Hóa chất điều trị ung thư nói chung có những mục đích là để kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn cản việc hình thành mạch máu đi tới nuôi khối u và ung thư lan sang các bộ phận khác, tấn công các gen để tế bào ung thư tự chết… Vậy hóa chất điều trị ung thư bàng quang nói riêng hoạt động như thế nào, người bệnh cần làm gì để đạt được hiệu quả điều trị bằng hóa chất hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về hóa chất điều trị ung thư bàng quang
1. Hóa trị liệu cho ung thư bàng quang
1.1 Hóa chất sử dụng điều trị ung thư bàng quang
Hóa trị liệu là một phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư bàng quang. Tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, tình trạng sức khỏe… bác sĩ sẽ chỉ định hình thức đưa hóa chất vào cơ thể và loại hóa chất phù hợp.
– Hóa chất được đưa vào theo đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, đây còn gọi là hóa trị toàn thân nghĩa là thuốc sẽ đi khắp cơ thể và ngăn chặn sự phát triển và xâm lấn của tế bào ác tính. Với hóa trị toàn thân người bệnh sẽ được điều trị theo liệu trình dài có thời gian nghỉ, cụ thể là khi thuốc đi vào cơ thể các tế bào khỏe mạnh cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, do đó sẽ cần thời gian nghỉ để tế bào lành tính phục hồi và vẫn đảm bảo tế bào ác tính không gia tặng.
– Hóa chất sẽ được đưa trực tiếp vào bàng quang theo đường niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Là phương pháp hóa trị liệu dưới dạng một lần duy nhất, có hiệu quả với người bệnh ở giai đoạn sớm. Hóa chất sẽ được đưa vào bàng quang, bệnh nhân cần nhịn tiểu trong 1-2 giờ hoặc nhiều hơn tùy vào chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh. Bệnh nhân có thể được yêu cầu thay đổi các tư thế nằm để đảm bảo hóa chất tiếp xúc với toàn bộ niêm mạc bàng quang. Khi hết thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ được hút hóa chất ra ngoài và có thể bắt đầu đi vệ sinh bình thường.
1.2 Những điều cần làm trước khi hóa trị cho bệnh nhân ung thư bàng quang
Trước khi xác định được phác đồ hóa chất, bệnh nhân sẽ được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm do bác sĩ yêu cầu để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình điều trị. Trước mỗi đợt điều trị bệnh nhân cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm, kiểm tra lại các chỉ số sức khỏe và trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe sau mỗi đợt sử dụng hóa chất. Bệnh nhân nên thông báo chi tiết với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe khác mình đang có, thành phần thuốc dị ứng nếu có…
Thông qua thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ chỉ định phương hướng điều trị cho bệnh nhân.
1.3 Một số tác dụng phụ của hóa chất trong điều trị ung thư bàng quang
Sau khi tiếp nhận sử dụng hóa chất tại chỗ trong bàng quang, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị đó là:
– Kích thích bàng quang: Đi tiểu nhiều lần, có nhu cầu tiểu khẩn cấp, cảm thấy đau khi đi tiểu.
– Màu sắc nước tiểu có thể lẫn một chút máu. Trong trường hợp nếu chảy máu nặng, có cục máu đông trong nước tiểu, bệnh nhân đau dữ dội và không thể đi tiểu cần liên hệ ngay với bác sĩ.
– Phát ban da và mẩn ngứa cũng là một tác dụng phụ sau khi sử dụng hóa chất điều trị ung thư bàng quang. Tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn sau sử dụng, khi tình trạng này tăng lên thì bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
– Nhiễm trùng làm người bệnh có tình trạng sốt cao, nước tiểu có mùi hôi…
Sau khi sử dụng hóa trị toàn thân, đưa hóa chất vào bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như:
– Buồn nôn, nôn, chán ăn, thay đổi vị giác, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy).
– Viêm niêm mạc miệng, lở loét miệng lưỡi gây ra tình trạng khó khăn trong việc ăn uống.
– Cơ thể dễ bị bầm tím, hoa mắt, chóng mặt, da xanh sao, cơ thể mệt mỏi, dễ gặp các tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus, nấm.
– Rụng tóc, rụng lông, da sạm, khô ngứa, các đầu chi châm chích, khó tập trung…
1.4 Hướng dẫn cách cải thiện ảnh hưởng của hóa trị trong điều trị ung thư bàng quang
Để cải thiện những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra sau khi sử dụng thuốc điều trị ung thư bàng quang người bệnh nên thực hiện những điều sau:
– Luôn luôn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, ăn thành nhiều bữa, cố gắng ăn thêm vào những lúc cảm thấy thèm ăn.
– Uống nhiều nước, nước ép hoa quả, nên chế biến thức ăn dạng mềm dễ tiêu hóa, dễ nuốt.
– Tránh hút thuốc, đồ uống có cồn, tránh ăn thức ăn quá nóng, quá cay, khô cứng hoặc có tính axit.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, nên sử dụng các loại bàn chải mềm, súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
– Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày như đi bộ để tăng sức đề kháng cho cơ thể, tinh thần thoải mái, kích thích sự thèm ăn…
Tìm hiểu thêm: Gói khám ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng
Nếu gặp tác dụng phụ là buồn nôn hoặc nôn bệnh nhân nên bổ sung nước để tránh tình trạng mất nước, cố gắng ăn nhiều hơn khi đang thèm ăn, và sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân cần lưu ý ghi lại chi tiết các tác dụng phụ mình gặp phải, thông báo cho bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cách cải thiện hoặc điều chỉnh lại hóa chất sử dụng. Người bệnh nên đảm bảo sức khỏe, tuân thủ kế hoạch điều trị ung thư bàng quang để tăng hiệu quả của hóa chất và thời điểm vàng để trị bệnh.
2. Tăng hiệu quả điều trị ung thư bàng quang với hóa trị ung thư
Tế bào ác tính có khả năng phát triển, và phân chia khó có thể kiểm soát, việc điều trị ung thư cũng là cả một quá trình dài và bền bỉ để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Và để tăng hiệu quả điều trị ung thư bàng quang, hóa trị liệu không chỉ sử dụng đơn lẻ mà trong quá trình điều trị bác sĩ có thể sẽ kết hợp hóa trị với các phương pháp điều trị khác dựa trên từng giai đoạn bệnh.
– Hóa trị có thể thực hiện sau phẫu thuật hoặc xạ trị ung thư bàng quang để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong bàng quang và vùng lân cận.
– Hóa trị có thể thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm mục đích kiểm soát, ngăn chặn sự phát triển và giảm kích thước khối u để từ đó quá trình phẫu thuật sau này sẽ diễn ra an toàn và thuận lợi hơn.
– Hóa trị kết hợp với liệu pháp miễn dịch sẽ làm tăng hiệu quả điều trị hơn.
>>>>>Xem thêm: Chảy máu bất thường giữa kỳ kinh do đâu?
Khoa Ung Bướu Singapore – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc xây dựng phác đồ đa mô thức tân tiến chuyên biệt cho bệnh nhân dung thư.
Sử dụng hóa chất điều trị ung thư bàng quang hay tiếp nhận điều trị bằng bất kỳ phương pháp điều trị y khoa nào đi nữa, người bệnh cũng nên tuân thủ phác đồ điều trị triệt để, thực hiện các lời khuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo cơ thể không suy nhược để có thể bám sát được phác đồ tăng cơ hội thoát bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.