Quấy khóc đêm là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cả bố mẹ và con mệt mỏi vì thiếu ngủ. Vậy khi trẻ quấy khóc đêm phải làm sao?
Bạn đang đọc: Trẻ quấy khóc đêm phải làm sao và có nguy hiểm không?
Trước khi trả lời câu hỏi “trẻ quấy khóc đêm phải làm sao“, các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ về hiện tượng khóc đêm ở trẻ cũng như nguyên nhân khiến con quấy khóc.
1. Tổng quan về hiện tượng khóc đêm ở trẻ
Trẻ khóc đêm (hay còn được dân gian gọi là khóc dạ đề) là biểu hiện sinh lý hoàn toàn bình thường đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Vào đêm, trẻ ngủ không yên, luôn khó chịu, quấy khóc không ngủ, hoặc thường xuyên giật mình trong lúc ngủ rồi khóc to.
Tình trạng này sẽ giảm dần sau khi trẻ đủ 3 tháng tuổi trở lên mà không cần bất kỳ một phương thức điều trị nào.
Tuy nhiên, nếu sau 3 tháng tuổi, trẻ vẫn thường xuyên quấy khóc về đêm, kèm một số biểu hiện như: ưỡn người, nôn, co 2 đầu gối gập vào bụng, khóc thét lên, …, rất có thể con đang có vấn đề bệnh lý nào đó. Cha mẹ nên đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác cho con.
2. Nguyên nhân nào khiến trẻ quấy khóc đêm?
Trẻ khóc đêm có thể do đói hoặc bỉm ướt
Với trường hợp trẻ khóc đêm dưới 3 tháng tuổi, nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả khách quan cũng như chủ quan. Có thể kể đến như:
– Bé chưa hình thành được chu kỳ thức ngủ: khi ở trong bụng mẹ, bé dành hầu hết thời gian để ngủ, và phần lớn là ngủ vào ban ngày, hoạt động vào ban đêm. Khi ra đời, con chưa quen với môi trường bên ngoài nên vẫn giữ thói quen như trong bụng mẹ.
– Bé đói: trẻ sơ sinh chỉ bú sữa trong giai đoạn đầu, trong khi đó, sữa là loại thức ăn dễ dàng tiêu hóa và nhanh đào thải, do đó trẻ sẽ nhanh đói và vẫn cần uống sữa vào ban đêm. Nếu không được đáp ứng đủ nhu cầu, trẻ sẽ khó chịu, và khóc là cách trẻ thông báo mình đang đói và cần được bú.
– Tã/bỉm bị ướt, bẩn: có thể trẻ tè ướt bỉm hoặc đi tiêu khiến bỉm bẩn, nên con khóc vì khó chịu.
– Bé bị dị ứng: nếu đường hô hấp của bé bị kích ứng hoặc da bị dị ứng do khói thuốc, phấn rôm, thuốc xịt côn trùng,… thì bé cũng sẽ khó chịu và khóc để phản ứng.
– Bé ốm, mệt: nếu con bị cảm cúm, ngạt mũi, hay sốt, mệt thì con cũng sẽ dễ quấy khóc.
– Môi trường ngủ không thoải mái: nếu nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến bé khó chịu và dễ khóc gắt ngủ.
– Các yếu tố khác: trẻ bị thiếu hụt canxi, trẻ bị côn trùng cắn/đốt gây ngứa ngáy, tiếng ồn từ xe cộ khiến trẻ khó ngủ, vv… Các yếu tố này cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc về đêm.
3. Trẻ quấy khóc đêm phải làm sao để chữa?
Trẻ khóc đêm nhiều ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng tới cả sức khỏe của bố mẹ do mất ngủ. Mẹ có thể sẽ bị mất sữa do mệt mỏi, stress, thậm chí có thể dẫn tới bị trầm cảm sau sinh.
Vậy trẻ quấy khóc đêm phải làm sao? Câu trả lời là bố mẹ cần giúp con giảm khóc đêm bằng một số cách sau:
3.1. Đảm bảo cữ bú của bé theo thời gian biểu
Mẹ cần lên thời gian biểu cụ thể về các bữa sữa của con trong ngày, tránh cứ khi bé khóc là cho bé bú ngay, bởi có rất nhiều lý do khiến bé khóc, chứ không riêng gì việc đói.
Thông thường với trẻ sơ sinh, phải mất khoảng 2 giờ thì dạ dày của bé mới tiêu hóa hết thức ăn. Khi trẻ 2-3 tháng tuổi, lượng sữa mỗi cữ tăng lên và bé có thể chỉ bú từ 6-7 cữ/ ngày. Mẹ nên cân đối thời gian cho bé bú đúng bữa, như vậy sẽ giúp bé giảm quấy khóc trong đêm.
3.2. Kiểm tra và thay tã/bỉm của bé thường xuyên
Trẻ sơ sinh thường bài tiết rất nhiều nên tã/bỉm nhanh ướt và bẩn. Trẻ sẽ khó chịu và quấy khóc cho đến khi được thay tã mới. Do đó, bố mẹ hoặc người chăm sóc bé cần phải kiểm tra tã/bỉm thường xuyên, thay cái mới ngay khi thấy tã/bỉm đã bẩn.
3.3. Đảm bảo môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái cho bé
Nếu trẻ khó ngủ, quấy khóc do tiếng ồn xe cộ từ ngoài đường vọng vào thì bố mẹ có thể khắc phục bằng cách dùng cửa cách âm để tránh âm thanh lớn lọt vào phòng, đảm bảo giấc ngủ yên tĩnh cho con.
Tìm hiểu thêm: Mách mẹ các phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ 5 tháng tuổi?
Bố mẹ cần chú ý để nhiệt độ phòng không quá nóng hay quá lạnh
Bên cạnh đó, bố mẹ cần để ý xem tay chân con có bị lạnh hay con có bị đổ mồ hôi không để điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp. Bố mẹ nên bật điều hòa ở mức 26-28 độ, tránh để điều hòa ở mức quá thấp cũng như không để điều hòa thổi thẳng vào bé, sẽ khiến con khó chịu và dễ quấy khóc.
Ngoài ra, bố mẹ chú ý thường xuyên vệ sinh, thay ga giường cho con để đảm bảo sạch sẽ, tránh trường hợp có những côn trùng nhỏ (kiến, bọ,…) bò vào đốt con. Tránh sử dụng các loại bột giặt hoặc nước xả gây kích ứng da trẻ.
3.4. Dỗ dành, vỗ về bé
Để giúp bé đỡ khóc đêm, ba mẹ cũng có thể dỗ dành, vỗ về bé bằng nhiều cách để bé thấy dễ chịu hơn như:
– Ôm bé, tiếp xúc da với bé: việc ôm bé và cho bé tiếp xúc trực tiếp với làn da ấm áp của mẹ sẽ giúp bé ổn định tinh thần, kích thích giải phóng oxytocin – loại hormone làm tăng liên kết tình cảm giữa mẹ và bé.
– Tạo chuyển động đều: mẹ có thể bế bé đu đưa nhẹ nhàng hoặc đặt con vào nôi đu đưa nhẹ để khiến con dễ ngủ hơn. Mẹ lưu ý chỉ đu đưa nhẹ nhàng, không rung lắc mạnh, tránh gây tổn thương não ở trẻ.
– Cho con nghe tiếng ồn trắng: mẹ có thể bật tiếng ồn trắng cho con nghe, hoặc tạo ra những âm thanh tương tự như khi con ở trong bụng mẹ để con được thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ
– Hát ru hoặc thủ thỉ với bé: để con dịu khóc, mẹ có thể thủ thỉ vào tai con để con tập trung lắng nghe tiếng nói của mẹ. Vài lời hát ru nhẹ nhàng cũng sẽ làm phân tán sự chú ý của con và giúp con ngừng khóc.
– Massage cho bé: trẻ sơ sinh thích sự tiếp xúc với da nên mẹ có thể massage cho con để con cảm thấy dễ chịu hơn.
– Vỗ nhẹ vào lưng trẻ: khi khóc, bé sẽ hít vào nhiều không khí hơn nên dễ bị đầy hơi, và khiến con càng khóc to hơn do khó chịu. Mẹ có thể bế bé, để đầu bé dựa vào vai mẹ và vỗ nhẹ nhàng vào lưng con. Đây cũng là một trong những cách khá hiệu quả để giúp bé giảm khóc.
– Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng núm ti giả, hoặc cho bé vào xe đẩy, đẩy bé đi dạo trong nhà một lúc để bé vơi khóc
4. Khi nào cần đưa trẻ quấy khóc đến bác sĩ?
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị đi ngoài có bọt: Nguyên nhân và cách điều trị
Bố mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ đã hơn 4 tháng tuổi nhưng vẫn khóc đêm
Nếu như mẹ đã tìm mọi cách dỗ bé khóc nhưng không hiệu quả, bé vẫn khóc liên tục và khóc nhiều ngày, mẹ nên cân nhắc đưa con đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, nếu mẹ thấy con khóc đêm kèm các triệu chứng sau, mẹ nên đưa con đi khám ngay:
– Khóc liên tục hơn 3 giờ mỗi ngày
– Vừa khóc vừa co 2 đầu gối gập vào bụng
– Nôn, ra mồ hôi trộm,
– Thường xuyên khóc thét lên có vẻ đau đớn
– Đi tiểu ra máu
– Trẻ vẫn khóc đêm dù đã hơn 4 tháng tuổi
Khi bé có các triệu chứng trên, có thể bé đang bị một số bệnh lý như: bị lồng ruột, bị dị ứng với protein sữa bò, hoặc có vấn đề về cấu trúc, chức năng của não bộ, … Mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám, kiểm tra cho con, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Trên đây là tất cả những nội dung giải đáp cho câu hỏi “trẻ quấy khóc đêm phải làm sao”, hy vọng sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc chăm sóc con.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.