Bệnh còi xương ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Còi xương là bệnh khá phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, có thể gây biến dạng xương của trẻ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm phát hiện sớm bệnh còi xương ở trẻ để có những biện pháp điều trị kịp thời.

Bạn đang đọc: Bệnh còi xương ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

1. Bệnh còi xương ở trẻ là bệnh như thế nào và có nguy hiểm không?

Còi xương ở trẻ em là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu hụt vitamin D hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Đây là loại vitamin tan trong chất béo, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương do giúp tăng hấp thu canxi và photpho ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận cũng như tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng.

Khi thiếu vitamin D, ruột sẽ không hấp thu đủ canxi và photpho, canxi máu giảm và khi đó, canxi trong xương sẽ bị huy động để ổn định nồng độ canxi máu, dẫn tới bệnh còi xương ở trẻ. Căn bệnh này thường xảy ra ở giai đoạn trẻ sơ sinh cho đến dưới 3 tuổi.

Bệnh còi xương ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Bệnh còi xương thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi

Nếu bố mẹ không phát hiện bệnh còi xương ở trẻ em sớm và có hướng điều trị dứt điểm thì có thể gây biến dạng xương của trẻ, khiến trẻ chậm tăng trưởng, chậm phát triển thể chất, trí tuệ, thậm chí trẻ có thể bị tử vong do mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi.

2. Trẻ bị còi xương do đâu

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu vitamin D dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ, nhưng chủ yếu là 3 nguyên nhân sau:
– Thiếu ánh sáng mặt trời: đây là nguyên nhân hay gặp do các mẹ có thói quen kiêng cữ, sợ trẻ tiếp xúc với ánh nắng; do nhà chật chội, thiếu ánh sáng; hoặc do trẻ sinh vào mùa đông mặc nhiều quần áo, ít được đưa ra tắm nắng ngoài trời.
– Chế độ dinh dưỡng nghèo canxi – phốt pho: nguyên nhân này có thể do trẻ không được bú mẹ thường xuyên, hoặc trẻ được cho ăn bột quá sớm / quá nhiều gây ức chế quá trình hấp thụ canxi
– Trẻ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa làm giảm hấp thu vitamin D3: nếu trẻ bị rối loạn đường ruột, bao gồm các bệnh lý như: bệnh celiac, hội chứng ruột ngắn, xơ năng, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng thì khả năng hấp thụ vitamin D của trẻ sẽ bị hạn chế.

3. Nhận biết bệnh còi xương qua các dấu hiệu như thế nào?

Bệnh còi xương ở trẻ có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu sau:
– Trẻ thường xuyên quấy khóc, ngủ không ngon giấc; nôn trớ khi ăn hoặc bú sữa; ra mồ hôi trộm nhiều
– Trẻ bị rụng tóc nhiều, đặc biệt là phía sau gáy (rụng tóc vành khăn)
– Xương sọ của trẻ mềm, đầu dễ bị méo hoặc bị bẹt do tư thế nằm
– Thóp trước của trẻ rộng, chậm liền, bờ thóp mềm; hoặc đầu trẻ to, có bướu ở trán hoặc đỉnh đầu

Tìm hiểu thêm: Bệnh táo bón ở trẻ em liệu có nguy hiểm không?

Bệnh còi xương ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Men răng yếu là dấu hiệu trẻ thiếu canxi và có thể bị còi xương

– Răng trẻ mọc chậm, men răng yếu, sún nhanh
– Lồng ngực bị biến dạng như ngực gà, có chuỗi hạt sườn
– Chân bị cong vòng kiềng hoặc choãi ra, không thẳng như các trẻ khác
– Trẻ chậm phát triển vận động (lẫy, bò, ngồi, đứng, đi) do cơ nhẽo
– Trẻ bị xanh xao, thiếu máu và bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
– Khi bệnh còi xương của trẻ ở mức độ nặng, trẻ có thể sẽ bị co giật do hạ canxi máu. Nếu thấy triệu chứng này, bố mẹ cần cho con vào viện ngay lập tức.

4. Làm gì để cải thiện bệnh còi xương ở trẻ?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu còi xương như các dấu hiệu nêu trên, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để các bác sĩ chẩn đoán xem có đúng trẻ bị còi xương hay không, từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể cho trẻ.
Về cơ bản, khi trẻ được xác định là bị còi xương, bố mẹ cần bổ sung vitamin D và canxi cho con bằng nhiều cách:

4.1. Tăng cường tắm nắng cho trẻ giúp cải thiện bệnh còi xương

Các gia đình cần tăng cường tắm nắng cho trẻ khi trời nắng đẹp, thời tiết không quá lạnh, bởi trong cơ thể con người vốn có sẵn chất tiền vitamin D nằm dưới da, có tên là 7-dehydro-cholesterol. Khi da của trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì 7-dehydro cholesterol trong da sẽ chuyển đổi thành vitamin D3, giúp trẻ dễ hấp thụ canxi.
Thời gian tắm nắng lý tưởng nhất cho trẻ là trước 9h sáng và trong vòng 10-15 phút mỗi ngày. Khi tắm nắng, các bố mẹ lưu ý nên cởi quần áo cho con để ánh nắng mặt trời có thể chiếu trực tiếp lên da, có như vậy mới phát huy tối đa tác dụng.

4.2. Bổ sung uống vitamin D cho trẻ bị còi xương

Với những trẻ sinh vào mùa đông, ít được tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, hoặc những trẻ bị thiếu hụt một lượng lớn vitamin D thì bố mẹ nên cho con uống bổ sung vitamin D với liều lượng tham khảo là 400 đơn vị/ ngày.
Để việc bổ sung vitamin D đạt hiệu quả tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ, bởi trong nhiều trường hợp, nếu trẻ bị viêm phổi hoặc bị rối loạn tiêu hóa, trẻ có thể sẽ phải thay đổi liều lượng uống vitamin D mỗi ngày.

Bệnh còi xương ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

>>>>>Xem thêm: Loét miệng ở trẻ em cần điều trị như thế nào

Cha mẹ nên đưa con đi thăm khám trước khi bổ sung vitamin D và canxi cho con

4.3. Bổ sung canxi cho trẻ để cải thiện bệnh còi xương

Để cải thiện chứng còi xương cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần bổ sung thêm canxi cho trẻ bằng các loại chế phẩm như: ống canxi B1-B2-B6 dạng uống hoặc cốm ăn. Tuy nhiên, trước khi bổ sung, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để các bác sĩ kê liều lượng và thời gian uống cụ thể, bởi thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều bố mẹ tự ý mua thuốc về cho con uống và xảy ra tình trạng để con uống quá liều lượng, dẫn tới con bị tăng canxi trong máu, vôi hóa mạch máu, dẫn tới bị sỏi thận.

Bên cạnh đó, đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên tăng cường cho con bú sữa mẹ, hạn chế dùng sữa công thức.

Đối với trẻ giai đoạn ăn dặm, bố mẹ cần chú ý chọn các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, hải sản,… Lưu ý các bữa ăn phải có một lượng dầu mỡ nhất định bởi dầu mỡ là chất hỗ trợ trẻ hấp thụ được vitamin D trong thức ăn. Nếu không có chất béo, dù bữa ăn có giàu canxi thì trẻ cũng sẽ không hấp thụ được. Đây là sai lầm mà rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay mắc phải.

Tóm lại, để điều trị bệnh còi xương ở trẻ, biện pháp cần thiết là phải bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ. Để quá trình bổ sung đạt hiệu quả tốt nhất và an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và điều trị tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tìm hiểu qua mạng và tự ý mua thuốc cho con uống.

Với việc quy tụ đội ngũ chuyên gia y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, từng nhiều năm công tác tại Bệnh viên Nhi Trung ương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng trang thiết bị máy móc hiện đại (hệ thống xét nghiệm Robot tự động), Hệ thống y tế Thu Cúc TCI sẽ giúp các bậc phụ huynh chẩn đoán chính xác trẻ có bị còi xương hay không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI sẽ đồng hành với cha mẹ trong việc thiết kế thực đơn phù hợp cho các bé, giúp bé có thể hấp thu tối đa dưỡng chất và phát triển khỏe mạnh hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *