Viêm mũi cấp là bệnh lý nguy hiểm, khiến sức khoẻ tai mũi họng giảm sút và tiềm ẩn nhiều biến chứng. Tìm hiểu ngay các triệu chứng của bệnh để chủ động điều trị và phòng ngừa đúng cách.
Bạn đang đọc: Viêm mũi cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị
1. Bệnh viêm mũi cấp
1.1. Viêm mũi cấp là gì?
Viêm mũi là bệnh lý tai mũi họng thường gặp do viêm niêm mạc mũi. Khi bị viêm, niêm mạc mũi sẽ xung huyết, phù nề và hình thành các dịch mũi.
Viêm mũi xảy ra trong thời gian dưới 4 tuần và có các triệu chứng rõ rệt được gọi là viêm mũi cấp. Bệnh có tỷ lệ người mắc không ít, tập trung chủ yếu ở đối tượng là người có đề kháng kém, có tiền sử mắc bệnh mũi xoang… Bệnh khiến sức khỏe giảm sút, hô hấp bị cản trở và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
– Viêm kết mạc
– Áp xe tuyến lệ
– Viêm thị thần kinh
– Viêm tai giữa
– Viêm phế quản
– Viêm tắc tĩnh mạch xoang
– Viêm màng não…
Những biến chứng này đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do vậy, mọi người nên chủ động phát hiện sớm bệnh để đi khám và điều trị đúng cách, nhằm bảo vệ sức khoẻ mũi họng tốt hơn.
Viêm mũi cấp là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm niêm mạc mũi
1.2. Dấu hiệu mắc bệnh
Nhận biết viêm mũi cấp thông qua dấu hiệu cụ thể như sau:
– Nghẹt mũi, sổ mũi
– Giảm/mất khứu giác
– Có dịch mũi
– Ho
– Đau họng
– Hơi thở có mùi hôi
– Sốt
– Nhức đầu…
Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh đường hô hấp khác như viêm xoang, cảm cúm… Mọi người nên chủ động thăm khám để được xác định đúng bệnh, tránh tự ý điều trị vì có thể gây ra hậu quả khó lường.
Sổ mũi, ngạt mũi… là những triệu chứng thường thấy ở người bị viêm mũi
1.3. Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân chính gây viêm mũi là do virus, vi khuẩn hoặc nấm, ký sinh trùng… Chúng trú ngụ ở niêm mạc mũi và tấn công khi gặp các điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của mọi người giảm sút.
Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi mà mọi người cần lưu ý:
– Polyp, cấu trúc mũi bất thường khiến dịch nhầy ở trong mũi khó thoát ra ngoài, dễ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở niêm mạc.
– Bệnh lý đường hô hấp trên khiến mũi bị ảnh hưởng, trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công.
– Dị ứng với các dị nguyên khiến niêm mạc bị kích ứng và trở nên yếu ớt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây bệnh.
– Ô nhiễm, khói bụi, nước kém vệ sinh mang theo các tác nhân có hại, tấn công và làm tổn thương mũi xoang.
– Bơi lặn quá lâu ở hồ bơi khiến các chất làm sạch nước gây tổn thương, viêm nhiễm niêm mạc mũi.
– Lạm dụng thuốc xịt mũi dẫn tới các tác dụng phụ, ảnh hưởng tới cấu trúc và sức khoẻ mũi xoang.
– Hút thuốc lá khiến các chất độc có hại trong khói thuốc làm tổn thương mũi xoang và phổi.
2. Điều trị viêm mũi cấp
Viêm mũi là bệnh lý nguy hiểm và không dễ điều trị, đặc biệt là khi người bệnh không chủ động thăm khám kịp thời. Để bảo toàn sức khỏe tai mũi họng, mọi người nên cảnh giác với các dấu hiệu kể trên và chủ động tới các cơ sở y tế để được kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh lý. Thông qua tình trạng sức khoẻ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị bằng các phương pháp cụ thể.
Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu để cải thiện tình trạng viêm mũi. Kháng sinh, kháng histamin, chống dị ứng, thuốc co mạch, hạ sốt, tiêu đờm, thuốc giảm đau… thường được sử dụng để điều trị viêm mũi, cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm xoang mũi : Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?
Điều trị viêm mũi bằng thuốc như kháng sinh, kháng viêm… theo chỉ định của bác sĩ
Đồng thời, bác sĩ cũng tư vấn cho người bệnh cách vệ sinh mũi khoa học bằng các dung dịch xịt rửa như nước muối sinh lý để loại bỏ tác nhân gây bệnh, giúp hỗ trợ điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Sau khi điều trị, người bệnh nên sinh hoạt, vệ sinh mũi họng khoa học để ngăn ngừa viêm mũi tái phát hoặc tiến triển thành mạn tính.
3. Phòng ngừa mắc bệnh
Mặc dù là bệnh lý thường gặp nhưng viêm mũi ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, cuộc sống của người mắc. Vì vậy, chủ động phòng ngừa là một trong những cách tối ưu để bảo vệ sức khoẻ tai mũi họng.
Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên xây dựng một chế độ sinh hoạt đúng cách, vệ sinh mũi họng thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa mắc bệnh hiệu quả:
– Vệ sinh mũi họng theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa tác nhân có hại tấn công mũi xoang. Sử dụng các dung dịch xịt họng an toàn, theo khuyến cáo của bác sĩ ví dụ như nước muối sinh lý…
– Hạn chế tới nơi công cộng, khu vực tập trung đông người. Đeo khẩu trang nếu phải tới nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người để bảo vệ hệ hô hấp.
– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thấp vì mũi xoang rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi sự thay đổi thời tiết.
– Nên hạn chế tới nơi nhiều khói bụi, ô nhiễm, thường xuyên vệ sinh không gian sống, sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt.
– Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân sạch sẽ hằng ngày, hạn chế sử dụng chung đồ với nhiều người.
– Bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể với sự đa dạng các nhóm chất cần thiết, tăng cường rau củ, trái cây tươi, giảm dầu mỡ, đường…
– Tiêm phòng vắc xin chủ động và khoa học theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tạo hàng rào miễn dịch hiệu quả, phòng ngừa bệnh lý tốt hơn.
– Nghỉ ngơi khoa học, tránh thức khuya, tránh áp lực về tinh thần và chủ động tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
– Thăm khám sức khoẻ định kỳ để kiểm soát và phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
>>>>>Xem thêm: Viêm họng sốt uống thuốc gì giảm triệu chứng viêm họng
Tiêm phòng và chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý
Viêm mũi cấp là nỗi lo ngại của nhiều người do bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu và không dễ điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, mọi người nên chủ động đi khám để điều trị bệnh kịp thời, phòng ngừa bệnh tái phát hoặc tiến triển thành mạn tính, có thể dẫn tới nhiều biến chứng xấu đối với sức khoẻ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.