Để hỗ trợ bệnh nhân đào thải lượng nước và muối dư thừa trong cơ thể, giảm biến chứng phù nề, không ít bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc furosemide. Vậy furosemide có tác dụng gì và cần lưu ý những điều gì khi sử dụng thuốc này?
Bạn đang đọc: Tìm hiểu công dụng và cách dùng furosemide
1. Công dụng và cách sử dụng furosemide
Thuốc furosemide tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai. Thuốc thường được chỉ định trong các trường hợp điều trị phù phổi cấp, phù do tim, gan, thận và các loại khác; tăng huyết áp có tổn thương thận; tăng calci huyết. Tình trạng phù thường xảy ra do dư thừa nước và muối trong các cơ quan kể trên liên quan đến rối loạn chức năng hoặc bệnh lý. Các tình trạng này đều có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Liều lượng và cách dùng furosemide được khuyến cáo bởi nhà sản xuất như sau:
1.1 Ðiều trị phù thông thường
Liều uống bắt đầu thường dùng là 40 mg/ngày, sau đó cần điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
Trường hợp phù nhẹ, bệnh nhân có thể dùng liều 20 mg/ngày hoặc 40 mg cách nhật. Một vài trường hợp có thể tăng liều uống lên 80 mg hoặc hơn nữa, chia 1 – 2 lần trong ngày.
Trường hợp nặng, các bác sĩ có thể dò liều tăng dần lên tới 600 mg/ngày. Trong trường hợp cấp cứu, nếu không dùng được đường uống, bác sĩ có thể tiến hành tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm, liều 20 – 40 mg hoặc cao hơn cao hơn nếu cần thiết. Liều trên 50 mg nên tiêm truyền tĩnh mạch chậm.
– Đối với trường hợp bị phù phổi: Liều tiêm tĩnh mạch chậm ban đầu là 40 mg. Có thể tăng lên 80 mg nếu chưa đáp ứng. Với trẻ em, liều đường uống thường là 1 – 3 mg/kg/ngày, tối đa 40 mg/ngày. Liều thường dùng đường tiêm là trong khoảng 0,5 – 1,5 mg/kg /ngày, tối đa 20 mg/ngày.
– Ðiều trị tăng huyết áp: Furosemid có thể được dùng trong điều trị huyết áp ở người có tổn thương thận. Liều dùng đường uống thường là 40 – 80 mg/ngày, có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác tùy trường hợp.
– Ðiều trị tăng calci máu: Liều uống là 120 mg/ngày, chia từ 1- 3 liều nhỏ.
– Người cao tuổi: Đối tượng này dễ nhạy cảm với thuốc hơn so với liều thường dùng ở người lớn.
Furosemide thường được dùng trong điều trị phù phổi cấp, phù do bệnh gan – thận, tăng calci huyết…
1.2 Liệu pháp liều cao
Ðiều trị suy thận cấp hoặc suy thận mạn có tình trạng thiểu niệu – vô niệu, nếu mức lọc cầu thận dưới 20 ml/phút thì pha 250 mg furosemid với 250 ml dịch truyền thích hợp, truyền trong 1 giờ.
Nếu tác dụng lợi tiểu chưa đạt yêu cầu 1 giờ sau khi truyền thì có thể tăng liều lên 500 mg pha với lượng dịch truyền phù hợp trong khoảng 2 giờ. Liều thứ 3 được sử dụng khi tác dụng lợi tiểu chưa đáp ứng 1 giờ sau khi kết thúc lần thứ 2, liều được khuyến cáo là 1 gam furosemid truyền trong 4 giờ, tốc độ không quá 4 mg/phút. Nếu liều trên không có tác dụng, người bệnh cần tiến hành lọc máu nhân tạo.
Sau 24 giờ, có thể dùng nhắc lại liều đã có hiệu quả hoặc có thể tiếp tục dùng thuốc bằng đường uống (tỷ lệ 500 mg uống tương đương với 250 mg tiêm truyền). Sau đó, liều thuốc sẽ được điều chỉnh tùy theo khả năng đáp ứng của người bệnh.
Ðối với điều trị suy thận mạn, liều ban đầu là 250mg, thường dùng đường uống. Nếu cần thiết thì cứ 4 giờ lại thêm 250 mg, tổng tối đa là 1,5 g/24 giờ, có thể lên tới 2g/24 giờ trong trường hợp đặc biệt. Liều được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của người bệnh nhưng không dùng kéo dài.
Trong khi dùng liệu pháp liều cao, cần kiểm tra theo dõi cân bằng nước – điện giải. Đối với người bị sốc, cần theo dõi huyết áp và thể tích tuần hoàn máu để điều chỉnh ngay trước khi bắt đầu liệu pháp này.
2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu furosemide
2.1 Chống chỉ định furosemide
Thuốc này chống chỉ định trong các trường hợp:
– Mẫn cảm với furosemid hoặc các dẫn chất sulfo – namid (sulfamid chữa đái tháo đường)
– Người bệnh gặp tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan.
– Vô niệu hoặc suy thận do các loại thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.
Bên cạnh đó, cận thận trọng với những người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp.
Sử dụng thuốc này trong thời kỳ mang thai có thể gây rối loạn nước và chất điện giải cho thai nhi, giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, furosemide chỉ được dùng khi không có thuốc thay thế và dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn. Ngoài ra, dùng furosemide trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế tiết sữa. Vì thế nếu dùng thuốc này cần ngừng cho con bú.
Tìm hiểu thêm: Cidetuss – Thuốc trị ho bán theo đơn
Cần thận trọng khi dùng furosemide cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
2.2 Tác dụng phụ khi dùng furosemide
– Tác dụng phụ thường gặp
Giảm thể tích máu trong liệu pháp điều trị liều cao, hạ huyết áp tư thế đứng, giảm kali huyết, natri huyết, magnesi huyết, calci huyết, tăng acid uric trong máu, giảm clor huyết gây nhiễm kiềm.
– Tác dụng phụ ít gặp
Bao gồm buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
– Tác dụng phụ hiếm gặp
Các triệu chứng ít xảy ra gồm giảm bạch cầu, tiểu cầu, mất bạch cầu hạt; xuất hiện ban da, dị cảm, viêm mạch; tăng glucose huyết, glucose niệu; tình trạng ù tai, giảm thính lực có hồi phục (thường gặp khi dùng thuốc ở liều cao); mất cân bằng điện giải gây đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút,…
Việc bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali trong khi dùng furosemide có thể được chỉ định trong trường hợp người bệnh có nguy cơ cao phát triển hạ kali huyết.
Furosemide không được tiêm tĩnh mạch với tốc độ vượt quá 4 mg/phút sẽ giúp giảm nguy cơ độc cho thính giác.
Ngoài ra, việc sử dụng furosemide có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não. Vì vậy thuốc này không được khuyến cáo dùng để điều trị chống tăng huyết áp cho người cao tuổi.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về thuốc Gentrisone
Cần thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng furosemide
Trên đây là những thông tin cơ bản về furosemide. Tuy có tác dụng trong các trường hợp phù do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên việc sử dụng furosemide vẫn cần hết sức thận trọng và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Nếu có bất cứ thắc mắc hay cần thông tin chi tiết về furosemide hoặc các loại thuốc khác, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.