Hướng dẫn cách điều trị hiệu quả khi bé bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh cấp tính và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Với những trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ thực hiện xét nghiệm tiểu cầu và kê thuốc điều trị tại nhà để bé được nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo,… Tuy nhiên, với những trường hợp bé bị sốt xuất huyết nặng nhưng không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như sốc, rối loạn đông máu, suy hô hấp, rối loạn tri giác, tổn thương gan, thậm chí có thể gây tử vong,…

1. Tìm hiểu căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Chúng thường lây nhiễm qua vật chủ trung gian là con muỗi vằn. Sốt xuất huyết ở thể nhẹ thường có những biểu hiện như nổi phát ban trên da, đau cơ khớp, sốt cao. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như đột ngột tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí là gây tử vong.

Virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em bao gồm 4 chủng là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trẻ có thể bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết khi muỗi vằn cái chứa virus Dengue đốt lên da. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 8 – 11 ngày tùy vào từng trường hợp.

Khi muỗi vằn đốt lên da, nếu trẻ lành thì virus sẽ thâm nhập vào trong máu. Còn trong trường hợp muỗi vằn đốt lên da trẻ đã từng nhiễm virus Dengue trước đó thì virus sẽ truyền sang muỗi.

Thông thường, sau khi được điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết, hệ miễn dịch của trẻ sẽ có khả năng chống lại virus gây ra bệnh. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng mắc phải bệnh sốt xuất huyết do 3 chủng còn lại gây ra. Vì sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu nên dễ mắc bệnh sốt xuất huyết hơn so với người lớn.

Hướng dẫn cách điều trị hiệu quả khi bé bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiều bé gặp phải

2. Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Khi bệnh sốt xuất huyết khởi phát, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng điển hình là sốt. Tuy nhiên, chứng sốt của sốt xuất huyết có đặc điểm khác so với những căn bệnh khác:

– Sốt cao đột ngột lên đến 39 – 40 độ C hoặc cao hơn, khi sờ vào trán bé thấy nóng ran.

– Sốt liên tục từ 2 – 7 ngày kèm theo dấu hiệu đau bụng, phình bụng, nôn trớ.

Một số dấu hiệu điển hình dễ nhận biết bé bị sốt xuất huyết khác là:

– Phát ban dưới da (thể nhẹ), nổi mẩn, chảy máu cam, xuất hiện nốt xuất huyết, chảy máu chân răng.

– Đi tiêu ra máu (xuất huyết nội tạng chứng tỏ bệnh ở mức độ nặng).

Triệu chứng sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 – 7 từ lúc bệnh khởi phát. Dấu hiệu sốc bao gồm bé từ trạng thái tỉnh táo bỗng trở nên vật vã, lừ đừ, con xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, da đổi màu, tay chân lạnh, môi xám lại. Trẻ không tiểu chút nào hoặc tiểu ít. Bé bắt đầu có dấu hiệu khát nước, đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây tụt huyết áp, mất máu. Nếu không được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Thông thường, bệnh sốt xuất huyết được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng:

– Độ 1: Trẻ sốt nhẹ và chưa có dấu hiệu xuất huyết.

– Độ 2: Trẻ sốt và có dấu hiệu xuất huyết.

– Độ 3: Trẻ bắt đầu có triệu chứng sốc.

– Độ 4: Tình trạng sốc trở nên nặng hơn.

Với những trẻ bị sốt xuất huyết độ 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ và có hẹn ngày tái khám. Với những trẻ bị sốt xuất huyết độ 2, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bé có thể được điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ nhưng bố mẹ phải theo dõi chặt chẽ hơn, hoặc cho con nhập viện nếu thấy cần thiết. Còn với những trẻ bị sốt xuất huyết độ 3 và 4 thì bố mẹ phải cho bé nhập viện ngay.

Hướng dẫn cách điều trị hiệu quả khi bé bị sốt xuất huyết

Bố mẹ cần phải theo dõi sát sao khi bé bị sốt xuất huyết

3. Hướng dẫn cách điều trị khi bé bị sốt xuất huyết

Khi thấy bé có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, cũng như tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp trẻ được điều trị ngoại trú, phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả nhanh nhất. Cụ thể là:

– Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ phải cho con dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phải nới lỏng quần áo của con và lau người bằng nước ấm cho trẻ.

– Khuyến khích con uống nhiều nước, ăn cháo loãng và Oresol để bổ sung chất điện giải cho bé.

– Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ dễ tiêu hóa hóa và giúp bé cân bằng dinh dưỡng.

– Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều trong nhà.

– Trong trường hợp bé không thể uống nước do nôn trớ quá nhiều, không tỉnh táo, lờ đờ, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy trẻ xuất hiện một trong những biểu hiện sau, bố mẹ phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời:

– Vật vã và lừ đừ.

– Tình trạng đau bụng của trẻ trở nên nặng hơn.

– Da của trẻ bị xung huyết nhưng tay chân vẫn lạnh.

– Nôn trớ đột ngột và liên tục.

– Trẻ đột ngột bị xuất huyết tiêu hóa.

Hướng dẫn cách điều trị hiệu quả khi bé bị sốt xuất huyết

Khi trẻ có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, bố mẹ nên đưa con đi khám và thực hiện xét nghiệm máu

Tóm lại, khi thấy bé bị sốt xuất huyết, bố mẹ không được chủ quan mà phải nhanh chóng đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, bố mẹ cần phải tích cực phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết định kỳ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *