Điều trị sỏi niệu quản nội khoa: Những thông tin cần biết

Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị sỏi nhẹ nhàng nhất đối với sỏi niệu quản và sỏi tiết niệu nói chung. Phương pháp này được chỉ định cho một số trường hợp nhất định và có những nguyên tắc và lưu ý đặc biệt trong quá trình điều trị. Hãy theo dõi nội dung bài viết về phương pháp điều trị sỏi niệu quản nội khoa dưới đây để trang bị thêm kiến thức chữa trị sỏi niệu quản cho bản thân nhé.

Bạn đang đọc: Điều trị sỏi niệu quản nội khoa: Những thông tin cần biết

1. Tổng quan về điều trị nội khoa đối với sỏi niệu quản

Điều trị nội khoa sỏi niệu quản có rất nhiều mục đích như là để điều trị hỗ trợ tống xuất sỏi ra khỏi cơ thể, điều trị giảm triệu chứng và biến chứng tạm thời, phòng chống tái phát sau điều trị can thiệp ngoại khoa. Tại bài viết này sẽ cung cấp thông tin cụ thể về điều trị sỏi niệu quản nội khoa sử dụng thuốc để đưa sỏi ra bên ngoài cơ thể.

1.1 Chỉ định điều trị loại bỏ sỏi niệu quản nội khoa

Để kết luận bệnh nhân sử dụng thuốc trong điều trị nội khoa sỏi niệu quản cần căn cứ vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thông qua những xét nghiệm chẩn đoán đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Cụ thể bệnh nhân cần đáp ứng những điều kiện cần thiết như:

– Sỏi niệu quản có kích thước nhỏ hơn 5mm, có bề mặt nhẵn, hình thuôn, nằm càng gần bàng quang thì khả năng đẩy ra ngoài càng cao.

– Niệu quản không hẹp, không dị dạng gấp khúc đoạn dưới sỏi.

– Sỏi chưa gây các biến chứng như giãn đài bể thận, nhiễm khuẩn đường niệu.

– Chức năng thận vẫn ổn định, để giúp sỏi được đẩy theo dòng nước tiểu ra ngoài.

– Thể trạng bệnh nhân tốt, không có hoặc ít xuất hiện triệu chứng đau do sỏi gây ra.

Bệnh nhân lưu ý việc sử dụng thuốc trong điều trị loại bỏ sỏi cần có ý kiến của chuyên gia, không tự ý mua thuốc theo mách bảo hoặc kê đơn của người khác. Lý do là bởi tình trạng bệnh, loại sỏi, và sức khỏe của mỗi người là khác nhau. Trong trường hợp nếu có dị ứng thành phần của thuốc sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh.

Điều trị sỏi niệu quản nội khoa: Những thông tin cần biết

Khi sỏi thận đã gây biến chứng giãn đài bể thận, ứ mủ thận, suy thận, bệnh nhân cần được can thiệp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn như tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng, tán sỏi qua da…

1.2  Nhóm thuốc sử dụng trong điều trị nội khoa sỏi niệu quản

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị sỏi niệu quản bao gồm:

– Thuốc giảm đau, chống viêm: Giúp xoa dịu cơn đau quặn thận do sỏi di chuyển gây ra.

– Thuốc giãn cơ trơn: Mục đích làm giảm co thắt, giãn đường tiết niệu, tạo điều kiện để soi lưu thông cùng nước tiểu ra ngoài dễ dàng hơn.

– Thuốc kháng sinh dự phòng viêm đường tiết niệu.

– Các loại thuốc kiềm hóa nước tiểu, thuốc giảm nồng độ khoáng chất trong nước tiểu, thuốc lợi tiểu, tăng lưu lượng nước tiểu…

Tìm hiểu thêm: Thận trọng khi sỏi thận xuống đường tiết niệu

Điều trị sỏi niệu quản nội khoa: Những thông tin cần biết

Điều trị nội khoa sỏi niệu quản là phương pháp nhẹ nhàng nhất giúp loại bỏ sỏi trong giai đoạn sớm

1.3 Nguyên tắc điều trị sỏi niệu quản nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa sỏi niệu quản được thực hiện theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất để sỏi có thể di chuyển dễ dàng ra bên ngoài. Cụ thể là kiểm soát những cơn đau với thuốc giảm đau, chống co thắt niệu quản để sỏi di chuyển được ra bên ngoài theo dòng nước tiểu, và kháng sinh để dự phòng viêm nhiễm khi sỏi di chuyển gây trầy xước. Bên cạnh đó, với nguyên tắc này người bệnh nên nâng cao thể trạng bằng chế độ ăn uống khoa học và vận động luyện tập điều độ.

– Uống nhiều nước khoảng 2-3 lít mỗi ngày, giúp để thuốc tan và đáp ứng nhu cầu đủ nước cho cơ thể. Nếu làm việc trong môi trường nắng nóng, vận động chơi thể thao có thể uống bổ sung nhiều hơn. Khi màu sắc của nước tiểu trong sáng, không đục màu hay sậm màu nghĩa là bạn đã cung cấp đủ nước.

– Tránh sử dụng dư thừa vitamin, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được cân nhắc về việc sử vitamin và các thuốc uống khác trong quá trình điều trị.

– Ăn nhiều rau, chất xơ, sử dụng nước ép rau củ quả.

– Hạn chế ăn nhiều muối, giảm thức ăn giàu oxalat bởi có thể làm giảm lượng oxalate trong nước tiểu, giảm khả năng tích cụ sỏi canxi oxalat

– Giảm lượng protein động vật đồng nghĩa giảm purin, đây là chất tự nhiên chuyển hóa thành axit uric trong nước tiểu, góp phần hình thành sỏi axit uric.

– Hoạt động thể dục thể thao hàng ngày để quá trình đào thải chất độc, và quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi, thúc đẩy sỏi di chuyển ra ngoài nhanh hơn.

1.4 Một số lưu ý trong điều trị nội khoa sỏi niệu quản

– Trong quá trình điều trị nếu xuất hiện các biến chứng như giãn đài bể thận, nhiễm khuẩn niệu cần dừng điều trị nội khoa và cần can thiệp điều trị ngoại khoa bằng các phương pháp ít sang chấn hay phẫu thuật.

–  Thời gian sử dụng thuốc được chỉ định trong một khoảng thời gian nhất định, do vậy người bệnh nên đến tái khám theo đúng yêu cầu để đánh giá chính xác hiệu quả điều trị.

–  Để hiệu quả điều trị đạt kết quả tốt nhất bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn về liều lượng, cách dùng, thời gian…

–  Cuối cùng một lưu ý rất quan trọng là không nên lựa chọn sử dụng thuốc lá, thuốc nam, các bài thuốc truyền miệng không đảm bảo vệ sinh trong quá trình phơi sấy, sử dụng chất bảo quản… Điều này có thể không loại bỏ được sỏi mà còn dẫn đến biến chứng sỏi, sỏi tăng kích thước hoặc những bệnh liên quan đến gan, dạ dày, thận… Trong khi đó phác đồ sử dụng thuốc của bác sĩ kê đơn được xây dựng căn cứ vào tình trạng bệnh, thành phần dị ứng thuốc của bệnh nhân nếu có, các bệnh lý khác nếu có, thể trạng sức khỏe… do đó mang đến hiệu quả và mức độ an toàn cao.

2. Các phương pháp can thiệp ít xâm lấn nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa

Trong trường hợp sau điều trị nội khoa không đạt kết quả, hoặc trong quá trình điều trị người bệnh gặp những biến chứng làm ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc xuất hiện nhiễm trùng đường niệu… Các phương pháp can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn sẽ là lựa chọn ưu tiên tiếp theo cho người bệnh. Dựa vào các vị trí, kích thước của sỏi niệu quản, các phương pháp tán sỏi công nghệ cao sẽ được chỉ định thực hiện.

– Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng với sỏi niệu quản ⅓ trên nằm sát bể thận có kích thước nhỏ hơn 1cm.

– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser: Áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên có kích thước lớn hơn 1.5cm.

– Tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser: Áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ giữa và ⅓ dưới.

Điều trị sỏi niệu quản nội khoa: Những thông tin cần biết

>>>>>Xem thêm: Chi phí tán sỏi nội soi ngược dòng giá bao nhiêu?

Tán sỏi thông qua nội soi niệu quản ngược dòng là phương pháp ít xâm lấn được thực hiện bởi chuyên gia hàng đầu tại TCI

3. Kết luận

Điều trị nội khoa sỏi niệu quản là phương pháp nhẹ nhàng đơn giản, và tiết kiệm nhất cho người bệnh khi phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, sỏi còn nhỏ chưa gây biến chứng. Do đó lời khuyên cho bạn là nên thăm khám sức khỏe hệ tiết niệu định kỳ và tái khám sức khỏe 6-12 tháng/ lần đối với người đã mắc sỏi để phát hiện sớm, gia tăng cơ hội điều trị nội khoa. Bên cạnh đó ngay khi phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm nên nhanh chóng lựa chọn điều trị tại những cơ sở y tế uy tín, tránh sử dụng không đúng thuốc, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, dễ khiến bệnh nghiêm trọng hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *