố mẹ phải đưa con đi khám để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm, tránh để bệnh chuyển biến nặng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.