Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính, bắt nguồn ở tuyến giáp trạng. Bệnh chiếm 1% trong số các bệnh ung thư và phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới. Dưới đây là những thông tin cơ bản về cách chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp mà nhiều độc giả đang quan tâm.
Bạn đang đọc: Chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp
Cách chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi các vấn đề sức khỏe cá nhân, các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng, trong gia đình có ai mắc ung thư tuyến giáp, thăm khám kỹ lưỡng hạch và kiểm tra xem có các khối u trên cơ thể hay không.
Các xét nghiệm bao gồm:
- Chọc hút tế bào vào khối u hoặc hạch
- Sinh thiết kim tại khối u tuyến giáp: kết quả chính xác đến 90%
- Siêu âm tuyến giáp để phân biệt u đặc hay u nang
Siêu âm tuyến giáp để phân biệt u đặc hay u nang
- Sinh thiết lạnh (sinh thiết tức thì) được tiến hành ngay trong lúc mổ có thể xác định khối u tuyến giáp được lấy ra lành tính hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách thức phẫu thuật thích hợp.
- Chụp X-quang thường, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để đánh giá vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn, chèn ép của khối u vào các bộ phận xung quanh như: khí quản, thực quản…
- Chụp xạ hình tuyến giáp: phần lớn ung thư tuyến giáp không bắt i ốt phóng xạ và biểu hiện bằng hình ảnh nhân lạnh.
- Chụp xạ hình toàn thân có thể phát hiện những ổ di căn xa, đặc biệt là ở xương.
- Xét nghiệm máu: định lượng calcitonin để phát hiện ung thư tuyến giáp thể tủy; định lượng thyroglobulin để phát hiện ung thư tuyến giáp biệt hóa.
Điều trị ung thư tuyến giáp thế nào?
Phẫu thuật có vai trò quyết định trong điều trị trong khi tia xạ (điều trị bằng i ốt 131) có tác dụng bổ trợ và hóa chất có tác dụng rất hạn chế.
Tùy theo từng loại giải phẫu bệnh của ung thư tuyến giáp mà có các phương pháp điều trị thích hợp:
- Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: điều trị bằng phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, cần điều trị bổ trợ bằng uống xạ i ốt 131. Nếu chỉ cần phẫu thuật cắt thùy thì không cần phải điều trị gì thêm.
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: thường điều trị bằng xạ ngoài, có thể phối hợp với hóa chất.
Tìm hiểu thêm: Độ mờ da gáy bao nhiêu là bình thường?
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp
Thông thường, sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ 3 tháng/lần trong năm đầu, 6 tháng/lần trong năm thứ 2 và từ năm thứ 3 trở đi thì mỗi năm 1 lần.
Với những bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, cần phải uống hooc môn tuyến giáp thay thế suốt đời theo đơn thuốc của bác sĩ.
Tiên lượng ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một trong số những loại ung thư có tiên lượng tốt nhất (ung thư biểm mô loại biệt hóa) vì tiến triển chậm. Tỉ lệ sống thêm sau 10 năm từ 80-90%. Thậm chí, khi đã có di căn hạch cổ hoặc di căn xa vẫn còn khả năng cứu chữa.
Tuy nhiên, đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỉ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%. Rất may là loại ung thư này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số loại ung thư tuyến giáp.
>>>>>Xem thêm: Gói tầm soát ung thư buồng trứng và những điều cần biết
Ung thư tuyến giáp là một trong số những loại ung thư có tiên lượng tốt
Theo các chuyên gia, khi có bệnh lý tuyến giáp bướu nhân người bệnh nên tái khám thường xuyên dù là u lành tính để được theo dõi sát tình trạng nhân. Nếu có bất cứ biến đổi nào về hình thái học của tuyến giáp trên kết quả siêu âm, chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ có những đánh giá chính xác hơn, kết hợp với các xét nghiệm khác để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Những người khỏe mạnh cũng nên tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ. Nếu xuất hiện khối u ở cổ thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát phát hiện sớm. Ngoài ra cần chú ý những biểu hiện như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.