Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong nằm trong top đầu tại Việt Nam. Nhiều người lo lắng rằng khi tiếp xúc, trò chuyện, ăn uống sinh hoạt cùng bệnh nhân mắc ung thư phổi có lây không? Hãy cùng tìm hiểu sự thật bệnh ung thư phổi có lây không qua bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Sự thật về bệnh ung thư phổi có lây không
1. Thông tin tổng quát về bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào đột biến gen tăng trưởng bất thường trong mô phổi, phát triển và tăng mạnh mà không theo sự kiểm soát của cơ thể, và hình thành nên khối u ác tính. Khối u này có khả năng xâm lấn đến các vị trí khác, liên tục gia tăng kích thước và làm suy yếu chức năng phổi.
Ung thư phổi gồm hai thể là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó tổng số bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ là cao hơn và phổ biến hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Ngược lại tuy chỉ có khoảng 15% người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư tế bào nhỏ trong tổng số bệnh nhân mắc ung thư phổi, nhưng loại ung thư này được xếp vào loại rất nguy hiểm, tiến triển nhanh, gây nhiều khó khăn trong điều trị kiểm soát tế bào ung thư cho bác sĩ bởi đa số bệnh nhân phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn muộn.
Một số triệu chứng điển hình của bệnh lý ung thư phổi là: Cơn ho kéo dài, kho khan, ho có đờm, có máu, khàn tiếng, thở nặng nhọc, thở khó, đau tức ngực, sút cân nhanh chóng không có nguyên nhân, mệt mỏi, suy nhược cơ thể…
Ung thư phổi được hình thành do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chính chủ yếu hiện nay là do hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động
2. Khám phá sự thật: Bệnh ung thư phổi có lây nhiễm không?
2.1 Bệnh ung thư phổi có lây sang người khác không?
Câu hỏi bệnh ung thư phổi có lây không là thắc mắc của rất nhiều người bởi khi mắc ung thư phổi bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: Ho nhiều, ho dai dẳng, ho lẫn máu lẫn đờm… Những triệu chứng này khiến nhiều người nghĩ rằng bệnh có thể lây qua đường hô hấp khi hít thở, nói chuyện, chăm sóc hoặc quá trình sinh hoạt hằng ngày với bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên ung thư phổi là bệnh lý được hình thành khi có tế bào đột biến phát triển trong phổi không phải do vi khuẩn hay virus gây ra, vì vậy bệnh ung thư phổi không có khả năng lây nhiễm từ người đang mắc bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh nhân mắc ung thư phổi không có khả năng lây truyền bệnh ra môi trường xung quanh.
Mà nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi là do hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động – Đây là nguyên nhân gây ung thư phổi cao nhất. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), xác định có gần 90% tất cả các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư phổi đều do hút thuốc lá gây nên. Bên cạnh đó, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, hít khí độc hại trong thời gian dài (Silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken…) cũng là tác nhân dẫn đến mắc bệnh ung thư phổi.
Tìm hiểu thêm: Khám ung thư đại tràng và những điểu cần biết
Người bị mắc ung thư phổi không phải là nguồn lây nhiễm, không có khả năng truyền bệnh ra môi trường xung quanh.
2.2 Bệnh ung thư phổi không lây vậy có di truyền không?
Ung thư phổi không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác nhưng có thể di truyền giữa các thế hệ trong gia đình. Nhiều thống kê đã chỉ ra những người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi thì có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường bởi đột biến gen trong cơ thể gây ra ung thư phổi có thể di truyền qua các thế hệ.
Trong một số trường hợp, khả năng di truyền có thể sẽ không tiến triển thành ung thư nhưng ngay ở đời sau mà có thể đến đời sau nữa khi có thêm nhiều tác nhân vật lý khác ở mỗi người sẽ khiến các tế bào này phát triển đột biến và hình thành ung thư.
3. Cách phòng tránh, giảm nguy cơ mắc ung thư phổi
Như đã lý giải bệnh ung thư phổi có lây không khi tiếp xúc gần hoặc chung sống với người bệnh thì câu trả lời chắc chắn là không. Là một căn bệnh ác tính có tỷ lệ người mắc cao hiện nay do nhiều yếu tố như đã đề cập trước đó. Tuy nhiên lại không có cách nào để ngăn ngừa triệt để hoàn toàn căn bệnh này. Vậy nên khi đã nắm bắt được các yếu tố nguy cơ gây bệnh thì từ đó có thể trực tiếp làm giảm những nguy cơ đó bằng cách sau đây:
– Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá là điều cần thực hiện hàng đầu để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
– Hạn chế sử dụng chất kích thích, hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với các hóa chất độc hại gây ung thư.
– Trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết khi làm việc trong môi trường độc hại.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm bẩn, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn nhanh… để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh chống lại bệnh.
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, cố gắng duy trì thói quen này 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
– Đặc biệt, cần chủ động trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc ung thư bởi đây là cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư phổi đặc biệt là với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao. Tầm soát ung thư phổi sẽ giúp phát hiện sớm sự phát triển của khối u từ đó sẽ kiểm soát khối u ác tính dễ dàng hơn, bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của chính bản thân.
>>>>>Xem thêm: Nên đo độ mờ da gáy cho thai nhi vào tuần thứ mấy?
Tầm soát ung thư phổi là cách hiệu quả trong việc phòng tránh giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời giúp phát hiện sớm ung thư
Hy vọng các thông tin trên đã giải đáp được câu hỏi bệnh ung thư phổi có lây không khi tiếp xúc trong quá trình giao tiếp, sinh hoạt và chung sống với người bệnh. Hiểu đúng về vấn đề này sẽ giúp mọi người có cái nhìn đúng về ung thư phổi từ đó giúp người bệnh được chăm sóc, động viên tinh thần to lớn đến từ người thân, gia đình, bạn bè mà không có rào cản hay bất kỳ lo lắng nào.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.