Cúm A được xác định là bệnh lý đường hô hấp khá nguy hiểm với trẻ nhỏ, do khi mắc bệnh dễ gây ra những biến chứng về viêm phổi, viêm phế quản… Hiện nay cách chữa cúm A hiệu quả nhất cho trẻ là gì và nên được thực hiện như thế nào?
Bạn đang đọc: Tham khảo ngay cách chữa cúm A hiệu quả cho trẻ nhỏ
1. Trẻ mắc cúm A nhẹ có những triệu chứng gì?
Cúm A là bệnh lý đường hô hấp, lây qua không khí khi trẻ nói chuyện, ho, hắt hơi… Cũng như nhiều bệnh cúm mùa khác, khi trẻ nhiễm cúm A con thường có biểu hiện như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng… Do đó, với những bậc cha mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con thì rất dễ nhầm cúm A với việc trẻ bị cảm cúm thông thường.
Để nhận biết bệnh được chính xác hơn, cha mẹ có thể dựa vào những triệu chứng chi tiết như: trẻ thường sốt cao từ 39 tới 40 độ C, họng con bị đỏ và đau, trẻ mệt mỏi, quấy khóc.
Mặc dù lúc này con đã mắc cúm A nhưng thời điểm này bệnh còn ở giai đoạn khá nhẹ nên hoàn toàn có thể điều trị tại nhà.
Cha mẹ có thể điều trị trẻ tại nhà khi con có những dấu hiệu bệnh nhẹ
2. Tham khảo cách chữa cúm A hiệu quả cho trẻ
Cúm A ở trẻ là bệnh lý nguy hiểm và dễ gây ra biến chứng. Vì thế khi con có những dấu hiệu khởi phát của bệnh, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để được thăm khám và dùng thuốc phù hợp để điều trị. Hiện nay một số loại thuốc được khuyến cáo nên dùng cho trẻ như:
– Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm khả năng lây lan của virus cúm, làm chậm quá trình truyền nhiễm, chống lại nhiễm trùng. Vì thế khi sử dụng thuốc con sẽ giảm bớt các triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng như viêm phổi. Thời gian và liều lượng dùng thuốc mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ kê đơn.
– Acetaminophen hoặc ibuprofen: Hai loại thuốc này có tác dụng cao trong việc hạ sốt và giảm đau nhức cơ thể. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu khởi phát của bệnh mẹ nên cho con dùng thuốc càng sớm càng tốt.
– Thuốc ho: Ngoài sốt thì trẻ mắc cúm A cũng thường bị ho. Lúc này bác sĩ có thể kê cho con một vài loại thuốc hoặc siro trị ho cho bé uống.
Lưu ý rằng, những loại thuốc điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo nên có thể đúng và không đúng với một vài trường hợp. Điều quan trọng là khi con ốm, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện để thăm khám đồng thời dùng thuốc điều trị theo tư vấn của bác sĩ. Nghiêm cấm tự ý sử dụng thuốc, bởi điều này luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ nhỏ.
Tìm hiểu thêm: Viêm da cơ địa ở trẻ em và cách phòng ngừa
Khi trẻ bị ốm cha mẹ nên cho con cách ly phòng riêng
3. Những cách chăm sóc trẻ khi mắc cúm A tại nhà
Khi được điều trị tốt, trẻ mắc cúm A ở thể nhẹ có thể hết các triệu chứng sau khoảng từ 7-10 ngày. Theo đó, để bệnh nhanh chóng thuyên giảm ở trẻ, cha mẹ nên thực hiện việc điều trị cúm A theo khuyến cáo của bác sĩ đưa ra như sau:
3.1 Cách ly con trong thời gian bị bệnh
Khi con có dấu hiệu cúm A hoặc đã có kết quả xét nghiệm khẳng định virus cúm A, lúc này cần ngay lập tức cho con cách ly ở phòng riêng để hạn chế lây lan tới những người xung quanh. Phòng cách ly trẻ nên đảm bảo đủ thoáng, không bí, không ẩm ướt để con cảm thấy thoải mái, dễ chịu phần nào.
3.2 Chú ý tới ngủ nghỉ và chế độ dinh dưỡng
Khi mắc cúm A cơ thể con rất mệt mỏi, hay quấy nên nếu được lúc này cha mẹ nên tạm gác lại công việc và dành thời gian cho con nhiều hơn.
Về chế độ nghỉ ngơi nên cho trẻ ngủ đủ từ 8 tới 10 tiếng mỗi ngày. Trong chế độ ăn nên cho con ăn những thực phẩm lỏng, dễ tiêu như: cháo, súp, canh. Một vài trẻ có thể gặp tình trạng đau họng khiến con khó khăn trong việc ăn uống. Nếu lúc này trẻ không ăn cha mẹ không nên ép, thay vào đó nên chia nhỏ khẩu phần ăn, cho con ăn từng chút một với số bữa từ 4-5 bữa/ ngày.
Ngoài ăn trẻ cũng cần được uống nhiều nước, ăn hoa quả tươi giúp phòng tránh tình trạng mất nước ở con.
Đây được coi là cách đơn giản nhưng hiệu quả để cơ thể con mau chóng khỏe lại, tăng khả năng đề kháng chống lại virus.
3.3 Giữ thân thể con sạch sẽ
Trong thời gian trẻ bị cúm A con vẫn hoàn toàn có thể tắm được, do đó thông tin không tắm cho trẻ khi con bị ốm là thiếu căn cứ. Điều cha mẹ cần chú ý khi tắm cho trẻ trong thời gian này chính là: tắm cho con trong phòng kín gió, tắm bằng nước ấm và thời gian tắm nhanh. Không nên để trẻ ngâm mình hoặc nghịch lâu trong nước. Khi tắm xong cần lau khô người, sấy tóc và mặc luôn quần áo cho bé.
Ngoài tắm, con cũng cần được thường xuyên vệ sinh tai, mũi họng bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ vi khuẩn và thông thoáng đường thở.
>>>>>Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh cần được đưa tới bệnh viện khi dấu hiệu bệnh trở năng
4. Trường hợp nào cần cho trẻ mắc cúm A nhập viện?
Việc điều trị tại nhà bằng thuốc chỉ được áp dụng khi trẻ mắc cúm A nhẹ, ít triệu chứng, sức khỏe của con vẫn ổn, có nghĩa là trẻ vẫn vui chơi, ăn uống được. Bên cạnh đó con cũng chỉ nên điều trị tại nhà khi gia đình bố trí được người ở bên trẻ thường xuyên, bởi bệnh lý này thường có tiến triển rất nhanh, dễ biến chứng. Và thực tế đã có rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Trong một vài trường hợp trẻ mắc bệnh cần được đưa tới viện ngay khi có những dấu hiệu sau:
– Con thường xuyên quấy khóc, không chịu ăn
– Sốt cao không hạ, cơn sốt kéo dài
– Trẻ nằm li bì, khi ngủ khó đánh thức
– Con bị nôn khi ăn
– Con đã được dùng thuốc nhưng tình trạng bệnh không có xu hướng cải thiện
Lúc này con cần được đưa tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, hen phế quản và nguy hiểm nhất là tử vong.
Có thể thấy cách chữa cúm A khá đơn giản như những bệnh lý đường hô hấp khác. Điều quan trọng là cha mẹ cần học cách nhận biết dấu hiệu bệnh, cách điều trị khoa học và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Một lưu ý nhỏ là cha mẹ hoặc người thân không nên chữa bệnh cho trẻ bằng các mẹo hay bài thuốc dân gian, trừ khi được sự đồng ý của bác sĩ có chuyên môn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.