Trẻ suy dinh dưỡng luôn là vấn đề khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng, bởi khi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết, quá trình phát triển và tăng trưởng ở trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bạn đang đọc: Trẻ suy dinh dưỡng cần được chăm sóc thế nào?
Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, trẻ cần được chăm sóc theo chế độ thế nào, cùng tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!
1. Vài nét khái quát về tình trạng trẻ suy dinh dưỡng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số lượng trẻ em bị thiếu dinh dưỡng ở các nước phát triển lên đến con số 500 triệu, trong đó, suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây nên 10 triệu ca tử vong mỗi năm.
Suy dinh dưỡng là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như: Khoáng chất, protein, chất béo, vitamin… gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể đồng thời làm suy giảm hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là với ở trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi – độ tuổi có nhu cầu dinh dưỡng cao nhất.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có biểu hiện chậm phát triển, ngoài ra các khả năng hoạt động thể lực cũng bị hạn chế. Nguy hiểm hơn, nếu kéo dài mà không được cải thiện, trẻ có thể phải đối mặt với những nguy cơ nặng nề như chậm phát triển trí thông minh, sức đề kháng yếu, khả năng giao tiếp kém đi hay mắc những bệnh lý nguy hiểm khác.
Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng ở trẻ thường được chia làm 3 thể:
– Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng độ tuổi, giới tính (dưới -2SD).
– Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Chiều cao thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng độ tuổi, giới tính (dưới -2SD).
– Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Cân nặng theo chiều cao thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng độ tuổi, giới tính.
Ở trẻ suy dinh dưỡng thường rất kén ăn, bên cạnh đó trẻ có biểu hiện thường xuyên quấy khóc, từ chối thức ăn, chậm tăng cân
2. “Điểm mặt” các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ đó là không được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết. Cụ thể, khi trẻ biếng ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng hoặc chế độ ăn quá nghèo nàn hoặc cách chế biến không phù hợp… dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng trong khẩu phần ăn uống hàng ngày.
Bên cạnh đó, thiếu dinh dưỡng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:
– Thiếu hụt Enzyme tiêu hóa
Enzyme đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa, giúp chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cơ thể dễ hấp thu. Do đó, khi thiếu hụt Enzyme tiêu hóa sẽ khiến cho trẻ kém hấp thu, trẻ sẽ không tăng cân ngay cả khi cố gắng ăn nhiều, thậm chí là suy dinh dưỡng.
– Trẻ bị mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa
Một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: Viêm ruột, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng hay hội chứng kích thích ruột… có thể khiến trẻ chán ăn, gây suy giảm khả năng hấp thu của trẻ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
– Trẻ uống sữa công thức thay thế cho sữa mẹ
Khi con sinh ra, mẹ bị mất sữa phải thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa công thức, hoặc mẹ cai sữa sớm khiến khả năng miễn dịch và sức đề kháng và hệ miễn dịch của con bị suy giảm. Ngoài ra, do không nhận được đầy đủ nguồn dinh dưỡng và các kháng thể từ nguồn sữa mẹ dẫn đến trẻ còi cọc, yếu ớt, chậm phát triển so với những đứa trẻ ở cùng độ tuổi.
– Thời điểm cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá chậm
Theo chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm phù hợp nhất để tập cho con ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Do đó, thói quen cho con ăn dặm sớm hoặc muộn hơn so với thời điểm trên có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của con. Bởi khi cho trẻ ăn sớm, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, con sẽ khó hấp thu thức ăn, thức ăn khó tiêu. Mặt khác, khi cho trẻ ăn dặm quá muộn cũng sẽ khiến trẻ tăng trưởng chậm do thiếu hụt năng lượng, thiếu máu hoặc thiếu sắt.
– Bố mẹ tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị cho con
Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên rất dễ gặp phải các vấn đề viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa. Khi trẻ mắc bệnh, có không ít bố mẹ tự dùng kháng sinh để điều trị cho con. Tuy nhiên trên thực tế, trong nhiều trường hợp hành động này là hoàn toàn phản tác dụng bởi kháng sinh có thể tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến tình trạng kém hấp thu, suy dinh dưỡng.
3. Một số dấu hiệu nhận biết bố mẹ cần lưu ý
Nhìn chung, đa phần trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng đều có triệu chứng nhận biết khá rõ ràng, cụ thể:
– Chậm tăng cân hoặc không tăng cân, đôi khi tình trạng này còn có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng
– Chậm tăng chiều cao hoặc không tăng được chiều cao liên tục trong từ 2 đến 3 tháng
– Chậm mọc răng hoặc chậm biết di
– Đôi khi có thể gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa, phân sống, phân lỏng
– Chậm chạp, ít vận động, trở nên kém linh hoạt thường xuyên quấy khóc
– Trẻ biếng ăn, ăn ít, niêm mạc mắt nhợt nhạt, khó chịu
– Ở trường hợp nghiêm trọng còn có thể phù hoặc teo đét, thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc dẫn đến loét giác mạc
Để xác định tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, ngoài việc quan sát bằng mắt thường, cha mẹ có thể dựa vào các chỉ số chiều cao và cân nặng tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phát triển của trẻ. Dưới đây là bảng chiều cao và cân nặng tiêu chuẩn theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO:
4. Biện pháp điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng không chỉ làm chậm phát triển thể chất mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ, trẻ bị suy dinh dưỡng có thể xuất hiện biểu hiện chậm chạp, giao tiếp kém, trí thông minh suy giảm. Chưa hết, lúc nay, sức đề kháng của trẻ cũng yếu đi dẫn đến hay mắc các bệnh lý do virus, vi khuẩn. Nguy hiểm hơn cả, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng kèm theo các bệnh lý nghiêm trọng khác sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn bình thường.
Đối với trường hợp ở tình trạng nhẹ mà không có biến chứng, lúc này bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của trẻ. Bên cạnh đó, trong quá trình thăm khám, trẻ cũng được tư vấn một số phương pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Ngược lại, trong trường hợp trẻ suy dinh dưỡng xuất hiện biến chứng nguy hiểm, hoặc kèm theo một số biểu hiện như: Hạ đường huyết, hạ thân nhiệt hoặc rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn… Lúc này điều trị nội trú là bắt buộc với những trường hợp trên.
Tùy vào diễn biến cụ thể, khi cấp cứu bác sĩ sẽ tiến hành các bước như: Điều trị hạ đường huyết, điều trị hạ thân nhiệt, điều trị mất nước, điều trị cân bằng điện giải, điều trị nhiễm khuẩn.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết dấu hiệu trẻ còi xương suy dinh dưỡng
Khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày là yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ phát triển tốt
5. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
Chế độ ăn uống hàng ngày là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ có thể cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Đối với trẻ suy dinh dưỡng thường rất kén ăn, do đó, bố mẹ nên xây dựng một chế độ phù hợp cho trẻ. Bố mẹ có thể chia nhiều bữa ăn trong ngày, mỗi bữa lượng thức ăn vừa đủ để trẻ ăn dễ hơn đồng thời được cung cấp năng lượng. Với trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ sẽ cần khoảng 4 bữa/ngày, với trẻ từ 3 đến 5 tuổi có thể ăn từ 5 đến 6 bữa/ngày. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên lưu ý đến cách chế biến bữa ăn phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ, đừng quên thay đổi các món ăn đa dạng để trẻ có cảm giác ngon miệng.
Bên cạnh khẩu phần ăn uống hàng ngày, bố mẹ nên lưu ý thực hiện một số chú ý về vệ sinh ăn uống cũng như vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Về vệ sinh ăn uống, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi, sau khi nấu xong thức ăn cần cho trẻ ăn ngay, không để thức ăn quá lâu dẫn đến ôi,thiu. Ngoài ra, chú ý vệ sinh môi trường xung quanh, không cho trẻ ăn ở những môi trường mất vệ sinh bởi đó có thể là nguồn lây cho nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ngoài ra, bố mẹ đừng quên vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên, xây dựng trẻ thói quen vệ sinh răng miệng đồng thời không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh răng miệng.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Sốt virus ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Khoa Dinh Dưỡng – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm
Hi vọng rằng với những thông tin mà bài viết trên đây chia sẻ, các bậc phụ huynh đã có được kiến thức hữu ích để chăm sóc và cải thiện vấn đề trẻ suy dinh dưỡng. Khoa Dinh Dưỡng- Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng với hơn 30 năm kinh nghiệm, trong đó có các bác sĩ đã từng công tác tại Viện dinh dưỡng quốc gia. Ngoài ra, Thu Cúc TCI cũng luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến bậc nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu thăm khám đạt kết quả cao nhất đồng thời có thể phục vụ nhu cầu thăm khám đa dạng ở mọi lứa tuổi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.