Ung thư trực tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến và có mức độ nguy hiểm cao. Bệnh phát triển qua 4 giai đoạn chính, có thể điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc một số phương pháp khác. Để hiểu hơn về cách điều trị cụ thể cũng như giải pháp phòng ngừa bệnh lý ung thư này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
Bạn đang đọc: Điều trị ung thư trực tràng và cách phòng bệnh hiệu quả
1. Định nghĩa, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ gây bệnh
1.1. Khái niệm ung thư trực tràng
Bệnh lý ung thư này xảy ra khi có tình trạng các tế bào tăng sinh đột biến không kiểm soát ở trực tràng. Sau khi khởi phát ở trực tràng, các tế bào ung thư có thể phát triển, xâm lấn trực tràng và lan sang những cơ quan khác (còn gọi là di căn).
Đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới với số ca mắc và tử vong rất cao. Giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này giải thích vì sao bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc chủ động thăm khám sàng lọc ung thư đường tiêu hóa có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện sớm và tăng khả năng điều trị thành công bệnh lý này.
Ung thư trực tràng là bệnh lý phổ biến, nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao
1.2. Triệu chứng điển hình
Như đã nói ở trên, bệnh lý này thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Do đó, người bệnh cần hết sức lưu ý khi gặp những dấu hiệu sau đây và nên thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín:
– Rối loạn tiêu hóa kéo dài với các biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn và nôn, đầy bụng,…
– Các rối loạn về phân như: phân mỏng dẹt hơn bình thường (có thể do khối u ở trực tràng), phân sẫm màu kèm dịch nhầy hoặc có lẫn máu trong phân.
– Các rối loạn về đại tiện như thay đổi thói quen đại tiện bất thường, tiêu chảy, táo bón.
– Khu vực hậu môn có tình trạng chảy máu.
– Giảm cân nhanh bất thường không rõ lý do.
– Cơ thể mệt mỏi và suy nhược là triệu chứng rất thường gặp, có thể gây ra bởi tình trạng chảy máu trực tràng do khối u.
– Đau chướng bụng.
1.3. Các yếu tố nguy cơ của bệnh
Sau đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh mà bạn cần cảnh giác:
– Những người mắc các bệnh lý trực tràng và đường ruột như polyp trực tràng, viêm loét trực tràng kéo dài, bệnh Crohn, hội chứng đa polyp đại trực tràng di truyền,…
– Bản thân có tiền sử mắc ung thư đại – trực tràng hoặc có các thành viên trong gia đình từng mắc bệnh.
– Chế độ ăn uống thiếu khoa học như: ăn quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt trâu,…), đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói,…); thường xuyên sử dụng các thực phẩm muối chua, lên men;…
– Thừa cân, béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh cần chú ý.
– Lạm dụng rượu bia, thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác.
– Nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở những người từ 50 tuổi trở lên. Các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo sau độ tuổi 50, mỗi người cần thăm khám tiêu hóa và nội soi dạ dày – đại tràng định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe đường tiêu hóa.
Tìm hiểu thêm: “Bỏ túi” ngay danh sách chuẩn bị đồ đi đẻ mổ cực chuẩn chỉnh
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có trọng lượng khỏe mạnh
2. Ung thư trực tràng phát triển qua mấy giai đoạn?
Bệnh lý ung thư này phát triển qua 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn đầu được chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn gồm giai đoạn 0 và giai đoạn 1. Ở giai đoạn 0 (ung thư biểu mô tại chỗ), các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở niêm mạc hoặc các lớp lót bên trong trực tràng. Đến giai đoạn 1, ung thư phát triển xuyên qua lớp niêm mạc và thành trong trực tràng. Tuy nhiên khối u chưa vượt qua thành trực tràng, chưa lây lan sang các mô lân cận cũng như các hạch bạch huyết.
– Giai đoạn 2: Khối u đã xâm lấn sâu hơn hoặc xuyên qua thành trực tràng. Các tế bào ung thư có thể lây lan sang các mô lân cận nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết.
– Giai đoạn 3: Lúc này tế bào ung thư đã xuyên qua thành ruột và di căn tới các hạch bạch huyết gần đó. Tiên lượng sống của người bệnh trong giai đoạn 3 là khoảng 44% đến 83%.
– Giai đoạn cuối: Ung thư xâm lấn tất cả các lớp của thành ruột và lây lan sang các hạch bạch huyết vùng. Ngoài ra, khối u có thể di căn đến các cơ quan khác như gan hoặc phổi. Sau 5 năm kể từ khi bệnh phát triển đến giai đoạn cuối, tiên lượng sống của người bệnh giảm còn rất thấp, chỉ khoảng 8%.
3. Điều trị ung thư trực tràng
3.1. Phẫu thuật
Phương pháp này giúp loại bỏ khối u khỏi trực tràng, các mô và một số hạch bạch huyết xung quanh. Phẫu thuật thường được áp dụng điều trị giai đoạn sớm của bệnh với hiệu quả cao.
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật mổ mở hoặc mổ nội soi. Hình thức phẫu thuật sẽ được cân nhắc dựa trên các yếu tố sau:
– Cấu trúc giải phẫu của đoạn trực tràng cần phẫu thuật;
– Tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh;
– Mức độ phức tạp của bệnh;
– Nhu cầu của từng người bệnh.
3.2. Hóa trị ung thư trực tràng
Hóa trị là phương pháp quan trọng trong điều trị các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa nói chung. Phương pháp này sử dụng thuốc nhằm ngăn chặn và tiêu diệt tế bào ung thư. Người bệnh có thể sử dụng thuốc qua đường tiêm hoặc được uống. Bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc cụ thể, liều lượng và cách sử dụng tùy theo tình trạng của từng trường hợp bệnh.
>>>>>Xem thêm: Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?
Hóa trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, thường có vai trò bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật
3.3. Xạ trị
Với phương pháp xạ trị, tia X có năng lượng cao sẽ được chiếu trực tiếp vào khối u ở trực tràng nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là phương pháp thường được sử dụng với mục đích hỗ trợ điều trị trước hoặc sau phẫu thuật. Đồng thời, xạ trị (chiếu ngoài hoặc áp sát) có thể được áp dụng với trường hợp không có chỉ định phẫu thuật.
3.4. Phương pháp điều trị khác
Bên cạnh các phương pháp chính đã nói ở trên, một số phương pháp khác có thể được cân nhắc lựa chọn như dùng thuốc, đốt, áp lạnh,… Phác đồ điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với tình trạng bệnh lý, giai đoạn bệnh và sức khỏe của người bệnh.
4. Phòng tránh ung thư trực tràng
– Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Bổ sung vitamin A, C và E; chế
độ ăn đủ chất, điều độ; hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ muối chua,…
– Tránh thừa cân – béo phì, kết hợp chế độ ăn khoa học với vận động thường xuyên để duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
– Không sử dụng các loại đồ uống có cồn cũng như các chất kích thích.
– Thăm khám trực tràng thường xuyên, chủ động tầm soát ung thư đại trực tràng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư và các bệnh lý khác.
Bài viết đã cung cấp các thông tin về ung thư trực tràng, trong đó có triệu chứng, các yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng tránh. Hãy tham khảo các biện pháp nêu trên để phòng ngừa hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.