Sỏi tại bàng quang là bệnh lý phổ biến trong các bệnh lý sỏi tiết niệu. Nắm bắt được thông tin về căn bệnh cũng là cách để bệnh nhân phòng ngừa hoặc điều trị sỏi tốt hơn. Vậy sỏi bàng quang triệu chứng thế nào, điều trị ra sao… Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Bạn đang đọc: Sỏi bàng quang triệu chứng nổi bật cần lưu ý
1. Tìm hiểu chung về bệnh sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang là sỏi hình thành hoặc mắc kẹt tại bàng quang của người bệnh. Bàng quang là bộ phận có tiết diện lớn trong hệ tiết niệu, có nhiệm vụ chứa nước tiểu trước khi thoát ra ngoài qua niệu đạo. Đây là một cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu bởi nếu thận trực tiếp “xả” nước tiểu xuống niệu đạo sẽ xảy ra tình trạng nước tiểu không thể kiểm soát được và giãn niêm mạc niệu đạo.
Do đó, khi sỏi làm bít tắc bàng quang sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến bài tiết nước tiểu. Đồng thời, sỏi chặn trong bàng quang cũng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ quan khác, đặc biệt là thận. Sỏi bàng quang có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như: viêm bàng quang cấp, thận ứ nước, giãn đài bể thận, viêm tiết niệu, suy thận cấp và mạn tính…
Người bệnh có thể bị sỏi bàng quang khi sỏi thận qua niệu quản xuống bàng quang hoặc sỏi tự hình thành do kết tủa khoáng chất trong nước tiểu. Đa phần sỏi bàng quang thường hình tròn, bên ngoài xù xì. Một số trường hợp, sỏi bàng quang chỉ có 1 viên tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp trong bàng quang tồn tại nhiều viên sỏi với kích cỡ khác nhau.
Sỏi bàng quang là sỏi hình thành hoặc bị mắc kẹt tại bàng quang
2. Những triệu chứng bệnh sỏi bàng quang điển hình
2.1 Sỏi bàng quang triệu chứng điển hình nhất – Vấn đề về tiểu tiện
Đối với những bệnh nhân bị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi bàng quang nói riêng, dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận dạng nhất chính là vấn đề về tiểu tiện. Người bệnh sỏi vẫn có thể đi tiểu bình thường, tuy nhiên đôi khi dòng nước tiểu bị ngăn chặn bởi sỏi dẫn tới tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ngắt quãng, tiểu nhiều lần…
Tình trạng này có thể thuyên giảm khi người bệnh hạn chế vận động, nghỉ ngơi. Do sỏi có thể di chuyển theo dòng tiểu nếu người bệnh vận động quá mạnh.
2.2 Sỏi bàng quang triệu chứng phổ biến nhất – Đau vùng bụng dưới, đau quặn thận hoặc đau dương vật
Đối với bệnh nhân sỏi bàng quang, cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn là những dấu hiệu phổ biến. Vùng bụng dưới, vùng gần hố thận là khu vực dễ bị cơn đau sỏi. Tính chất, kích thước và vị trí sỏi khác nhau nên mức độ và triệu chứng của từng bệnh nhân khác nhau. Tuy nhiên, đa phần cơn đau của bệnh nhân ở mức có thể kiểm soát, trường hợp đau quặn, khó chịu, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về phương pháp tán sỏi nội soi niệu quản
Màu sắc và mùi của nước tiểu cũng phản ánh tình trạng sỏi của bệnh nhân
2.3 Triệu chứng sỏi bàng quang dễ nhận dạng nhất – Bất thường về nước tiểu
Nước tiểu của người bình thường có màu vàng nhạt, mùi khai như amoniac, màu nước tiểu có thể vàng đậm và có mùi kháng sinh nhẹ nếu người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài. Nhưng đối với người bệnh sỏi tiết niệu, màu nước tiểu thường rất đậm, mùi hôi nồng bất thường.
Ngoài ra, sỏi tại bàng quang có thể cọ xát vào niêm mạc gây tổn thương và chảy máu. Máu sẽ hòa với nước tiểu khi người bệnh đào thải ra ngoài dẫn đến tình trạng đi tiểu ra máu nhạt. Niêm mạc bàng quang tổn thương, vi khuẩn có cơ hội tấn công có thể gây nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí suy thận cấp và mạn tính nếu không điều trị kịp thời.
2.4 Triệu chứng sỏi bàng quang ít gặp, nguy hiểm – Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
Khi vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc bàng quang hoặc bất kì vị trí nào trong hệ tiết niệu, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, buồn nôn. Đây là một triệu chứng ít gặp hơn so với các triệu chứng trên, tuy nhiên nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi có biểu hiện sốt, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh và chữa trị sớm.
3. Những phác đồ điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất
3.1 Phác đồ điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa được chỉ định trong trường hợp sỏi bàng quang đơn thuần, thường chỉ có 1 viên và kích thước dưới 5mm. Điều trị nội khoa sẽ có hiệu quả trường hợp người bệnh thăm khám và lựa chọn được phác đồ phù hợp, đồng thời thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc có thể được chỉ định trong điều trị nội khoa bao gồm: Thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu, thuốc tan sỏi, giảm đau… Với điều trị nội khoa, người bệnh có thể khỏi sau 2 – 6 tháng tùy vào tình trạng sỏi.
3.2 Phác đồ điều trị sỏi công nghệ cao không mổ mở
Tán sỏi được xem là phương pháp điều trị sỏi an toàn và hiệu quả. Nhờ công nghệ kĩ thuật tân tiến hiện đại, hiện nay người bệnh sỏi bàng quang có thể điều trị sỏi không cần mổ mở, hạn chế được nhiều nguy cơ biến chứng sau điều trị. Đồng thời, rút ngắn được nhiều thời gian điều trị, thời gian hồi phục nhanh. Đối với sỏi bàng quang, người bệnh thường được chỉ định phương pháp Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu về kỹ thuật đặt sonde JJ niệu quản
Bác sĩ tại Thu Cúc TCI tiến hành tán sỏi cho bệnh nhân sỏi bàng quang
Kỹ thuật này sử dụng ống nội soi mềm cùng dây laser thông qua đường nước tiểu, cụ thể là từ niệu đạo đến bàng quang. Sau đó năng lượng laser sẽ tán vỡ viên sỏi và đưa vụn sỏi ra ngoài qua rọ gắn ở đầu ống nội soi. Ưu điểm của phương pháp này là không xâm lấn, không chảy máu nên người bệnh không đau đớn và nhanh chóng hồi phục, trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
3.3 Mổ mở lấy sỏi bàng quang
Trường hợp sỏi phức tạp, kích thước lớn thì người bệnh cần điều trị mổ mở để lấy sỏi. Phương pháp mổ lấy sỏi có ưu điểm là tỉ lệ sạch sỏi cao, xử lí được nhiều ca sỏi phức tạp. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi thời gian hồi phục lâu hơn và người bệnh có nguy cơ mắc phải biến chứng sau mổ.
Trên đây là những triệu chứng của bệnh sỏi bàng quang điển hình, người bệnh có thể dựa vào các tiêu chí này để so sánh và xem xét các dấu hiệu của cơ thể. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất thường nghi sỏi tiết niệu, người bệnh nên điều trị sớm để tránh sỏi phát triển về kích thước, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.