Trẻ bị sốt phát ban là tình trạng rất dễ gặp, đặc biệt là ở độ tuổi từ 6 – 36 tháng. Vậy, bệnh lý này có nguy hiểm không? Xử lý thế nào khi xuất hiện triệu chứng sốt phát ban ở trẻ? Để có cái nhìn rõ nét hơn, quý phụ huynh đừng bỏ qua bài viết này của Hệ thống y tế Thu Cúc TCI nhé!
Bạn đang đọc: Trẻ bị sốt phát ban: Xử lý thế nào?
1. Sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban (hay Roseola) là bệnh truyền nhiễm lành tính do virus gây ra. Khi bị bệnh, trẻ thường có dấu hiệu nóng, sốt và nổi các đốm nhỏ trên bề mặt da.
Bệnh dễ lây nhiễm ở trong cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường nhà trẻ và trường học. Virus lây nhiễm chủ yếu thông qua đường hô hấp. Khi trẻ ho, hắt hơi hoặc sổ mũi,… làm phát tán các tia nước bọt nhỏ có chứa virus và truyền bệnh sang cho trẻ khác. Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, cốc, bàn chải,…) cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị lây bệnh.
Sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm lành tính
Các tác nhân gây sốt phát ban ở trẻ đa phần là virus lành tính. Do đó, bệnh có thể tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày nếu được chăm sóc tốt.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp gây ra biến chứng nguy hiểm nếu phụ huynh không nắm rõ nguyên nhân gây bệnh và không chăm sóc trẻ đúng cách. VD: Viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu, viêm não hoặc tái sốt thường xuyên,… Ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của trẻ sau này.
2. Xử lý khi trẻ bị sốt phát ban
2.1 Phân biệt triệu chứng
Triệu chứng ban đầu khi bị sốt phát ban của trẻ là sốt và quấy khóc nhiều. Thông thường là sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ, hoặc đôi khi lên đến 39,4 độ. Ngoài ra, với từng loại nguyên nhân gây sốt khác nhau thì trẻ lại có các biểu hiện khác nhau.
– Sốt phát ban nguyên nhân do virus Sởi gây ra:
Trẻ xuất hiện các nốt sởi ở sau tai. Sau đó, các nốt này lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và toàn thân trẻ. Các nốt ban sởi là dạng ban sẩn, khi biến mất sẽ để lại vết thâm đặc trưng trên da. Thứ tự biến mất thường sẽ lần lượt theo thứ tự xuất hiện ban đầu.
Bên cạnh đó, sốt phát ban dạng này cũng có thể khiến trẻ bị chảy nước mũi, ho, đỏ mắt. Phụ huynh cần hết sức lưu ý vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm não,…
– Sốt phát ban nguyên nhân do virus Rubella gây ra (ban đào):
Trường hợp này, ban mụn bắt đầu xuất hiện ở mắt và lan dần xuống dưới chân. Thời gian phát bệnh sẽ kéo dài trong khoảng 3 ngày. Đồng thời, ban dạng này thường xuất hiện dày hơn so với ban sởi. Trẻ bị mắc bệnh sẽ có các dấu hiệu kèm theo như: Sưng hạch sau tai, hạch cổ, đau khớp,…
Tình trạng được xem là lành tính đối với trẻ, ít gây ra biến chứng và ít nguy hiểm hơn sốt phát ban Sởi.
Nhìn chung, nếu được chăm sóc và điều trị tốt, ban sẽ không để lại các vết thâm trên da của trẻ (ngoại trừ Sởi). Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm khuẩn có thể gây ra lở loét và hình thành sẹo. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đúng cách là rất cần thiết để không gây ra các vết thâm sau này.
Tìm hiểu thêm: Tay chân miệng trẻ em: Hiểu để kiểm soát hiệu quả
Triệu chứng ban đầu khi bị sốt phát ban của trẻ là sốt và quấy khóc nhiều
2.2 Chăm sóc trẻ tại nhà
NÊN LÀM:
– Luôn nới lỏng quần áo để tạo cảm giác thoải mái nhất cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ không cảm thấy khó chịu vì những nốt ban nổi trên da.
– Không để trẻ dùng tay để gãi lên da
– Thực hiện chườm ấm cho trẻ (không quá 10 phút/giờ). Đồng thời theo dõi nhiệt độ và hạ sốt khi cần thiết.
– Liên tục kiểm tra nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ
– Khi bị sốt phát ban, cơ thể trẻ thường khá yếu. Vì vậy, phụ huynh cần hết sức thận trọng mỗi khi tắm rửa cho trẻ. Nếu không, trẻ sẽ rất dễ bị cúm hoặc chuyển sang các bệnh lý nghiêm trọng khác.
– Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt dạng hậu môn cho trẻ
– Trong trường hợp không cắt sốt, có thể cho trẻ uống paracetamol liều 10mg – 15/1kg/lần. Để trẻ uống mỗi liều cách nhau ít nhất 6 tiếng.
– Khuyến khích trẻ uống nước lọc hoặc các loại nước gừng, soda chanh, nước luộc thịt, nước khoáng, oresol để tránh mất nước.
– Để trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và cách ly với mọi người. Tránh xảy ra lây nhiễm cho các trẻ khác.
– Theo dõi liên tục, nếu trẻ có tiến triển xấu thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
KHÔNG NÊN LÀM:
– Không để trẻ ở trong phòng chật, kín hoặc quá tù túng, ẩm ướt
– Không để trẻ đến nơi đông người và tiếp xúc với nhiều người
– Không để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, lông thú, nước tẩy rửa,…
– Không để trẻ mặc quần áo quá chật, quá bó sát người hoặc có chất liệu vải dễ gây kích ứng da.
– Không để trẻ ăn trứng và những thực phẩm khó tiêu. Tránh sử dụng nước lạnh, nước đá và kem.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì cần đưa trẻ đi khám ngay để tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.
2.3 Khi nào cần nhập viện?
>>>>>Xem thêm: Giải đáp nguyên nhân trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Phụ huynh cần theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ
Phụ huynh cần lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:
– Sốt cao không kiểm soát được nhiệt độ dù đã dùng thuốc hạ sốt
– Sốt trên 39,4 độ
– Phát ban sau 3 ngày không đỡ
– Trẻ dưới 6 tuổi/Có hệ miễn dịch yếu
– Mất nước nhiều do tiêu chảy
Khi nhập viện, bác sĩ sẽ theo dõi tình hình của trẻ. Điều phụ huynh cần làm lúc này là nêu rõ những biểu hiện cụ thể của trẻ. Kết hợp với các biện pháp thăm khám cần thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán một cách chính xác nhất tình hình bệnh lý và đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Một số chỉ định thường được đưa ra trong quá trình điều trị như dùng thuốc hạ sốt, thuốc bù nước điện giải. VD: Acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil hoặc Motrin). Phụ huynh cũng nên kết hợp lau người cho trẻ để hạ sốt. Các trẻ có biểu hiện nặng sẽ có thêm các chỉ định phức tạp hơn.
Như vậy, trên đây là những thông tin và cách xử lý khi trẻ bị sốt phát ban. Hy vọng thông qua bài viết, phụ huynh đã có thêm những thông tin hữu ích mà mình đang tìm kiếm. Nếu còn có câu hỏi nào khác, hãy liên hệ với Thu Cúc TCI sớm để được giải đáp nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.