Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản như thế nào là mối quan tâm của nhiều người bệnh. Thông thường khi đã đến viện để thực hiện một ca phẫu thuật, chắc hẳn mỗi người bệnh đã từng suy nghĩ về vấn đề không có ai chăm sóc, mất thêm một nhân sự làm việc và kiếm thêm thu nhập cho gia đình… Tuy nhiên khác với chăm sóc những bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật mổ mở, chăm sóc bệnh nhân sau thực hiện tán sỏi niệu quản đơn giản và dễ dàng hơn nhất nhiều nhờ vào các phương pháp điều trị sỏi công nghệ cao ra đời.
Bạn đang đọc: Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản như thế nào?
1. Sỏi niệu quản tán bằng phương pháp nào?
Tán sỏi niệu quản là phương thức can thiệp ngoại khoa loại bỏ sỏi nhẹ nhàng, ít xâm lấn và được sử dụng phổ biến hiện nay. Trong đó ba phương pháp tán sỏi công nghệ cao được áp dụng hiệu quả cho sỏi niệu quản nằm ở các vị trí khác nhau đó là tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng.
Bệnh nhân tán sỏi cần đáp ứng những chỉ định chung như viêm đường tiết niệu chưa điều trị, dị dạng niệu quản, chít hẹp niệu quản hay gấp khúc niệu quản dưới sỏi, có tình trạng rối loạn đông máu, chống chỉ định gây mê hồi sức…
– Tán sỏi ngoài cơ thể áp dụng với sỏi niệu quản ⅓ trên nằm sát bể thận, có kích thước
– Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ sử dụng đối với sỏi niệu quản ⅓ trên có kích thước lớn hơn là >1.5cm. Thông qua đường hầm được tạo từ da vào thận với một vết rạch nhỏ 5mm, ống nội soi, dây dẫn laser và rọ gắp sỏi được đưa vào để tìm sỏi, bắn phá thành vụn và thu gom sỏi đưa ra ngoài.
– Tán sỏi ngược dòng thông qua nội soi niệu quản áp dụng đối với sỏi niệu quản ⅓ giữa và dưới. Sỏi sẽ được loại bỏ bằng cách đưa ống nội soi ngược dòng từ niệu đạo, bàng quang vào niệu quản tiếp cận sỏi và sử dụng năng lượng laser phá vỡ sỏi thành vụn, sau đó được gắp ra ngoài bằng rọ chuyên dụng.
2. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau thực hiện tán sỏi niệu quản
2.1 Tại sao chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản được đánh giá là đơn giản
Chăm sóc sau khi tán sỏi niệu quản là bước cần thiết, quyết định đến sự thành công của điều trị như: Hỗ trợ bài xuất những cặn sỏi, cặn máu còn sót lại, phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.
Thông thường sau thực hiện loại bỏ sỏi bằng những phương pháp điều trị công nghệ cao, quá trình chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân đều rất đơn giản. Bởi với những phương pháp tán sỏi “ít xâm lấn” này người bệnh không có vết thương hoặc chỉ có vết rạch rất nhỏ trên da, từ đó ít đau, ít chảy máu, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, rút ngắn thời gian phục hồi và lưu viện. Đặc biệt quá trình chăm sóc hậu phẫu không yêu cầu người nhà chăm sóc, túc trực để vệ sinh vết thương, cho ăn hay vệ sinh cá nhân… Người bệnh sau tán sỏi hoàn toàn có thể tự đi lại và thực hiện các công việc chăm sóc sức khỏe đơn giản cho bản thân ngay sau khi được xuất viện trở về nhà như vệ sinh cá nhân, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định…
2.2 Một số triệu chứng cần theo dõi trong quá trình chăm sóc sau tán sỏi
Sau khi được xuất viện trở về nhà cần lưu ý theo dõi những triệu chứng có thể xảy ra về tần suất cũng như mức độ gây ảnh hưởng của triệu chứng để từ đó có phương hướng xử lý kịp thời.
– Bệnh nhân gặp tình trạng đau nhẹ, kích thích bàng quang đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu hồng nhạt thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế đi và tiếp tục theo dõi.
– Nếu trong trường hợp xuất hiện cơn đau quặn thận, tiểu ra máu không hết sau nhiều lần đi tiểu, tiểu buốt tiểu rắt, sốt cao, nên đến bệnh viện để kiểm tra lại và can thiệp kịp thời.
Điều quan trọng bệnh nhân cần lưu ý là phải đi thăm khám, tái khám sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ để được đánh giá tình trạng sạch sỏi, hiệu quả điều trị.
Nếu người bệnh có nước tiểu máu, tiểu rắt, buốt sau tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng cần thông báo sớm cho bác sĩ điều trị
2.3 Chế độ dinh dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau khi thực hiện tán sỏi niệu quản
Sau tán sỏi người bệnh nên ăn và nên tránh những thực phẩm, thức uống sau đây để hỗ trợ quá trình đào thải cặn sỏi, cặn máu, phục hồi sức khỏe. Và hơn thế nữa duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh khoa học sẽ giúp người bệnh giảm bớt nguy cơ sỏi tái phát.
– Những ngày đầu sau tán sỏi bệnh nhân nên ăn mềm dễ tiêu hóa, tránh táo bón. Người bệnh phải rặn mất nhiều sức để đi đại tiện sẽ gây áp lực cho bàng quang, niệu quản, tác động đến sonde JJ trong cơ thể gây đau.
– Luôn luôn nhớ uống nước, và uống đủ nước cho cơ thể, sao cho lượng nước tiểu được đào thải ra ngoài là từ 2-2.5 lít nước. Thông thường bệnh nhân nên uống 40ml nước/ 1 kg cân nặng.
– Bổ sung các loại nước ép lợi tiểu, nhiều vitamin khoáng chất, có thành phần kháng sinh tự nhiên như: Nước ép cần tây, nước ép cam, chanh, bưởi, nước ép lựu, nước ép củ cải đường, rau cải…
– Bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và dễ tiêu hóa như: Rau khoai lang, rau mồng tơi, rau diếp cá, rau đay, súp lơ, chuối, đậu phụ, khoai lang…
– Bổ sung thực phẩm có tính kháng khuẩn tốt như: Tỏi, hành, hẹ, mật ong, nghệ, gừng, bắp cải,… Sau khi sử dụng hết thuốc kháng sinh giảm đau thì các thực phẩm này sẽ giúp ích trong việc chống nhiễm khuẩn.
– Hạn chế ăn nhiều muối (4-5g muối/ ngày), giảm đạm động vật (0,8-1g/1kg cân nặng/ ngày)
– Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu oxalat như socola, củ cải đường, rau bina để tránh dư thừa oxalat… tăng nguy cơ tạo sỏi
– Kiêng các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà chè, thức uống có gas
2.3 Chế độ vận động luyện tập – Cách chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản
Người bệnh nên đi lại nhẹ nhàng, không mang vác nặng, chạy nhảy sau tán sỏi để tránh làm sonde JJ xô lệch, hoặc cọ xát gây trầy xước chảy máu bàng quang, niệu quản. Sau khi rút sonde JJ ra khỏi cơ thể đối với phương pháp tán sỏi qua da và nội soi niệu quản ngược dòng người bệnh trở về sinh hoạt, vận động, chơi thể thao bình thường.
Lưu ý cho bệnh nhân đã mắc sỏi niệu quản là cần luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, lựa chọn những bài tập phù hợp với thể lực để tăng khả năng bài tiết của cơ thể.
Nếu người bệnh làm trong môi trường phải ngồi nhiều, cần đứng lên di chuyển và hạn chế nhịn tiểu để tránh tái phát sỏi.
Tìm hiểu thêm: Điều trị sỏi tiết niệu bằng cách nào?
Người bệnh nên luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, lựa chọn bài tập thích hợp, tránh ngồi nhiều
2.4 Lời khuyên sử dụng thuốc sau tán sỏi niệu quản
Sau khi tán sỏi bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh, và tăng hiệu quả sạch sỏi. Chính vì vậy người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
Ngoài ra người bệnh có nhu cầu sử dụng vitamin dạng thuốc, thực phẩm chức năng và các loại thuốc điều trị bệnh khác sau tán sỏi cần thông báo và hỏi ý kiến của bác sĩ. Dựa trên các chỉ số sức khỏe của người bệnh bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn phù hợp nhất, hạn chế nguy cơ tạo sỏi do dư thừa khoáng chất.
>>>>>Xem thêm: Tán sỏi ngược dòng và những điều cần biết
Bệnh nhân đến tái khám sau tán sỏi niệu quản bằng phương pháp tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng
Như vậy chăm sóc cho bệnh bệnh nhân sau quá trình tán sỏi niệu quản đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống rất nhiều. Để có được kết quả điều trị hiệu quả tốt và lâu dài người bệnh nên quan tâm đến chế độ ăn uống, vận động và khám định kỳ. Chủ động thăm khám chuyên khoa tiết niệu định kỳ sẽ giúp kiểm soát khả năng tái phát sỏi, hoặc phát hiện sỏi sớm để tiếp cận các phương hướng điều trị nhẹ nhàng, tiết kiệm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.