Suy giảm trí nhớ (Alzheimer) là một dạng sa sút trí tuệ thường gặp. Bệnh chủ yếu hay gặp ở người cao tuổi. Các triệu chứng thường tiến triển âm thầm trong một thời gian dài, thời kỳ đầu thường không rõ rệt, dễ khiến nhiều người nhầm lẫn, bỏ qua. Hãy cùng tìm hiểu 10 dấu hiệu nhận biết bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer
1. Điểm danh 10 dấu hiệu suy giảm trí nhớ Alzheimer
1.1 Sụt giảm trí nhớ
Người bệnh quên đi sự việc mới xảy ra (những sự kiện diễn ra gần đây). Dấu hiệu này thường khởi phát từ từ, ban đầu người bệnh có thể quên ít. Nhưng sau đó bắt đầu quên nhiều hơn và không có khả năng nhớ lại sau đó. Đây cũng là dấu hiệu cơ sở để nghi ngờ và chẩn đoán bệnh.
Có một lưu ý là nhiều người hiện nay có đôi lúc quên tên, quên ngày hẹn thì điều này là bình thường, chưa thể khẳng định họ có triệu chứng alzheimer được. Cần theo dõi trong một thời gian dài, nếu điều này diễn ra thường xuyên và người bệnh không có khả năng nhớ lại, thì cần lưu ý đến dấu hiệu của Alzheimer và nên đi khám.
Suy giảm trí nhớ là dấu hiệu cơ sở để nghi ngờ và chẩn đoán bệnh alzheimer.
1.2 Gặp khó khăn khi thực hiện các công việc quen thuộc
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi hoạch định hay hoàn tất công việc thường ngày. Chẳng hạn như bạn hay quên các bước trong quá trình nấu một bữa cơm hoặc thực hiện một cuộc điện thoại hoặc một trò chơi. Nếu tình trạng này xảy ra nhiều lần, cần xem xét dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer.
Tuy nhiên, nếu có những lúc bạn chợt quên rằng tại sao mình lại đi vào căn phòng này mà không phải căn phòng khác. Chợt quên điều gì mà mình định nói. Thì đây vẫn được coi là bình thường, trừ khi điều này diễn ra thường xuyên thì bạn cũng cần phải lưu ý.
1.3 Người bị suy giảm trí nhớ Alzheimer gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ
Người bệnh thường quên (không nhớ) những từ đơn giản, thông dụng, dễ hiểu mà thay vào đó là sử dụng những từ ngữ không thông dụng. Điều này làm cho câu văn hay lời nói của họ thật khó hiểu. Có thể lấy ví dụ như: họ muốn tìm chiếc bàn chải đánh răng lẽ ra người bình thường sẽ hỏi chiếc bàn chải đánh răng của họ đang ở đâu. Nhưng người suy giảm trí nhớ alzheimer gặp khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ, họ có thể hỏi là “cái đồ dùng cho miệng của tôi ở đâu?” Điều này khiến câu nói trở nên khó hiểu, tối nghĩa.
1.4 Mất định hướng về thời gian và không gian
Không ít những trường hợp đăng trên báo, đài, tivi, mạng xã hội tìm người thân đi lạc (bỏ nhà ra đi), có lưu ý dưới là người bệnh cao tuổi, mắc chứng mất trí nhớ (alzheimer). Khó khăn của người mắc bệnh alzheimer là mất định hướng về thời gian và không gian. Người bệnh có thể đi lạc ngay trong khu vực quen thuộc đối với họ. Họ không biết rằng mình đang ở đâu, làm thế nào mà bản thân đã tới được đây và cũng không biết làm thế nào để về lại nhà.
Tìm hiểu thêm: Lạm dụng thuốc chữa mất ngủ mạn tính nguy hiểm thế nào?
Người bệnh alzheimer dễ bị mất định hướng về thời gian và không gian.
1.5 Hành động kỳ lạ, khả năng xét đoán kém
Bạn có thể bắt gặp một người alzheimer ăn mặc không phù hợp. Chẳng hạn như họ mặc nhiều lớp áo vào một ngày ấm áp hoặc mặc rất ít áo vào những ngày trời lạnh.
Khả năng xem xét vấn đề và dự đoán của những người bệnh này cũng thường bị suy giảm đáng kể. Chẳng hạn như họ có thể hiến một số tiền rất lớn qua một cú điện thoại hoặc một cá nhân, tổ chức không quen biết.
1.6 Khó khăn khi thực hiện các công việc trí óc phức tạp
Người bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn khi phải thực hiện các công việc trí óc phức tạp. Đặc biệt là các công việc liên quan đến việc sử dụng các con số. Họ có thể quên rằng các con số này dùng để làm gì và dùng bằng cách nào.
Ngoài ra, nhưng công việc đòi hỏi phải tư duy, ghi nhớ nhiều cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
1.7 Người bị suy giảm trí nhớ Alzheimer hay để lạc đồ hay dùng
Người mắc bệnh alzheimer thường xuyên để lạc đồ đạc ở những nơi bất thường, sau đó không nhớ và cứ đi tìm quanh quẩn.
Ví dụ như họ có thể để khiển tivi hoặc bàn là vào ngăn đá tủ lạnh, hoặc có thể để đồ trang sức trong lọ đựng đường, lọ gia vị,..
1.8 Thay đổi tính tình hoặc tâm tính
Một người bị bệnh Alzheimer thường xuất hiện những thay đổi về tính tình khác hẳn so với tính cách vốn có của người đó trước đây.
Chẳng hạn như trước đây người đó rất điềm tĩnh thì khi mắc bệnh alzheimer khiến tính cách của người bệnh có thể trở nên dễ nhạy cảm, dễ tức giận đột ngột mà không rõ lý do.
1.9 Cá tính cũng thay đổi
Nếu một người nào đó đột nhiên trở nên lẩm cẩm, đa nghi, sợ hãi, lệ thuộc vào một ai đó trong gia đình, thì nên coi chừng người đó có thể mắc chứng suy giảm trí nhớ alzheimer.
Nhưng điều này cần loại trừ những người lớn tuổi có sự thay đổi tính cách theo tuổi tác.
>>>>>Xem thêm: Coi chừng các biến chứng mất ngủ mạn tính
Người bệnh alzheimer có thể trở nên cáu gắt, khó tính, nói nhiều hoặc trầm cảm.
1.10 Thiếu ý chí
Người bệnh alzheimer dễ trở nên thụ động, cảm thấy ngán ngẩm việc làm hay các trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn như họ có thể ngồi hàng giờ trước tivi, ngủ nhiều hơn trước, chẳng muốn làm việc thường ngày.
2. Vì sao người bị suy giảm trí nhớ alzheimer nên điều trị sớm?
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn được bệnh alzheimer. Nhưng theo các chuyên gia, nếu một ai đó được phát hiện bị suy giảm trí nhớ alzheimer thì nên điều trị càng sớm càng tốt.
Việc điều trị giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng mà căn bệnh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, nếu người bệnh được quan tâm đúng đắn và có biện pháp điều trị kịp thời có thể góp phần kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Đối với người bệnh alzheimer, sự phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân hoặc cơ sở y tế là sớm hay muộn. Vì vậy, nếu được quan tâm điều trị sớm, sẽ góp phần vơi bớt gánh nặng cho gia đình, cơ sở y tế, cũng như cho chính bản thân người bệnh.
Hiện nay đã có một số loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh alzheimer. Bên cạnh đó cần kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện và sự quan tâm chăm sóc, thấu cảm từ phía gia đình và xã hội.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.