Dịch cúm A đang bùng phát mạnh mẽ khiến nhiều người có tâm lý ngại tới bệnh viện vì sợ nguy cơ lây nhiễm chéo, khiến bệnh chuyển biến nặng hơn. Vậy điều trị cúm A tại nhà có được không và nên chăm sóc người bệnh như thế nào là tốt nhất?
Bạn đang đọc: Có thể trị cúm A tại nhà được không?
1. Bệnh cúm A dễ lây nhiễm như thế nào?
Là một bệnh lý thuộc đường hô hấp nên bệnh cúm A rất dễ lây lan. Chỉ cần người lành tiếp xúc với người bệnh trong cự ly gần thông qua việc nói chuyện, vô tình ho, hắt hơi cũng đều có nguy cơ nhiễm virus cúm A rất cao.
Bên cạnh đó loại virus này cũng có khả năng tồn tại trong không khí lên tới 48h nên khả năng lây bệnh cũng nhiều hơn, đặc biệt là nhóm đối tượng người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai người có bệnh lý nền.
Không chỉ có nguy cơ lây lan nhanh mà bệnh cũng tiến triển rất nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi, gây suy hô hấp, khó thở… Đối với những người có thể trạng tốt và được chăm sóc đúng cách có thể cải thiện bệnh trong thời gian từ 5 tới 7 ngày còn với người nặng hơn có thể là 15 ngày, thậm chí 30 ngày.
Vì thế việc chăm sóc và điều trị đối với bệnh nhân mắc cúm A là rất quan trọng dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Cúm A là bệnh lý rất dễ lây lan ở trẻ nhỏ
2. Mắc cúm A có thể điều trị tại nhà được không?
Thực tế thì người mắc bệnh cúm A hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên trường hợp này chỉ dành cho số ít. Còn lại đa phần người bệnh đều phải tới viện điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
2.1 Khi nào mắc cúm A có thể điều trị tại nhà?
Theo đánh giá những trường hợp có thể điều trị cúm A tại nhà gồm:
– Người lớn, không có bệnh lý nền khi mắc bệnh vẫn sinh hoạt và ăn uống tốt.
– Người bệnh khi dùng thuốc điều trị, bệnh có sự chuyển biến tích cực (không còn sốt cao, người đỡ mệt…)
– Trẻ em mắc bệnh ở giai đoạn đầu chỉ với dấu hiệu sổ mũi, sốt nhẹ, ho….
Với những đối tượng trên người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà kết hợp với việc dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Sau thời gian từ 5 – 7 ngày bệnh sẽ thuyên giảm theo chiều hướng tích cực.
2.2 Đối tượng nào cần tới bệnh viện khi mắc cúm A?
Người mắc cúm A cần được đưa tới bệnh viện ngay trong trường hợp sau:
– Trẻ sốt cao, người mệt mỏi, ngủ li bì và chán ăn hoặc nôn khi ăn
– Trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm
– Người có bệnh lý nền khi mắc cúm A cơ thể mệt mỏi, không ăn uống được, đau nhức người
– Người bệnh xuất hiện cảm giác khó thở
– Đau tức ngực và có dấu hiệu mất nước
– Trẻ dưới 2 tuổi và người già trên độ tuổi 65
Với những đối tượng trên, khi mắc cúm A người bệnh cần được tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám điều trị kịp thời. Tránh để lâu bệnh dễ biến chứng nặng nề gây ra: viêm não, giảm tiểu cầu xuất huyết, viêm tai giữa…
Dù là điều trị tại nhà hay bệnh viện, người mắc cúm A cũng cần hết sức lưu trong việc dùng thuốc theo hướng dẫn, bổ sung chế độ ăn đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế tới nơi đông người.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Bé bị viêm phế quản thở khò khè có nguy hiểm không?
Khi mắc cúm A trẻ cần được đưa tới viện khi con sốt cao, bỏ ăn, người mệt mỏi
3. Tham khảo cách điều trị cúm A tại nhà
Theo các bác sĩ, khi mắc cúm A và chọn cách điều trị tại nhà, bệnh nhân nên lưu ý tới một số vấn đề sau để tình trạng bệnh sớm được cải thiện.
3.1 Dùng thuốc trị cúm A
Dùng thuốc gần như là cách nhanh và hiệu quả nhất để chữa cúm A. Người bệnh có thể tham khảo dùng thuốc kháng virus như: Zanamivir (Relenza) và oseltamivir (Tamiflu). Hai loại thuốc trên có tác dụng làm giảm khả năng lây lan virus cúm đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên trước khi dùng 2 loại thuốc này người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trong trường hợp cúm A chỉ mới gây sốt, người bệnh có thể dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau. Thuốc này chỉ dùng khi sốt trên 38.5 độ C và đây cũng là loại thuốc không kê đơn nên cần chú ý liều lượng, khoảng cách uống để đảm bảo an toàn.
3.2 Chú ý uống nhiều nước
Uống đủ nước là điều mà nhiều người thường hay bỏ qua trong quá trình bị ốm. Tuy nhiên trong thời điểm này việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là điều cực kỳ quan trọng để tránh tình trạng mất nước gây nguy hiểm tới tính mạng.
Do đó, người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày từ 2- 3 lít. Nước có thể là nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải.
Khi cơ thể đủ nước sẽ làm lỏng chất nhầy đường hô hấp đồng thời bù được lượng nước cơ thể mất khi sốt hoặc nôn.
>>>>>Xem thêm: Sốt viêm họng ở trẻ em khi nào cần đến viện?
Dinh dưỡng cho người cúm A cần ưu tiên món ăn dễ tiêu hóa
3.3 Đa dạng nguồn dinh dưỡng
Không chỉ riêng cúm A mà khi mắc bất cứ bệnh gì người bệnh đều được khuyên cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng trong ngày. Bởi một chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp người ốm tăng sức đề kháng, mau khỏi bệnh và giảm những triệu chứng bệnh cúm A.
Theo đó, ngoài 3 bữa chính người bệnh nên ăn thêm các bữa phụ với hoa quả, trái cây, cháo, súp. Thực phẩm trong ngày cần có đầy đủ rau xanh, hoa quả tươi, thịt cá, sữa…
Về cơ bản cách trị cúm A tại nhà khá đơn giản. Điều quan trọng là người bệnh cần theo dõi sức khỏe mình thường xuyên trong thời gian bị ốm nếu thấy có những chuyển biến xấu cần tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.