Amidan được biết đến là phòng tuyến bảo vệ cho trẻ khỏi sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều trẻ thường xuyên gặp phải tình trạng viêm amidan lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Trong tình huống này, nhiều bậc cha mẹ đã băn khoăn việc cắt amidan cho con. Vậy trên thực tế, trẻ em cắt amidan có nên hay không?
Bạn đang đọc: Giải đáp: Trẻ em cắt amidan có nên không?
1. Vai trò bảo vệ của amidan đối với sức khỏe của trẻ
Viêm amidan là bệnh lý dễ gặp ở trẻ nhỏ
Ở người lớn, amidan gần như tiêu giảm. Tuy nhiên đối với trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, amidan có ý nghĩa bảo vệ quan trọng. Amidan thường gọi bản chất là amidan khẩu cái, cùng với 3 tổ chức lympho khác vùng hầu họng, bao gồm amidan lưỡi (nằm dưới đáy lưỡi), VA (nằm trên vòm họng), amidan vòi (nằm hai bên ở quanh vòi lỗ tai) tạo nên hệ thống amidan hầu họng hoàn chỉnh, chứa nhiều tế bào lympho có chức năng bắt giữ các vi khuẩn, virus, các tác nhân gây hại tấn công vào cơ thể thông qua đường miệng họng.
Ở trẻ mới sinh ra cho tới khi trẻ đạt 5 tuổi, hệ thống amidan này rất phát triển và có thể quan sát rất kỹ. Từ sau 5 tuổi, khi sức đề kháng của trẻ đã tăng, các amidan này sẽ teo nhỏ lại.
Chính vì phải liên tục đối mặt với các tác nhân gây hại nên khi rơi vào tình trạng quá tải, kèm theo các yếu tố bất lợi như: thời tiết lạnh, trẻ mệt mỏi,… các vi khuẩn này rất dễ tấn công ngược gây tình trạng viêm amidan. Với amidan khẩu cái, khi bị viêm sẽ có xu hướng sưng to bất thường và lồi ra khỏi hai hốc họng, rất dễ quan sát thấy khi dùng que ấn lưỡi.
Tùy thuộc mức độ viêm amidan mà các triệu chứng cũng sẽ khác nhau. Song phần lớn, viêm amidan đều gây ra một loạt các ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như:
– Đau rát khi ăn uống, khiến trẻ thường bỏ ăn, chán ăn.
– Khó thở, gây nên tình trạng ngủ ngáy của trẻ.
– Các vi khuẩn phát triển tạo nên các hốc mủ trắng trên bề mặt amidan sưng viêm, gây mùi cho hơi thở và khiến cho tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn.
– Trẻ có thể bị sốt khi viêm amidan.
– Khi viêm amidan lan rộng sẽ gây viêm vùng hầu họng, kèm theo tình trạng kho, khàn tiếng, mất tiếng của trẻ.
2. Trẻ em cắt amidan có nên hay không?
Tìm hiểu thêm: Đau đầu ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác những điều gì?
Để biết trẻ em cắt amidan có nên không, trước hết hãy đưa trẻ đi thăm khám
Trẻ viêm amidan không khó phát hiện, song nếu không điều trị kịp thời sẽ lan rộng và quá trình điều trị cũng vất vả hơn rất nhiều. Bởi vậy khi trẻ có dấu hiệu đầu tiên như đau nhẹ hai bên họng, cha mẹ cần có các biện pháp xử trí kịp thời: pha nước muối loãng cho trẻ lớn xúc miệng 3 -4 lần trong ngày, đưa trẻ đi khám và điều trị. Chữa bệnh đúng đơn, đúng chẩn đoán sẽ mang lại hiệu quả và giúp giảm ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc đối với cơ thể trẻ.
Tuy nhiên, với tình trạng amidan tái phát rất nhiều lần, amidan sưng to,.. nhiều cha mẹ thường khuyên nhau nên cho trẻ em cắt amidan. Vậy điều này có thực sự cần thiết?
Trước hết, trong điều trị nhi khoa, việc thực hiện cắt amidan cho trẻ là một trong những biện pháp được hạn chế nhất khi có thể. Bởi theo chuyên gia từ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI thì amidan với trẻ em có vai trò bảo vệ quan trọng. Bên cạnh đó việc phẫu thuật có thể sử dụng thuốc mê hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và cần phục hồi trong thời gian dài. Khi trẻ bị viêm amidan, các bác sĩ thường lựa chọn điều trị bằng thuốc và nếu cha mẹ tuân thủ đúng phác đồ hoàn toàn có thể khắc phục triệt để bệnh lý. Tuy nhiên, việc có cắt bỏ amidan hay không, cha mẹ cần tham khảo ý kiến chỉ định của bác sĩ và cần dựa trên cơ sở và chẩn đoán phù hợp với bệnh lý của trẻ.
Thông thường, nếu kết quả chẩn đoán cho thấy những điều sau đây thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt amidan:
– Amidan bị viêm mạn tính và tái phát nhiều lần trong một năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
– Amidan quá phát lớn, choán gần hết cửa hầu họng của trẻ và đã gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ cho trẻ cần thực hiện cắt bỏ.
– Amidan gần như mất hoàn toàn chức năng bảo vệ, thay vào đó còn có nguy cơ biến chứng viêm, áp xe quanh amidan.
Ngoài ra, để có thể thực hiện được phẫu thuật cắt amidan, trẻ còn phải đảm bảo các yêu cầu như: không bị huyết áp cao, không bị rối loạn đông máu, không mắc tiểu đường, không mắc bệnh tan máu,… và khám gây mê hoàn toàn đạt yêu cầu.
3. Chăm sóc và phòng ngừa viêm amidan chủ động cho trẻ
>>>>>Xem thêm: Mách mẹ cách chữa tiêu chảy cho trẻ an toàn, hiệu quả
Súc miệng bằng nước muối loãng hằng ngày là cách hiệu quả giúp phòng viêm amidan cho bé
Như đã đề cập bên trên, việc trẻ em cắt amidan được cho là tình huống xảy ra cuối cùng khi chức năng của amidan bị mất đi và amidan viêm có xu hướng gây hại ngược trở lại tới sức khỏe. Chính vì thế việc chăm sóc và phòng ngừa các bệnh lý viêm amidan cho trẻ nói riêng và các bệnh lý tai mũi họng nói chung là rất quan trọng. Để phòng ngừa viêm amidan cho trẻ, cha mẹ cần:
– Giúp trẻ gia tăng sức đề kháng bằng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý. Đối với trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú mẹ nhiều nhất có thể bời sữa mẹ là nguồn cung cấp đề kháng tuyệt vời cho trẻ.
– Bảo vệ cơ thể trước các tác động bất lợi từ môi trường xung quanh: giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vùng mũi họng và vùng cổ khi trời lạnh, đeo khẩu trang và trang phục hợp lý khi di chuyển trong môi trường khói bụi.
– Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối loãng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
– Chủ động phát hiện sớm những biểu hiện viêm amidan của trẻ và điều trị kịp thời.
Với trẻ đã cắt amidan, tình trạng viêm amidan sẽ không thể xảy ra nữa nhưng không vì thế mà chủ quan trong bảo vệ sức khỏe bởi ngoài amida thì còn có 3 tổ chức lympho tương tự amidan ở vùng hầu họng và chúng có thể bị sưng viêm và gây ra những ảnh hưởng như viêm amidan.
Trên đây là một số kiến thức quan trọng liên quan tới chủ để trẻ em cắt amidan có nên hay không. Tóm lại, khi trẻ viêm amidan hay mắc bất kỳ bệnh lý nào, cha mẹ hãy chủ động đưa trẻ đi thăm khám. Phác đồ điều trị có cần tiểu phẫu hay phẫu thuật hay đơn giản chỉ điều trị nội trú sẽ được bác sĩ tư vấn chi tiết dựa trên cơ sở thăm khám lâm sàng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.