Viêm phổi là bệnh lý thường gặp, đặc biệt cao điểm của bệnh là mùa đông, khi nhiệt độ trở lạnh đột ngột. Đáng chú ý, viêm phổi ở trẻ em nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, phụ huynh nên chủ động trang bị các kiến thức cần thiết về bệnh để có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu cũng như có hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Bạn đang đọc: Viêm phổi ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
1. Vài nét khái quát về bệnh viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở bên trong phổi do các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi ở trong phổi tạo ra những ổ nhiễm trùng. Trong đó, nhóm vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, nấm Candida albicans hoặc một số loại virus khác.
Ở trẻ em, viêm phổi có thể xuất hiện khi trẻ đang bị ho hoặc cảm cúm. Lúc này, dịch nhầy tiết ra từ trong phổi sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho vi trùng, chỉ trong khoảng một thời gian ngắn, vi khuẩn và virus nhanh chóng phát triển tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm. Để dễ nhận biết, viêm phổi ở trẻ thường được chia làm 2 loại:
– Viêm phổi thùy: Là tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi bao gồm: Viêm ống phế nang, túi phế nang hoặc viêm phế quản tận cùng. Bệnh thường xảy ra chủ yếu đối với trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị suy dinh dưỡng hay trẻ có những tiền sử bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Mùa cao điểm của viêm phổi thùy đó là vào mùa đông xuân, đây cũng chính là thời điểm bùng phát của các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.
– Viêm phổi phế quản, hay còn gọi là viêm phế quản phối: Là tình trạng viêm, nhiễm trùng cấp ở phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ. Bệnh có xu hướng tiến triển vô cùng nhanh, đồng thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời còn dẫn tới nguy cơ tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Viêm phổi ở trẻ thường xuất hiện khi trẻ bị ho hoặc cảm cúm
2. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ bố mẹ không nên bỏ qua
2.1. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh
– Sốt, có thể sốt cao lên tới trên 39 độ
– Mệt mỏi, ngủ li bì cả ngày
– Khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp, cố gắng lấy nhiều oxy để thở
– Ho, thường là ho khan vào thời gian đầu, ở thời gian sau thường ho có đờm, đờm màu trắng rồi chuyển sang xanh hoặc ngả vàng
– Môi khô, da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không có đủ oxy
– Tức ngực, đau bụng, nôn trớ và bị tiêu chảy
– Bỏ bú, bú ít
2.2. Các triệu chứng ở trẻ lớn hơn
– Thở nhanh hơn mức bình thường, đôi khi thở rít hoặc thở khò khè
– Sốt, có thể sốt vừa và sốt cao
– Đau ngực trong lúc ho và cả giữa những cơn ho
– Môi khô, đầu móng tay chuyển màu xanh hoặc xám
– Thở rít, mặc dù đây có thể là biểu hiện của nhiễm virus tuy nhiên thở rít cũng có thể là biểu hiện của viêm phổi
– Mệt mỏi, không muốn vận động
Tìm hiểu thêm: Hỗ trợ điều trị hen suyễn ở trẻ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Trẻ bị viêm phổi thường xuất hiện triệu chứng sốt, có thể sốt vừa hoặc sốt cao lên tới 39 độ C
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh có thể là triệu chứng sớm nhất khi trẻ mắc viêm phổi, thậm chí còn sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cả khi chụp X-quang.
Vậy như thế nào là thở nhanh? Bố mẹ có thể đánh giá bằng cách đếm nhịp thở của trẻ/phút, cụ thể như sau:
– Đối với trẻ dưới 2 tháng: Khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh
– Đối với trẻ từ 2 đến 12 tháng: Khi nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh
– Đối với trẻ từ 1 đến 5 tuổi: Khi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh
3. Phương pháp điều trị viêm phổi ở trẻ thế nào?
Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên, tốt hơn hết phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị bằng kháng sinh kịp thời. Bố mẹ lưu ý tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh tại nhà nếu chưa có sự cho phép của các bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý không sử dụng thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định bởi ho là phản xạ tốt để tống chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở.
Về phương pháp điều trị, tùy thuộc vào giai đoạn và nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau:
– Viêm phổi do vi khuẩn có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
– Viêm phổi do virus, bên cạnh việc sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị, trẻ cần nghỉ ngơi và bổ sung nhiều nước
– Viêm phổi do nấm có thể sử dụng thuốc chống nấm để điều trị
4. Chăm sóc trẻ bị viêm phổi
Một số cách chăm sóc hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng để trẻ nhanh khỏi bệnh như sau:
4.1. Hạ sốt nhanh cho trẻ
– Chườm ấm có tác dụng làm ấm cơ thể, giúp trẻ nhanh hạ sốt
– Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ
4.2. Vỗ lưng cho trẻ sẽ giúp bài tiết đờm
Phương pháp vỗ lưng có tác dụng lưu thông tuần hoàn máu ở phổi, từ đó đờm trong phế quản của trẻ dễ dàng long ra ngoài dễ dàng. Nên vỗ lưng vào thời điểm trước bữa ăn hoặc sớm nhất là sau bữa ăn 1 giờ để tránh làm trẻ nôn. Vỗ theo chiều từ trái sang phải, khoảng từ 3 đến 5 phút mỗi khu vực, chú ý không vỗ vào các vị trí như vùng dạ dày, xương ức hay xương sống của trẻ.
4.3. Vệ sinh mũi miệng
Có thể sử dụng khăn giấy mềm để lau sạch nước mũi, nước dãi cho trẻ. Nếu dùng khăn xô thì cần chú ý vệ sinh khăn, bởi việc sử dụng khăn bẩn không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn bám trên khăn xâm nhập vào cơ thể bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chú ý vệ sinh nhà cửa, đồ chơi hay các đồ dùng cá nhân.
5. Biện pháp phòng ngừa viêm phổi ở trẻ hiệu quả
Để phòng ngừa viêm phổi từ sớm, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
– Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ vắc xin như: Bạch hầu – ho gà – uốn ván, Hemophilus influenzae typ B (Hib), phế cầu, cúm…để ngăn chặn nguy cơ mắc viêm phổi
– Vệ sinh sạch sẽ nhà ở, tuyệt đối không hút thuốc, đun nấu ở trong phòng có trẻ nhỏ
– Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh nguy cơ lây lan
– Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về đường hô hấp nói chung như: Ho, sốt, chảy nước mũi… hoặc rối loạn tiêu hóa
– Nên cho trẻ bú sữa mẹ từ ngay sau khi sinh đến khi 2 tuổi để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển tốt hơn
Bài viết trên đây đã tổng hợp các thông tin cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ. Viêm phổi có thể nói là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chính vì vậy, nếu ở trẻ xuất hiện những triệu chứng của bệnh thì bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu bị thủy đậu, phân biệt với sốt virus phát ban
Tại Khoa Nhi-Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, các bé luôn được chăm sóc, nâng niu tận tâm, ân cần
Khoa Nhi- Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ tiếp nhận thăm khám và điều trị tất cả các bệnh lý về Nhi như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm amidan… Quy tụ đội ngũ bác sĩ Nhi khoa với hơn 30 năm kinh nghiệm đã điều trị thành công rất nhiều bệnh lý cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, Thu Cúc TCI luôn chú trọng đầu tư vào việc trang bị các thiết bị y tế để có thể phục vụ cho nhu cầu thăm khám đa dạng mọi lứa tuổi. Hơn nữa, với phương châm “Hạn chế kháng sinh” được các bác sĩ tại Thu Cúc TCI đề cao thực hiện, trẻ không chỉ được xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả mà còn đảm bảo an toàn nhất có thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.