Ngoài những biểu hiện như: quấy khóc, bỏ ăn thì sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ trong giai đoạn con mọc răng. Tính chất của các cơn sốt mọc răng thường là nhẹ và không mấy nguy hiểm. Tuy nhiên nếu trẻ mọc răng sốt cao 40 độ thì người lớn cần nâng cao cảnh giác.
Bạn đang đọc: Trẻ mọc răng sốt cao 40 độ có nguy hiểm không và cha mẹ nên làm gì?
1. Vì sao khi mọc răng trẻ thường sốt?
Sẽ tùy theo từng bé, tuy nhiên trung bình khoảng từ tháng thứ 6 tới tháng thứ 8 trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên và hoàn thiện quá trình mọc răng đến khi con được khoảng 3 tuổi. Nguyên nhân khiến trẻ mọc răng bị sốt là do khi răng sữa nhú lên, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ tăng do tình trạng viêm nướu xảy ra. Lúc này nướu con sẽ sưng đau và nhức tới vài ngày. Từ đó cơ thể con sẽ sốt nhẹ tới sốt vừa hoặc cao.
Ngoài triệu chứng sốt thì trẻ mọc răng có thể đi kèm với một vài dấu hiệu điển hình sau:
– Con quấy khóc, trằn trọc và ngủ không sâu giấc
– Trẻ bỏ bú hoặc bú ít hơn
– Do bị ngứa nướu nên con chảy dãi nhiều và thường cắn, gặm đồ vật xung quanh
– Con chảy nước dãi nhiều hơn và dãi có thể chảy thành dòng
Về cơ bản thì những dấu hiệu này sẽ không kéo dài cũng như không ảnh hưởng quá nhiều tới sự phát triển của con. Khoảng vài ngày tình trạng trên sẽ sớm chấm dứt và bé lại có thể vui chơi, ăn uống như bình thường. Do đó, cha mẹ không nên quá căng thẳng trước vấn đề này ở con. Cách tốt nhất là hãy dành nhiều thời gian để quan sát và chăm sóc con nếu thấy trẻ có những vấn đề bất thường cần đưa ra phương án xử trí kịp thời.
Sốt là vấn đề thường gặp khi con bước vào giai đoạn sốt mọc răng
2. Trẻ mọc răng sốt 40 độ có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ, trẻ sốt mọc răng thường chỉ sốt nhẹ và không mấy ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Vì thế trong trường hợp bé sốt cao 40 độ thì đây là tình trạng rất nguy hiểm ở bé. Lúc này nếu không được can thiệp kịp thời bé rất dễ rơi vào tình trạng sốt co giật, rối loạn điện giải, rối loạn thần kinh, mất nước và nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó tình trạng sốt cao 40 độ, có thể không phải là dấu hiệu của sốt mọc răng đơn thuần mà tiềm ẩn một bệnh lý khác như: nhiễm trùng, sốt cúm A, sốt virus… Những bệnh lý này thường rất hay gặp ở trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Bệnh khởi phát đầu tiên với dấu hiệu là những cơn sốt cao.
Vì thế trong quá trình chăm sóc trẻ nếu thấy con có biểu hiện sốt trên 38,5 độ, không đáp ứng thuốc hạ sốt, lúc này cha mẹ nên đưa con tới các bệnh viện gần nhất để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Bởi khi trẻ bị sốt cao tình trạng này gây ra những biến chứng rất nhanh.
Tìm hiểu thêm: Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em: Những nguy hiểm
Trong thời điểm mọc răng trẻ sốt cao kèm quấy khóc
3. Cha mẹ nên chăm sóc con như thế nào khi trẻ bị sốt mọc răng?
Khi con sốt nhẹ do mọc răng, cha mẹ có thể áp dụng một vài cách sau để tình trạng sức khỏe ở bé sớm được cải thiện.
3.1 Hạ sốt cho con
Khi con sốt mọc răng cha mẹ hãy dùng 6 chiếc khăn để chườm ấm cho trẻ. Một chiếc khăn đắp lên trán, hai chiếc đắp vào nách, hai chiếc đắp vào bẹn còn chiếc còn lại dùng để thường xuyên lau người con. Cách làm này giúp thân nhiệt của trẻ hạ nhanh hơn từ đó giảm cơn sốt.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho bé uống thuốc Paracetamol hạ sốt dạng gói bột. Mỗi khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên mẹ có thể cho bé uống thuốc ngay mà chưa nhất thiết phải đưa đến bác sĩ. Liều dùng thuốc mẹ nhớ đọc kỹ hướng dẫn bên ngoài vỏ bao bì.
Lưu ý trong thời gian con sốt, cứ khoảng 1 tiếng mẹ cặp nhiệt độ cho bé 1 lần. Nếu thấy tình trạng sốt thuyên giảm thì có thể yên tâm, ngược lại nếu cơn sốt không hạ và kéo dài, lúc này mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế gần nhất để can thiệp.
>>>>>Xem thêm: 9 khuyến cáo chăm sóc trẻ hen phế quản quan trọng
Khi trẻ sốt cao 40 độ cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám
3.2 Một vài cách hỗ trợ bé đi kèm
Thời điểm con sốt mọc răng trẻ rất dễ bị mất nước. Lúc này bố mẹ nên tăng cường bổ sung nước bằng cách cho bé bú sữa nhiều hơn. Trẻ lớn hơn 6 tháng có thể cho uống thêm nước hoa quả hoặc dung dịch Oresol để bù nước giúp cơ thể tránh bị mất nước.
Ngoài ra mẹ cũng nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ, dễ thấm hút mồ hôi để bé cảm thấy dễ chịu. Không nên quấn nhiều chăn quanh con hoặc đóng kín cửa phòng, bởi như thế sẽ làm bé cảm thấy khó chịu cũng như không hỗ trợ quá trình giảm sốt ở con diễn ra được nhanh hơn.
Trong thời điểm con mọc răng mẹ cũng cần thường xuyên vệ sinh răng, nướu cho bé cẩn thận. Vệ sinh nướu bằng cách lấy miếng gạc sạch thấm nước ấm để lau răng miệng và lợi cho bé sau khi con ăn xong. Hoặc cho bé uống một ít nước ấm để tráng miệng sau mỗi cữ bú. Vệ sinh răng miệng sạch cũng là cách giúp giảm tình trạng viêm nướu trong thời gian mọc răng từ đó giúp giảm tình trạng viêm nướu giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý rằng, không phải trường hợp nào trẻ sốt mọc răng cũng đều an toàn. Đôi khi có những trường hợp trẻ sốt cao do bệnh lý trùng lặp với sốt do mọc răng. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện này cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
– Trẻ bị sốt trên 39 độ C.
– Con quấy khóc liên tục, bé bỏ bú
– Con ngủ li bì, người mệt mỏi
– Con sốt kèm nổi ban
– Trẻ bị tiêu chảy
– Môi con khô và da tím tái…
Tóm lại, trẻ sốt mọc răng là tình trạng thường thấy và không mấy nguy hiểm, do tính chất của cơn sốt là khá nhẹ và nhanh hết. Còn trong trường hợp trẻ mọc răng sốt cao 40 độ, cha mẹ bắt buộc phải đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị sớm để tránh những biến chứng không đáng có có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.