Lồng ruột là căn bệnh ngoại khoa nghiêm trọng và hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em, nhất là những bé đang bú sữa mẹ và có nhu động ruột mạnh. Khi trẻ bị bệnh lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột sẽ bị tắc nghẽn và không nuôi được đoạn ruột bị lồng nên có thể dẫn tới hoại tử. Do đó, bố mẹ cần phải nắm được các dấu hiệu của bệnh lồng ruột ở trẻ em để sớm đưa con tới bệnh viện cấp cứu và được bác sĩ can thiệp kịp thời.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả bệnh lồng ruột ở trẻ em
1. Đôi nét về căn bệnh lồng ruột ở trẻ em
Lồng ruột là một căn bệnh cấp cứu ngoại khoa hay gặp ở trẻ em và xảy ra khi 1 đoạn ruột của bé chui vào trong lòng của đoạn ruột gần kề. Căn bệnh lồng ruột có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường hay gặp nhất là những trẻ từ 4 – 9 tháng tuổi, nhất là những bé bụ bẫm.
Theo thống kê cho thấy, những bé trai có nguy cơ mắc phải bệnh lồng ruột cao hơn bé gái, chiếm tới 70% các trường hợp bị lồng ruột. Căn bệnh này sẽ làm tắc nghẽn và ứ trệ thức ăn ở phía trên khối lồng (được biết đến là tình trạng tắc ruột hoặc bán tắc ruột). Ngoài ra, những đoạn ruột luôn đi kèm với các mạch máu nuôi dưỡng nên khi trẻ bị lồng ruột, các mạch máu cũng sẽ bị tắc nghẽn theo.
Hơn nữa, đoạn ruột bị tắc nghẽn sẽ rất nhanh bị giãn to và mạch máu bị ứ trệ sẽ khiến đoạn ruột của trẻ bị thiếu máu, dẫn đến viêm nhiễm, xuất huyết, phù nề, hoại tử. Thông thường, trước 48 giờ sau khi trẻ bị lồng ruột, có khoảng 2,5% khối lồng ruột của bé bị hoại tử.
Sau 72 giờ trẻ bị lồng ruột, tỷ lệ hoại tử của lồng ruột lên tới 80%. Khối lồng ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm độc, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột dẫn tới viêm phúc mạc khiến trẻ bị tử vong.
Nếu bé bị lồng ruột được đưa tới bệnh viện uy tín sớm, bác sĩ chuyên khoa chỉ cần tháo lồng ruột bị tắc nghẽn bằng hơi. Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột được đưa đến bệnh viện muộn hoặc khi thực hiện thủ thuật tháo lồng ruột bị thất bại, tùy theo tình hình cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Lồng ruột là căn bệnh nhiều trẻ em gặp phải
2. Độ tuổi nào trẻ hay mắc phải bệnh lồng ruột?
Lồng ruột là căn bệnh thường gặp ở những trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ từ 3 – 6 tháng tuổi. Như đã nói ở trên, các bé trai có nguy cơ mắc bệnh lồng ruột cao gấp 2 – 3 lần so với bé gái. Những người trưởng thành rất hiếm khi mắc phải bệnh lồng ruột.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh lồng ruột ở trẻ em là gì?
Hiện vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ. Có thể là do sau khi trẻ bị viêm ruột hoặc do bé bị ung thư ruột non. Trên thực tế, bệnh lồng ruột ở trẻ em xảy ra vào mùa thu và mùa đông nhiều hơn.
Hơn nữa, những trẻ mắc bệnh lồng ruột thường xuất hiện những dấu hiệu như cảm cúm nên một vài người cho rằng có thể là do các loại virus gây ra. Ngoài ra, người ta cũng cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh lồng ruột có thể là do trẻ xuất hiện những khối u hoặc polyp bất thường trong ruột, phổ biến nhất là căn bệnh túi thừa Meckel.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý về cảm cúm và thuốc cảm cúm trẻ em 2 tháng tuổi
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ
4. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị lồng ruột là gì?
Vào thời kỳ đầu của bệnh lồng ruột, trẻ nhỏ có thể sẽ cảm thấy khó chịu vì dạ dày bị co thắt. Một vài biểu hiện của chứng lồng ruột ở trẻ mà bố mẹ cần phải lưu ý đặc biệt là: Bé khóc lớn một cách bất thình lình do bị đau bụng và co gối lên ngực.
Những cơn đau bụng như vậy thường tái phát nhiều lần. Lúc này, trẻ nhỏ có thể bị ói mửa, vã mồ hôi, da xanh xao. Khi ruột bị tắc nghẽn nghiêm trọng hơn, phân của trẻ sẽ có nước nhầy và máu, dạ dày thì bị sưng lên.
Trẻ sẽ cảm thấy cơ thể yếu ớt, đôi khi có cảm giác như có một khối u lồi lên trên dạ dày. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt, tiêu chảy và mất nước.
5. Cách xử trí hiệu quả khi trẻ bị lồng ruột
– Khi trẻ bỏ bú, khóc thét và nôn ói, bố mẹ cần phải đưa con tới bệnh viện uy tín ngay lập tức.
– Khi xác định được rằng trẻ bị lồng ruột, bác sĩ chuyên khoa sẽ tháo khối ruột bị lồng của trẻ bằng cách thụt thuốc cản quang hoặc bơm hơi qua hậu môn theo sự hướng dẫn của máy chiếu X-quang. Dưới áp lực của thuốc hoặc hơi, khối ruột bị lồng của trẻ sẽ được tháo dần.
– Nếu trẻ bị lồng ruột được đưa tới bệnh viện muộn quá 6 tiếng, bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện phẫu thuật phù hợp để tháo khối lồng ruột ra ngoài.
– Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột sau 24 tiếng, khối ruột của bé đã có dấu hiệu bị hoại tử, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ đoạn ruột đó. Đáng chú ý là việc chăm sóc và phục hồi sau khi phẫu thuật cũng vô cùng khó khăn và phức tạp.
>>>>>Xem thêm: Cơ bản về phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Khi trẻ có dấu hiệu lồng ruột, bố mẹ phải cho con đi khám ngay
Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh lồng ruột ở trẻ em. Tốt nhất, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu bị lồng ruột, bố mẹ phải lập tức đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe về sau của bé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.