Đột quỵ não thuộc loại đa tàn tật vì ngoài giảm khả năng vận động, còn kèm theo nhiều rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, rối loạn tri giác, nhận thức, tâm lý,… Phục hồi chức năng sau đột quỵ não, đặc biệt là chức năng vận động là việc làm rất cần thiết sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm bớt gánh nặng cho gia đình bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Phục hồi chức năng sau đột quỵ não ở người bị liệt vận động
1. Tai biến mạch máu não và di chứng liệt vận động
1.1 Tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thường gặp, ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người trên toàn thế giới. Trong số những người bệnh tai biến mạch máu não, có tới 5 triệu người tử vong và 5 triệu người khác bị tàn tật vĩnh viễn mỗi năm, căn bệnh này trở thành gánh nặng bệnh tật cho toàn cầu.
Đặc biệt, tai biến mạch máu não đang có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nhiều đến những người trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình, đặt gánh nặng lên gia đình và xã hội.
Căn bệnh này thuộc loại đa tàn tật vì ngoài giảm khả năng vận động, người bệnh còn kèm theo nhiều rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, rối loạn tri giác, nhận thức, tâm lý và rối loạn chức năng tùy thuộc mức độ và loại khiếm khuyết tìm thấy trên người bệnh.
1.2 Di chứng liệt vận động ở bệnh nhân bị đột quỵ não
Trong số các loại di chứng hay gặp phải ở bệnh nhân sau khi trải qua cơn đột quỵ não, thì liệt chức năng vận động là di chứng thường gặp nhất (chiếm tới 90%).
Liệt vận động khiến người bệnh suy giảm hoặc mất khả năng độc lập, phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày, làm giảm khả năng tái hội nhập xã hội của người bệnh. Tuy nhiên, liệt vận động có thể cải thiện được nhờ tập phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ. Đã có rất nhiều bệnh nhân sau đột quỵ não được tập phục hồi chức năng vận động đã đi lại được, có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, cũng như khả năng tái hội nhập cộng đồng.
Đa số người bị đột quỵ não còn sống sót gặp phải di chứng liệt vận động, có người phải ngồi xe lăn, có người nằm liệt giường không đi lại được.
2. Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau đột quỵ não
2.1 Kết quả phục hồi chức năng sau đột quỵ ở bệnh nhân bị liệt vận động
Theo một nghiên cứu về đánh giá khả năng vận động ở 50 bệnh nhân sau khi trải qua cơn đột quỵ não cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân tự ngồi được chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 6,0%), khoảng 30% người bệnh không tự ngồi được; tự đứng được (18,0%), 54% người bệnh không tự đứng được; người bệnh tự đi được (16,0%) và không tự đi được chiếm tới 64%.
Nhưng nếu được phục hồi chức năng kịp thời và đúng cách, thì khả năng vận động của người bệnh tai biến mạch máu não được cải thiện rõ rệt. Cụ thể: sau phục hồi chức năng tỷ lệ người bệnh có khả năng tự ngồi dậy tăng lên đáng kể (khoảng 56%) so với trước khi phục hồi chức năng (là 6%). Khả năng người bệnh tự đứng dậy được cũng tăng lên (khoảng 44%) so với trước khi phục hồi chức năng (là 18%). Khả năng tự đi lại được sau phục hồi chức năng cũng tăng (khoảng 30%) so với trước khi phục hồi chức năng (16%).
Nhìn chung, chăm sóc phục hồi chức năng giúp người bệnh cải thiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Giảm tỷ lệ người bệnh phải phụ thuộc hoàn toàn từ 74% xuống còn khoảng 50%, tỷ lệ người bệnh có thể sinh hoạt độc lập tăng từ 20% lên 28%.
Tìm hiểu thêm: “Bí kíp” phòng bệnh đau dây thần kinh tọa thoát vị đĩa đệm
Sau đột quỵ người bệnh được tập phục hồi chức năng sớm thì hiệu quả phục hồi sẽ khả quan hơn.
2.2 Thời gian “vàng” tập phục hồi chức năng sau đột quỵ khi bị liệt vận động
Thời gian tập phục hồi chức năng sau đột quỵ ở người bị liệt vận động là càng sớm càng tốt, nên thực hiện trong khoảng 15 ngày kể từ khi người bệnh nhập viện. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân tai biến mạch máu não có thời gian từ khi điều trị tai biến mạch máu não đến phục hồi chức năng là 16 – 25 ngày và 26% có thời gian trên 25 ngày vì nhiều người bệnh phải mất một thời gian dài nằm điều trị tại các bệnh viện do bệnh nặng.
Nếu tập phục hồi chức năng vận động muộn sẽ khiến các cơ, khớp ở người bệnh kém linh hoạt và hiệu quả không được cao, người bệnh có thể phải đối mặt với biến chứng tàn phế suốt đời.
Kết quả nghiên cứu cũng cho biết hiệu quả sau 15 ngày chăm sóc phục hồi chức năng, các hoạt động ngồi, đứng, đi của người bệnh đều có sự cải thiện. Tập phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau đột quỵ cần sự kiên trì từ phía người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Nếu vội vàng đánh giá sau 3 ngày, 1 tuần thì không có sự thay đổi rõ rệt, nhưng sau khoảng 15 ngày tập phục hồi chức năng sẽ thấy sự cải thiện chức năng vận động đáng kể. Tuy nhiên, thời gian phục hồi chức năng trong 15 ngày còn khá ngắn nên kết quả phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau 1 tháng mới có sự thay đổi một cách rõ rệt.
>>>>>Xem thêm: Khắc phục mất ngủ cho phụ nữ trong xã hội hiện nay
Phục hồi chức năng sau đột quỵ ở người bị liệt vận động nên thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong khoảng 15 ngày đầu.
3. Một số phương pháp tập phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân
Cách lăn trở người:
Nếu người bệnh không thể tự xoay người được, bạn có thể hỗ trợ bằng cách: nâng tay và chân người bệnh bên không bị liệt lên, sau đó đưa nhẹ nhàng chân và tay người bệnh về phía bên liệt, rồi từ từ xoay thân người bệnh sang bên.
Làm tương tự đối với bên liệt, nhưng hãy giúp người bệnh gập gối và háng bên liệt, xoay đẩy hông, dùng tay bên không bị liệt của người bệnh kéo tay bên liệt về phía tay không bị liệt.
Ngồi dậy từ từ tư thế nằm ngửa và ngồi dậy từ từ tư thế nằm nghiêng
Tập hoạt động, sinh hoạt hàng ngày
Thay quần áo, mặc quần áo
Di chuyển từ giường sang ghế (xe lăn) và ngược lại
Đứng dậy
Tập giữ thăng bằng khi đứng
Đi trong thanh song song
Các động tác người như nâng hông lên khỏi mặt giường, tập cài 2 tay đưa lên phía đầu, tập gấp háng, tập duỗi gối, tập vệ sinh cá nhân (rửa mặt, đánh răng, súc miệng,…). Sau khi người bệnh thực hiện được các động tác cơ bản một cách thành thạo mới cho người bệnh tập các động tác nâng cao (cần sự khéo léo nhiều hơn).
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.