Rối loạn tiền đình và thiếu máu não có chung một số biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, ù tai… Do đó mà rất nhiều người nhầm lẫn hai bệnh lý này là một. Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu mối liên hệ giữa hai bệnh lý qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: So sánh rối loạn tiền đình và thiếu máu não
1. Tìm hiểu về rối loạn tiền đình
1.1. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là tình trạng mất thăng bằng của cơ thể do nguyên nhân xuất phát từ bất thường ở hệ thần kinh phía sau ốc tai hoặc do dây thần kinh số 8 bị thoái hóa hay chèn ép.
Ngoài việc mất thăng bằng, người bị rối loạn tiền đình có thể gặp một số triệu chứng như:
– Chóng mặt, kèm biểu hiện choáng váng, xây xẩm mặt mày.
– Mắt mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng …
– Rối loạn thính giác, phổ biến nhất là ù tai.
– Khó tập trung vào công việc do những cơn đau đầu tác động.
1.2. Các nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình
– Tình trạng viêm tai giữa do virus, vi khuẩn.
– Chấn thương ở đầu gây tổn thương cơ quan tiền tiểu não.
– Do yếu tố di truyền từ người thân.
– Ảnh hưởng từ môi trường sống (nhiều tiếng ồn, ít vận động).
– Nguyên nhân vì uống thuốc giảm đau trong thời gian dài.
– Nguyên nhân do bị áp lực, căng thẳng trong thời gian dài.
Rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não có một số triệu chứng tương đồng
2. Tìm hiểu về thiếu máu não
2.1. Biểu hiện của thiếu máu lên não như thế nào?
Thiếu máu não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não, dẫn tới giảm lượng oxy và dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của não bộ. Tình trạng này ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của một phần hoặc nhiều phần trên não.
Dấu hiệu thiếu máu lên não rất đa dạng, tùy vào tình trạng nặng – nhẹ của bệnh mà người bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng bao gồm: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, giảm thính lực, suy giảm trí nhớ.
2.2. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não là gì?
Thiếu máu lên não có thể xuất phát từ một số bệnh lý như:
– Xơ vữa động mạch
– Thoái hóa đốt sống cổ
– Huyết áp cao
– Béo phì
– Rối loạn mỡ máu
– Các bệnh lý về tim mạch
Một số nguyên nhân xuất phát từ những hoạt động hàng ngày không lành mạnh như:
– Nguyên nhân do lạm dụng chất kích thích, đồ uống có cồn
– Lười vận động, ngồi nhiều
– Nguyên nhân do chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều dầu mỡ
– Thói quen khi ngủ hay gối cao đầu
– Làm việc với máy tính, điện thoại mà không có khoảng nghỉ
– Nguyên nhân do lao động trí óc với cường độ cao
Đặc thù công việc phải ngồi nhiều, làm việc với máy tính liên tục khiến dân văn phòng dễ bị thiếu máu lên não
3. Rối loạn tiền đình và thiếu máu não giống nhau hay không?
3.1. Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não trên phương diện triệu chứng
Do có một số triệu chứng giống nhau nên nhiều người thường lầm tưởng hai bệnh này là một. Tuy nhiên, xét kỹ các triệu chứng của thiếu máu não và rối loạn tiền đình thì sẽ có sự khác nhau ở mức độ đau và vị trí cơn đau.
– Rối loạn tiền đình: cơn đau không tập trung ở một điểm, lan ra nhiều vùng. Biểu hiện nổi bật nhất là người bị rối loạn tiền đình thường hoa mắt, chóng mặt, khó giữ được thăng bằng nên dễ té ngã. Bệnh nhân cảm thấy mọi thứ quay cuồng kể cả khi đang nằm nghỉ. Người có tiền đình rối loạn thường bị ù tai rất rõ.
– Thiếu máu não: cơn đau đầu xuất hiện ở vùng chẩm, vùng gáy và đau dồn dập theo cơn. Người bệnh thiếu máu não cũng có cảm giác mất thăng bằng nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Ù tai do thiếu máu não thường chỉ là thoáng qua và chỉ ù nhẹ.
3.2. Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não trên phương diện nguyên nhân
Thiếu máu não có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh mạn tính gây ra như tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, các bệnh van tim, nhịp tim rối loạn và suy thận mạn.
Đối với rối loạn tiền đình, có 2 nhóm nguyên nhân lớn bao gồm: nguyên nhân ngoại biên và nguyên nhân trung ương thì thiếu máu não nằm trong nhóm nguyên nhân trung ương. Do đó, thiếu máu não là một trong những yếu tố tác động gây nên bệnh lý rối loạn tiền đình.
Thiếu máu não là căn bệnh nguy hiểm vì là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Tai biến mạch máu não vô cùng nguy hiểm vì khả năng sống sót chỉ khoảng 50%. Những người sống sót phải chịu nhiều di chứng nặng nề như liệt, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, rối loạn đại tiểu tiện, ….
Rối loạn tiền đình tuy không gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến các nguy cơ như: té ngã, các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, lâu dài gây suy nhược cơ thể.
Rối loạn tiền đình hay thiếu máu não kéo dài đều có thể gây ra tâm lý lo âu cho người bệnh
3.3. Lời khuyên từ chuyên gia dành cho bệnh nhân
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc 2 bệnh này, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Từ đó sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả và kịp thời. Chuyên gia thần kinh đưa ra một số lời khuyên dành cho người rối loạn tiền đình, thiếu máu não như sau:
– Không ngồi làm việc với máy tính, điện thoại quá lâu, nên đứng dậy đi lại ít nhất 60 phút/lần, cho não và mắt nghỉ ngơi.
– Tạo thói quen uống đủ nước.
– Không nên thay đổi tư thế như đứng lên ngồi xuống, quay cổ đột ngột.
– Không đọc sách báo, xem điện thoại khi di chuyển trên ô tô.
– Tránh những nơi có âm thanh lớn, ô nhiễm tiếng ồn.
– Thư giãn tinh thần, hạn chế để bị căng thẳng, áp lực.
– Tập thể dục đều đặn, lựa chọn môn phù hợp để máu lưu thông tốt hơn đồng thời giúp xóa tan áp lực.
– Xây dựng và theo đuổi chế độ ăn khoa học và lành mạnh bằng cách tăng cường ăn cá, rau xanh, trái cây – chọn thực phẩm giàu vitamin, omega-3 để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức khỏe não bộ và các cơ quan khác.
Từ sự so sánh trên có thể thấy rối loạn tiền đình và thiếu máu não chỉ có một số nét tương đồng ở triệu chứng song không phải là một bệnh. Do đó, khi có bất kì biểu hiện khác thường nào người bệnh nên đến ngay khoa Nội thần kinh của ở các bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tìm hiểu thêm: Cách dễ ngủ cho người mất ngủ vì suy giãn tĩnh mạch
Chia sẻ:
Từ khóa: bệnh rối loạn tiền đìnhrối loạn tiền đìnhthiếu máu não
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về hội chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh