Bệnh cúm A có thể mắc bất cứ lúc nào, tuy nhiên thời điểm giao mùa thu đông hoặc đông xuân, số trẻ mắc cúm A thường tăng lên gấp nhiều lần và dễ phát triển thành dịch. Khi xác định bé bị cúm A, trường hợp nào có thể điều trị tại nhà và khi nào cần cho con đi viện?
Bạn đang đọc: Bé bị cúm A khi nào cần cho đi viện khám?
1. Dấu hiệu trẻ mắc cúm A
Cúm A và cảm cúm thông thường đều là những bệnh lý về đường hô hấp nên khá giống nhau về các biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên nếu để ý kỹ, cha mẹ sẽ thấy khi con bị cúm A bé sẽ có một dấu hiệu đặc trưng sau đây
– Trẻ sốt cúm A thường sốt cao khoảng 38.5 độ C đến 40 độ C. Khi sốt, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc.
– Trẻ ho và phần họng có hiện tượng sưng đỏ. Vì phần họng đau nên nhiều trẻ thường có xu hướng lười ăn uống trong thời gian này.
– Trẻ liên tục hắt hơi kèm theo chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
– Cơ thể trẻ thường đau mỏi ở phần cơ chân, tay
Ngoài ra, cúm A ở trẻ cũng có thể gây ra tình trạng nôn, trớ nhiều lần trong ngày, háo nước,… Tuy nhiên đây là những biểu hiện của bệnh đã ở giai đoạn biến chứng hết sức nguy hiểm, con có khả năng cao sẽ bị co giật, suy hô hấp. Vì thế cha mẹ cần hết sức thận trọng trong trường hợp này.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường là đối tượng hay mắc cúm A
2. Trẻ mắc cúm A khi nào cho đi viện?
Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc cúm A nhiều nhất. Thực chất thì không phải trẻ nào mắc cúm A cũng cần cho vào viện. Với những trẻ mới mắc bệnh ở thể nhẹ nghĩa là con vẫn có thể ăn uống được bình thường, trẻ dùng thuốc đáp ứng được với thuốc thì cha mẹ hoàn toàn có thể để con điều trị tại nhà. Ngược lại với những trẻ có các biểu hiện sau đây, cần lập tức đưa con tới viện để được thăm khám kịp thời.
– Trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng
– Trẻ có ngủ li bì, người mệt mỏi
– Trẻ kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh
– Trẻ dưới 2 tuổi
Trẻ cúm A xuất hiện những biểu hiện trên thường bệnh có nguy cơ biến chứng khá cao. Thường gặp nhất là biến chứng gây viêm tai giữa, viêm thanh khí – phế quản, viêm phổi, nặng hơn là suy hô hấp, viêm màng não…
Tìm hiểu thêm: Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị như thế nào?
Cha mẹ cần cho con đi viện khi con dùng thuốc không đáp ứng
Ở trẻ nhỏ, cúm A là bệnh lý có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ biến chứng. Vì thế khi con có biểu hiện của bệnh cha mẹ cần sát sao theo dõi sức khỏe của con trong thời gian này. Khi bệnh không có xu hướng thuyên giảm cần lập tức đưa con tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Được biết diễn biến cúm thường xảy ra trong vòng 7-10 ngày, thời gian từ 3-5 ngày đầu xuất hiện những cơn sốt cao, sốt kéo dài. Đây cũng là thời điểm mà trẻ dễ gặp biến chứng hơn cả.
3. Cần làm gì để giảm nguy cơ mắc cúm A ở trẻ?
Vì có tốc độ lây lan nhanh nên cúm A rất dễ phát triển thành dịch. Bệnh thường lây thông qua việc người lành tiếp xúc với người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, hoặc dùng chung đồ có nhiễm virus cúm A. Để có thể ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ở trẻ, cha mẹ nên chủ động nhắc nhở trẻ thực hiện một số vấn đề sau:
– Không để trẻ đưa tay lên mũi, miệng, đặc biệt với trẻ hay có thói quen ngậm tay.
– Khi trẻ ra ngoài con cần được đeo khẩu trang che kín mũi và miệng. Sau khi về nên rửa chân tay sạch sẽ, sát khuẩn họng, mũi để loại bỏ virus gây bệnh.
– Trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ cần có đủ các nhóm dưỡng chất, các loại vitamin, hoa quả để trẻ được tăng đủ sức đề kháng.
– Nơi ở của trẻ nên được vệ sinh thường xuyên để sạch sẽ từ các vật dụng mà trẻ thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, bàn ghế, thảm nhà, giường chiếu…
– Cha mẹ lưu ý khi trẻ bị cúm A không nên uống kháng sinh sẽ không những không có tác dụng mà còn gây hại cho cơ thể. Do đó, nếu có ý định cho trẻ dùng loại thuốc gì cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Chế độ ăn cho trẻ bị cảm lạnh: Nên và không nên
Vệ sinh thân thể, chân tay sạch sẽ là cách phòng cúm A hiệu quả
Cúm A vốn không phải là bệnh nhẹ và lành tính với trẻ nhỏ. Vì thế trong thời điểm dịch bệnh cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh thật tốt để giảm thiểu nguy cơ bé bị cúm A.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.