Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

Trẻ mắc cúm A không chỉ mệt mỏi, khó chịu mà còn có nguy cơ gặp biến chứng cao nên cần được điều trị kịp thời và chăm sóc với một chế độ khoa học đặc biệt. Bài viết sẽ giúp cha mẹ có thể chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách tại nhà, mau chóng đẩy lùi bệnh tật.

Bạn đang đọc: Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

1. Bệnh cúm A ở trẻ

Cúm A là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi một trong số các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây ra. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể điều trị dễ dàng khi được cha mẹ phát hiện bệnh kịp thời.

Khi mắc cúm A, phần lớn trẻ thường gặp phải các tình trạng:

– Ho

– Sốt cao

– Người mệt mỏi

– Đau họng

– Đau đầu

– Đau cơ

– Nôn mửa

– Chán ăn

– Hắt hơi

– Sổ mũi…

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

Cúm A là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng ho, sốt cao, sổ mũi, hắt xì….

Tuy cúm A là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm phế quản…

Theo ghi nhận tại nhiều bệnh viện lớn trong nước, hiện tại có tới hàng nghìn bệnh nhi mắc cúm A, gia tăng nhiều so với các năm trước. Trong đó, có rất nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, co giật. Thậm chí, có những trẻ có biểu hiện viêm não do biến chứng mà cúm A gây ra.

2. Dấu hiệu cần tới bệnh viện

Cúm A có nhiều triệu chứng tương tự như các bệnh cúm thông thường khác và có thể xử trí đúng cách tại nhà. Tuy nhiên khi thấy con trẻ có các biểu hiện bất thường dưới đây, các bậc phụ huynh cần đưa con tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, xử trí đúng cách:

– Khó thở, tức ngực

– Bỏ ăn

– Người mệt mỏi, li bì

– Nôn trớ nhiều

– Da tái nhợt

– Sốt cao không hạ…

Các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho trẻ dựa trên mức độ của bệnh. Một số trẻ chỉ cần sử dụng thuốc và nghỉ ngơi tại nhà. Một số trẻ nặng cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện với phác đồ can thiệp chuyên sâu hơn.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

Cho trẻ thăm khám để điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng xảy ra

3. Chăm sóc trẻ bị cúm A

Khi trẻ bị cúm A, cha mẹ cần lưu ý tới những vấn đề sau trong việc chăm sóc để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được kê để điều trị triệu chứng của trẻ khi bị cúm A. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà cần đưa trẻ thăm khám với bác sĩ để được bác sĩ kê đơn, chỉ định điều trị phù hợp. Nên cho trẻ uống thuốc đúng loại, đúng giờ, đúng liều lượng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng liều lượng để trẻ nhanh khỏi bởi điều này là phản khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tìm hiểu thêm: Bệnh tay chân miệng trẻ em: Cách nhận biết và phòng ngừa

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

Sử dụng thuốc điều trị cúm A cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ

Cách ly trẻ

Cúm A rất dễ lây lan từ người sang người nên cần được cách ly trẻ bệnh để không lây lan sang trẻ khỏe mạnh. Do đó khi con có các dấu hiệu cúm A hoặc xét nghiệm xác định mắc cúm A, cha mẹ cần cách ly bé với các thành viên khác trong nhà, không để trẻ khỏe mạnh dùng chung đồ vật với trẻ đã nhiễm bệnh. Đồng thời, không cho bé tới những nơi đông người như trường học, công viên… để tránh lây nhiễm virus.

Đeo khẩu trang

Cúm A lây truyền nhanh qua đường hô hấp nên cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang khi bắt buộc phải tới những nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với các thành viên khác trong nhà để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. Cha mẹ có thể cho bé đeo khẩu trang y tế cỡ nhỏ, phù hợp với khuôn mặt để tránh virus có thể lây qua không khí khi bé hắt hơi, ho hoặc nói chuyện…

Rửa sạch tay

Khi mắc cúm A, sức đề kháng của trẻ đang phải chống chọi với một chủng virus nguy hiểm nên cần vệ sinh tay chân thường xuyên để tránh các tác nhân có hại khác tấn công, khiến trẻ mắc nhiều bệnh lý hơn. Sau khi trẻ ho, hắt hơi, cha mẹ cũng cần hướng dẫn bé vệ sinh chân tay sạch sẽ bằng dung dịch có tính sát khuẩn. Nếu trẻ tới những nơi đông người, trẻ vệ sinh tay thường xuyên cũng giúp làm giảm nguy cơ lây bệnh cho các trẻ khác.

Vệ sinh cá nhân

Hằng ngày, trẻ cần được tắm rửa thường xuyên để có một cơ thể sạch sẽ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhỏ mắt, mũi và hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ có thể sử dụng khăn giấy mềm lau sạch và vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Tuyệt đối không được vứt khăn giấy, chất thải của bé mắc cúm A một cách tùy tiện mà nên bọc kín trong túi nilon để ngăn ngừa virus cúm lây truyền trong không khí.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ để bé có thể nhanh chóng đào thải virus ra ngoài và khỏi bệnh. Về cơ bản, cha mẹ cần đảm bảo một chế độ cân bằng và đầy đủ các chất cần thiết để bé có sức khỏe. Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày nếu trẻ mệt hoặc chán ăn. Có thể chế biến thành dạng lỏng, mềm, dễ nuốt như súp, cháo…

Ngoài ra, cha mẹ cũng hãy cho bé uống đủ nước, uống thêm nước trái cây khi cần thiết để cung cấp đủ vitamin cho cơ thể.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách

>>>>>Xem thêm: Cách phát hiện chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Chăm sóc trẻ bị cúm A với một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất thiết yếu

Chế độ nghỉ ngơi

Khi bị cúm A, các bé thường sẽ bị đau mỏi cơ, đau đầu, sốt cao… Tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày cho tới khi cơ thể có thể đào thải virus gây bệnh ra ngoài. Do vậy, các bé cần được nghỉ ngơi nhiều để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ hồi phục nhanh trong quá trình điều trị. Ba mẹ cần để trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng, yên tĩnh, tránh gió lùa trực tiếp.

Theo dõi bất thường

Trong quá trình chăm sóc bé tại nhà, nếu phát hiện một số dấu hiệu bất thường của trẻ như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, người mệt mỏi li bì, mất nhận thức, tiêu chảy kéo dài, hôn mê, co giật… thì cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được can thiệp chuyên sâu.

Như vậy có thể thấy, việc chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách có vai trò vô cùng quan trọng để trẻ nhanh hồi phục trong quá trình điều trị. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lắng nghe và tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị cúm A cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *