Tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là bệnh lý nguy hiểm vì khả năng dẫn đến tử vong cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn bệnh khởi phát và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể được điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả, tỷ lệ hồi phục cao.
Bạn đang đọc: Hiểu đúng về điều trị tai biến mạch máu não
1. Thông tin tổng quan về tai biến mạch máu não
1.1. Thế nào là tai biến mạch máu não?
Tai biến mạch máu não hay còn có tên gọi khác là đột quỵ não, là tình trạng máu lên não đột ngột bị suy giảm nghiêm trọng hoặc chảy máu trong sọ não, làm các tế bào não bị chết. Từ đó gây ra tình trạng liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê và khả năng tử vong rất cao. Bệnh nhân tai biến sau điều trị có tỷ lệ phục hồi thấp, khả năng hồi phục chức năng cũng không cao. Do đó bệnh nhân tai biến trở thành gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở mức độ nhẹ đến nặng mà tất cả mọi người cần lưu ý là:
– Bệnh nhân đột ngột bị tê yếu ở mặt, tay chân, một nửa người. Một số trường hợp còn không thể cử động tay, chân và méo hẳn một bên khuôn mặt.
– Có dấu hiệu loạn ngôn ngữ, không thể nói tròn chữ, không thể biểu đạt suy nghĩ cá nhân.
– Lú lẫn, mất phương hướng, mất cảm giác và rối loạn thị giác.
– Bị choáng váng, mất thăng bằng, dễ té ngã và không tự điều khiển được tay chân, cơ thể.
– Đau đầu đột ngột, có lúc đau dữ dội, không thể chịu được.
Khi bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân được điều trị sẽ có khả năng hồi phục khả quan. Để càng lâu, khả năng điều trị và hồi phục sẽ giảm dần và tỷ lệ tử vong cao hơn. Do đó, khi xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất.
1.2. Nguyên nhân dẫn đến cơn tai biến
Các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là tình trạng thiếu máu cục bộ, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, xuất huyết não hoặc do tác động của bệnh lý, bệnh nền, tuổi tác, …
Nhóm đối tượng có nguy cơ bị tai biến cao là:
– Người già, người cao tuổi mắc bệnh tim mạch, huyết áp.
– Người béo phì, thừa cân
– Người nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích.
– Người ít vận động, không luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
– Người bị stress, lo âu, căng thẳng trong thời gian dài.
– Nhóm người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp mà không kiểm soát tốt.
Huyết áp tăng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh đột quỵ não nguy hiểm
2. Tìm hiểu về điều trị tai biến mạch máu não
2.1. Lưu ý các nguyên tắc điều trị tai biến mạch máu não
Điều trị tai biến phụ thuộc vào các yếu tố liên quan. Quan trọng nhất là nguyên nhân gây tai biến do tắc mạch hay do xuất huyết não.
2.1.1. Trường hợp thuyên tắc mạch máu não do huyết khối
Mục đích điều trị là tái lập lại sự lưu thông của mạch máu não. Khi đó tuần hoàn máu não đang bị tắc nghẽn, có thể tái lưu thông trở lại nhờ thuốc hoặc sự can thiệp của thủ thuật. Sau đó, người bệnh tiếp tục được theo dõi tại viện để tìm kiếm nguyên nhân hoặc các yếu tố tác động vào sự hình thành cục huyết khối trong mạch máu não. Nhờ đó bác sĩ sẽ giải quyết được nguyên nhân sâu xa và có phương án điều trị phù hợp tiếp theo.
Tìm hiểu thêm: Liệt dây 7 ngoại vi: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị
Điều trị đột quỵ não cần dựa trên nguyên nhân để có phác đồ phù hợp và hiệu quả
2.1.2. Trường hợp xuất huyết não do vỡ mạch máu não
Ở trường hợp này, điều cần thiết là đánh giá được mức độ chảy máu cũng như kiểm soát khẩn cấp những nguyên nhân làm cho mạch máu vỡ. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm có:
– Vỡ túi phình động mạch não
– Xuất huyết não do huyết áp tăng quá cao
– Tai biến mạch máu não do thuốc chống đông máu, thuốc tiêu sợi huyết
– Chấn thương sọ não
– Ảnh hưởng từ các bệnh lý mạch máu não khác
Phần lớn trường hợp xuất huyết não do cao huyết áp, nếu ổ xuất huyết nhỏ có thể điều trị nội khoa. Nếu tình trạng xuất huyết nặng hơn thì chỉ định phẫu thuật để lấy máu tụ. Các nguyên nhân khác như vỡ túi phình mạch máu não cần phải sử dụng đến các phương pháp chuyên sâu hơn. Bên cạnh việc can thiệp, người bệnh cũng cần kiểm soát tốt bệnh nền, duy trì huyết áp ở mức ổn định, cân bằng đường huyết, giữ cân nặng ở mức lý tưởng và kiểm soát chức năng gan thận.
2.2. Điều trị tai biến mạch máu não bằng thuốc đặc trị
Điều trị đột quỵ não bằng thuốc thường được áp dụng cho trường hợp người bệnh bị nhồi máu não.
Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sẽ được sử dụng cho trường hợp này. Loại thuốc này có công dụng hoạt hóa plasmin – một chất trong cơ thể có tác dụng tiêu hủy huyết khối. Loại thuốc này có công dụng tốt trong vòng 4,5 giờ sau khi mạch máu não bị tắc. Dùng càng sớm sẽ giúp cải thiện sự sống còn cho người bệnh đồng thời tăng khả năng hồi phục.
Cần lưu ý hàm lượng và kỹ thuật tiêm phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn. Nếu thực hiện sai sẽ gây ra các biến chứng nguy hại tới sức khỏe người bệnh.
2.3. Điều trị tai biến bằng phương pháp can thiệp nội mạch
Phương pháp can thiệp nội mạch ngày càng chứng minh được hiệu quả trong điều trị nhồi máu não. Đây cũng là phương pháp cải thiện tiên lượng hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ nói chung.
2.4. Điều trị tai biến bằng phẫu thuật
Trong trường hợp tai biến mạch máu não xảy ra do xuất huyết thì có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ.
3. Bệnh tai biến có thể chữa khỏi được không?
3.1. Khả năng điều trị và phục hồi của bệnh nhân tai biến
Hiện nay, bệnh tai biến mạch máu não chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể phục hồi phần lớn chức năng thần kinh khi bệnh nhân được phát hiện và can thiệp sớm. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân, người nhà cần biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ não và kịp thời đưa người bệnh đến cơ sở uy tín để cấp cứu. Lưu ý rằng, thời gian cứu sống bệnh nhân tai biến được tính bằng giây, bằng phút nên sự nhanh chóng, kịp thời vô cùng cần thiết.
>>>>>Xem thêm: Các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa tai biến
Thăm khám và điều trị kịp thời là chìa khóa vàng trong điều trị tai biến
3.2. Tầm soát nguy cơ tai biến mạch máu não là việc cần làm
Để tầm soát nguy cơ tai biến, hiện nay có một số phương pháp hiện đại như:
– Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện nhồi máu não và xuất huyết não. Bên cạnh đó chụp MRI sọ não còn phát hiện các tổn thương, u, viêm não, tình trạng teo não, dị dạng mạch não,…
– Điện tim thường (ECG): phát hiện các vấn đề bất thường ở tim, bệnh tim mạch, các rối loạn tim mạch, đánh giá khả năng xảy ra nhồi máu cơ tim.
– Xét nghiệm máu: mục đích phát hiện các bất thường trong máu, sự bất thường ở hồng cầu, thiếu máu, nhiễm trùng máu, rối loạn đông máu,… Đây là những yếu tố dẫn đến tai biến.
– Soi đáy mắt trực tiếp: nhằm kiểm tra tầm nhìn, đánh giá tình trạng tổn thương đáy mắt do bệnh tiểu đường hay huyết áp cao.
– Chụp X-quang: sẽ đánh giá tình trạng của lồng ngực, tim mạch.
Ngoài ra còn có thể áp dụng thêm các phương pháp khác như: siêu âm bụng, siêu âm tim, chụp CT,… Các phương pháp trên phát hiện sớm dấu hiệu bất thường ở vùng não, mạch máu, toàn bộ cơ thể. Từ đó có thể điều trị dự phòng từ sớm, hạn chế tối đa biến chứng cho bệnh nhân.
Tóm lại, có nhiều phương pháp để điều trị đột quỵ não. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Với những người có nguy cơ cao mắc tai biến, hoặc ngay khi có triệu chứng cảnh báo, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.