Thắng lưỡi là dị tật thường gặp ở trẻ nhưng lại ít được quan tâm. Bởi vì nó không có những ảnh hưởng quá lớn và rõ rệt đến sức khỏe của trẻ nên thường bị bỏ qua. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn về dị tật này và trả lời cho câu hỏi: khi nào cần đến gặp bác sĩ khi bé bị dính thắng lưỡi?
Bạn đang đọc: Bé bị dính thắng lưỡi thì khi nào cần cắt?
1. Dính thắng lưỡi là gì?
Đầu tiên cần biết thắng lưỡi là gì? Nằm ở đâu? Có tác dụng gì? Thắng lưỡi là một lớp màng mỏng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Có thể nhìn thấy rõ ràng hơn khi trẻ đưa lưỡi lên trên. Bình thường, dây thắng lưỡi thường dài nhưng chỉ giới hạn tới khoảng 1 / 2 mặt dưới lưỡi. Chức năng của dây thắng lưỡi đến nay vẫn chưa được làm rõ. Nhưng có thể thấy rõ rằng dây thắng lưỡi sẽ hạn chế chuyển động của lưỡi.
Hình ảnh dính thắng lưỡi ở trẻ.
Vậy dính thắng lưỡi là gì? Dính thắng lưỡi là một dị tật mà bất cứ trẻ sơ sinh nào cũng có thể gặp phải. Bé bị dính thắng lưỡi sẽ có phần dây thắng lưỡi ngắn bất thường. Dây thắng lưỡi dính từ sàn miệng tới đầu lưỡi của bé, khiến cho lưỡi bé khó chuyển động hơn, lưỡi bị biến dạng khi đưa ra ngoài và trẻ không thể đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng.
2. Biểu hiện dễ thấy của tật dính thắng lưỡi
Tật dính thắng lưỡi thường có các biểu hiện dễ thấy như:
– Khó phát âm
– Quan sát bằng mắt thấy dây thắng lưỡi ngắn bất thường
– Trẻ không thể đưa lưỡi ra bên ngoài môi
– Khó khăn trong việc đưa lưỡi chạm vòm họng
– Khi trẻ cố đưa lưỡi ra ngoài hoặc trong cơn khóc, lưỡi bị biến dạng thành hình trái tim
– Trẻ gặp khó khăn ăn, bú
– Trẻ gặp khó khăn khi chuyển động lưỡi sang 2 bên
Theo 1 số thống kê, có tới 5% trẻ sơ sinh mắc dị tật này. Bố mẹ nên chú ý tới các biểu hiện của con để cho con đi gặp bác sĩ kịp thời bởi tật dính thắng lưỡi sẽ đem đến rất nhiều bất tiện và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con.
3. Bất tiện khi bé bị dính thắng lưỡi
Tật dính thắng lưỡi được chia làm 4 mức độ:
– Mức độ 1: 12 – 16mm
– Mức độ 2: 8 – 11mm
– Mức độ 3: từ 3 – 7mm
– Mức độ 4: dưới 3mm
Tùy mức độ dính (độ ngắn của dây thắng lưỡi) mà trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo từng mức độ:
– Trẻ gặp khó khăn khi bú, bú không đủ dễ dẫn đến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng. Dây thắng lưỡi còn khiến trẻ bị đau rát lưỡi, khó chịu khi cố gắng bú mẹ.
– Bé bị dính thắng lưỡi bị ảnh hưởng lớn tới chức năng phát âm. Nhiều trẻ mắc dính thắng lưỡi bị nói ngọng, phát âm không rõ.
– Ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, trẻ dễ bị thiếu cân
– Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: tật dính thắng lưỡi có thể khiến răng của trẻ bị hở, mọc lệch
4. Phẫu thuật cắt thắng lưỡi được thực hiện khi nào?
Tìm hiểu thêm: Những quan điểm sai lầm về sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Dính thắng lưỡi là dị tật khá phổ biến ở trẻ nhỏ.
Nếu trẻ bị dính thắng lưỡi ở mức độ nhẹ, các chức năng ăn uống, phát âm vẫn đảm bảo hoạt động bình thường thì các bác sĩ có thể không chỉ định cắt. Tuy nhiên trẻ thường được chỉ định cắt thắng lưỡi sớm để tránh ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và phát âm. Do đó, tùy mức độ dính mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp cho trẻ.
Việc đánh giá cắt dây thắng lưỡi hay không cần có sự chẩn đoán và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn và kinh nghiệm. Mặc dù đây là kỹ thuật đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng sẽ đem đến những hậu quả mà phụ huynh không ngờ tới. Độ tuổi của bé đã không còn là rào cản quá lớn trong việc tiến hành phẫu thuật khắc phục dính thắng lưỡi. Bởi hiện nay khoa học phát triển, đã có các phương pháp phù hợp, không gây đau đớn và trẻ không phải nằm viện. Hiện nay, có 2 phương pháp cắt thắng lưỡi đang được áp dụng thực hiện và thực tế đã đem lại kết quả cao và đảm bảo an toàn cho trẻ:
– Cắt thắng lưỡi bằng Laser (gây tê) áp dụng với trẻ đã lớn, phối hợp với bác sĩ
– Cắt thắng lưỡi bằng dao Plasma (gây mê) có thể áp dụng với đa dạng đối tượng trẻ, kể cả trẻ nhỏ, khó hợp tác. Thông thường, các bác sĩ ưu tiên thực hiện phương pháp Plasma bởi độ an toàn cao và đem lại hiệu quả tốt hơn.
>>>>>Xem thêm: Bệnh còi xương ở trẻ em: 3 lưu ý điều trị chuyên gia khuyến cáo
Trẻ nhỏ có thể được chỉ định cắt thắng lưỡi khi bị ảnh hưởng quá nhiều đến chức năng ăn uống.
Một vấn đề cũng khiến bố mẹ băn khoăn đó là vấn đề kinh phí khi cắt thắng lưỡi. Tùy từng phương pháp sẽ có mức kinh phí phẫu thuật khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi của bé để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
5. Chăm sóc trẻ hậu phẫu
Cắt thắng lưỡi là kỹ thuật tạo hình đơn giản và không cần nằm viện theo dõi. Sau khi cắt, bố mẹ có thể đưa trẻ về nhà và theo dõi. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ sẽ được kiểm tra và khắc phục. Tuy nhiên, hầu như không có trường hợp bé bị dính thắng lưỡi gặp biến chứng sau khi cắt thắng lưỡi. Sau khi thực hiện cắt thắng lưỡi, bố mẹ không nên quá lo lắng về vết cắt màu trắng bên dưới lưỡi trẻ. Đó là dấu hiệu hoàn toàn bình thường, bé sẽ hết sau 1 tuần thực hiện cắt. Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý một số điểm sau đây để con lành vết thương nhanh và không để lại di chứng:
– Không cho trẻ chạm vào vết cắt. Bố mẹ có thể dặn dò trẻ thực hiện khi trẻ đã lớn và nghe lời.
– Bố mẹ chú ý chế độ ăn uống của trẻ, nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, nguội và tuyệt đối không cho trẻ ăn, ngậm vật cứng
– Tránh chuyển động lưỡi quá mạnh, bố mẹ có thể tập cho trẻ các bài tập chuyển động lưỡi sang 2 bên, đưa lưỡi ra ngoài nhưng cần đảm bảo nhẹ nhàng để tránh tổn thương đến vị trí cắt.
Phẫu thuật tạo hình dây thắng lưỡi là một phẫu thuật đơn giản và có thể thực hiện ở nhiều đối tượng trẻ nhỏ. Bố mẹ nên chú ý tới con và cho trẻ đi khám kịp thời, tránh để dị tật này trở thành cản trở lớn đến cuộc sống của con. Bố mẹ cũng nên tìm hiểu trước và lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Khoa Nhi Thu Cúc TCI là nơi hội tụ các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn, đồng hành cùng bố mẹ chăm sóc con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.