Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý ở nam giới với các mức độ khác nhau. Thông qua triệu chứng lâm sàng và các phương pháp thăm khám cận lâm sàng, giãn tĩnh mạch thừng tinh đều được chia thành 5 cấp độ khác nhau. Bệnh nhân cần thăm khám chẩn đoán chính xác cấp độ bệnh để theo dõi hoặc điều trị tránh gây những biến chứng đe dọa đến sức khỏe sinh sản. Vậy bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1 là tình trạng như thế nào, có gây nguy hiểm gì không?
Bạn đang đọc: Thông tin về tình trạng bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1
1. Thông tin cơ bản về bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh
1.1 Định nghĩa ngắn gọn về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý thường gặp ở khoảng 15% nam giới trưởng thành, có các cấp độ giãn khác nhau. Là tình trạng giãn hệ thống tĩnh mạch thừng tinh bao gồm tĩnh mạch tinh trong, tĩnh mạch tinh sau và tĩnh mạch tinh bìu. Tình trạng này thường xảy ra ở tinh hoàn bên trái, và chỉ khoảng 10% các trường hợp nam giới mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh ở cả hai bên.
Đa số bệnh nhân mắc tình trạng này đều không có biểu hiện hay triệu chứng nào đặc biệt để nhận biết bệnh khi ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn hơn, nam giới có thể sẽ gặp triệu chứng lâm sàng là đau tinh hoàn, và có thể sờ thế các búi tĩnh mạch giãn ra ở bìu.
Là bệnh thường gặp ở nam giới độ tuổi trưởng thành, tình trạng hệ thống mai mạch tinh ở nam giới bị giãn nở bất thường
1.2 Cấp độ bệnh phân loại dựa vào triệu chứng lâm sàng
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, giãn tĩnh mạch thừng tinh được phân chia thành 5 cấp độ khác nhau, cụ thể là:
Cấp độ 0: Không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, chỉ phát hiện khi khám cận lâm sàng như siêu âm.
Cấp độ 1: Có thể tự sờ thấy búi tĩnh mạch giãn bằng biện pháp Valsalva (là một kỹ thuật thở giúp chẩn đoán bệnh)
Cấp độ 2: Khi đứng thẳng người bệnh có thể sờ được búi tĩnh mạch.
Cấp độ 3: Khi đứng thẳng người bệnh có thể nhìn thấy rõ được đám rối các tĩnh mạch nổi trên bề mặt da.
Cấp độ 4: Bệnh nhân dễ dàng nhìn rõ búi tĩnh mạch giãn rối ngoằn ngoèo dưới lớp da bìu ngay cả khi ở tư thế đứng hoặc nằm.
2. Thông tin chi tiết về giãn tĩnh mạch tinh độ 1
Tình trạng giãn tĩnh mạch tinh hoàn cấp độ 1 được biết đến là giai đoạn sớm của bệnh, ít có triệu chứng điển hình và dễ làm bệnh nhân lầm tưởng sang những bệnh lý khác.
Tìm hiểu thêm: Tại sao bệnh sỏi thận thường gặp ở nam giới hơn nữ giới?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp độ 1 là giai đoạn sớm của bệnh
2.1 Biểu hiện giãn thừng tinh cấp độ 1 thông qua khám cận lâm sàng
Thông qua kết quả thăm khám cận lâm sàng bằng phương pháp chẩn đoán siêu âm, tĩnh mạch thừng tinh được xác định là giãn nếu đường kính của tĩnh mạch lớn hơn 2,5mm. Kết hợp siêu âm cùng nghiệm pháp Valsalva để chẩn đoán và đánh giá thì giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp độ 1 là khi tĩnh mạch tinh bìu không giãn, tuy nhiên có xuất hiện dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch tinh trong thừng tinh khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva.
Đối với tình trạng giãn cấp độ 1, nam giới có thể trải qua cảm giác đau nhẹ, ngứa ở vùng bìu. Quan sát khu vực da vùng bìu gần như không phát hiện bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.
Bên cạnh cấp độ 1 thì các cấp độ khác của giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán dưới phương pháp kiểm tra cận lâm sàng, được mô tả cụ thể là:
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 2: Tĩnh mạch tinh không giãn ở tư thế nằm. Ở tư thế đứng thì có giãn và xuất hiện dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch khu trú ở cực trên tinh hoàn.
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3: Tĩnh mạch thừng tinh không giãn ở tư thế nằm. Ở tư thế đứng có giãn và xuất hiện dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch lan cả ở cực trên và dưới của tinh hoàn.
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 4: Tĩnh mạch thừng tinh giãn và xuất hiện dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva ở tư thế nằm.
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 5: Tĩnh mạch thừng tinh bị giãn và có dòng trào ngược ngay cả khi không thực hiện thêm nghiệm pháp Valsalva.
2.2 Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1 có nguy hiểm không?
Ở cấp độ 1 bệnh chưa gây nguy hiểm nào đáng kể đối với người bệnh, tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp những vấn đề bất lợi cho sức khỏe.
– Bệnh biến chuyển sang các giai đoạn nặng hơn.
– Teo tinh hoàn: Là một biến chứng phổ biến xảy ra do lưu thông máu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sự phát triển về kích thước tinh hoàn của bên gặp tình trạng giãn. Từ đó dẫn đến tinh hoàn có kích thước nhỏ hơn so với bên còn lại. Teo tinh hoàn do giãn tĩnh mạch thừng tinh còn có thể gây vô sinh.
– Suy giảm chức năng sinh lý: Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm suy giảm hormone sinh dục ở nam giới. Liên tục kéo dài tình trạng này có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục của nam giới.
– Nguy cơ vô sinh: Nếu không điều trị kịp thời người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng vô sinh. Do các tác động của bệnh như teo tinh hoàn, tăng nhiệt độ của vùng bìu do máu tụ lại không lưu thông được do tĩnh mạch thừng tinh bị giãn, từ đó dẫn đến chết tinh trùng, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết u xơ tuyến tiền liệt
Ở cấp độ 1 bệnh chưa gây nhiều biến chứng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
2.3 Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý và khả năng sinh sản của nam giới. Do vậy ngay khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu người bệnh cần nhanh chóng điều trị sớm để tránh được những biến chứng xấu.
Trong trường hợp nếu bệnh ở giai đoạn sớm, không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản thì bệnh nhân chưa cần can thiệp điều trị, và sẽ tiếp tục theo dõi thêm. Hoặc dựa trên kết quả thăm khám bệnh và đánh giá các yếu tố liên quan, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa sử dụng thuốc. Mục đích của dùng thuốc là có tác dụng là thu nhỏ hệ thống tĩnh mạch thừng tinh, giảm đau và kháng viêm. Quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng và theo dõi bệnh sát sao.
Trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh đã chuyển biến từ độ 1 lên các giai đoạn cao hơn, dựa vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật can thiệp phù hợp như: phẫu thuật nội soi qua ổ bụng hay ngoài phúc mạc, phẫu thuật vi phẫu, thuyên tắc tĩnh mạch, mổ mở qua đường bẹn, bìu…
Khám và điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp độ 1, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm, giỏi chuyên môn để được đưa ra lời khuyên phù hợp cũng như điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.