Sỏi thận xuống bàng quang gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Do đó, người bệnh cần nhận thức kịp thời triệu chứng để có phương án điều trị hiệu quả.
Bạn đang đọc: Sỏi thận xuống bàng quang: Nhận biết kịp thời, điều trị hiệu quả
1. Sỏi thận xuống bàng quang là hiện tượng gì?
Bàng quang là một bộ phận của hệ tiết niệu, đây là một cơ quan rỗng có chức năng chứa nước tiểu từ thận tiết ra. Vì bất cứ lý do gì khiến nước tiểu ứ đọng lâu ngày sẽ kết tinh tạo ra sỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn bệnh sỏi bàng quang như sa bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt… nhưng đến 80% số ca sỏi bàng quang là do sỏi thận di chuyển xuống. Sỏi thận có kích thước nhỏ dưới 5mm, bề mặt trơn bóng dễ dàng di chuyển qua niệu quản xuống bàng quang và mắc kẹt tại đây.
Sỏi thận xuống bàng quang là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sỏi bàng quang
2. Những biểu hiện của bệnh
Với những trường hợp sỏi rơi từ thận xuống bàng quang giai đoạn đầu sẽ chưa có biểu hiện. Khi viên sỏi ở bàng quang tăng kích thước sẽ dần gây ra những triệu chứng khó chịu dưới đây.
2.1. Sỏi thận xuống bàng quang gây những cơn đau quặn
Đau và khó chịu vùng bụng dưới, cơn đau lan ra lưng và bộ phận sinh dục. Cơn đau do sỏi bàng quang có thể âm ỉ hoặc dữ dội, đột ngột xuất hiện và kéo dài hàng giờ. Khi đi tiểu người bệnh cảm thấy đau buốt. Triệu chứng đau quặn bụng sẽ giảm cường độ khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
2.2. Gặp các rối loạn về tiểu tiện
Các rối loạn tiểu tiện thường gặp như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần… sẽ xảy ra khi sỏi nằm ở vị trí bàng quang nối với niệu đạo. Viên sỏi có kích thước lớn, di chuyển chèn ép lỗ bàng quang khiến nước tiểu không thoát được khiến người bệnh gặp hàng loạt triệu chứng như tiểu buốt, tiểu khó.
2.3. Người bệnh có biểu hiện sốt
Những trường hợp sỏi bàng quang cọ xát làm xước niêm mạc bàng quang, dẫn đến viêm bàng quang gây ra hiện tượng sốt cao, ớn lạnh. Ngoài ra, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, nôn, đi tiểu lẫn máu hoặc mủ…
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về tán sỏi ngoài cơ thể
Sỏi bàng quang gây ra những biểu hiện khó chịu như: đau quặn bụng dưới, rối loạn tiểu tiện, sốt…
3. Những biến chứng có thể xảy ra khi sỏi thận xuống bàng quang
Sỏi bị kẹt tại bàng quang lâu sẽ tiến triển gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
3.1. Sỏi thận xuống bàng quang có thể dẫn đến teo bàng quang
Sỏi ở bàng quang gây cọ xát với niêm mạc bàng quang, tình trạng này lặp đi lặp lại khiến bàng quang bị tổn thương, dẫn đến viêm bàng quang. Viêm bàng quang kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ teo bàng quang.
3.2. Biến chứng rò bàng quang
Sỏi ở bàng quang kích thước lớn, bề mặt xù xì gây ra viêm loét và chảy máu bàng quang. Điều này ảnh hưởng lớn đến chức năng hệ thần kinh bàng quang. Từ đó khiến bàng quang mất chức năng điều khiển các cơ vòng, dẫn đến việc mở bàng quang liên tục – gọi là rò bàng quang. Biến chứng này gây ra nhiễm khuẩn, mất vệ sinh, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và tâm lý của người bệnh.
3.3. Biến chứng viêm thận và suy thận
Khi có sỏi ở bàng quang, nước tiểu không di chuyển bình thường khiến cho tình trạng viêm thận xảy ra. Sỏi bàng quang hay sỏi ở bất cứ bộ phận nào của hệ tiết niệu nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng suy thận cấp và mãn tính.
4. Điều trị hiệu quả sỏi thận rơi xuống bàng quang bằng cách nào?
Khi có những triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời. Đối với những viên sỏi ở bàng quang kích thước nhỏ, bề mặt trơn có thể được chỉ định điều trị nội khoa. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giúp làm tan sỏi, bào mòn sỏi. Dưới tác dụng của thuốc, sỏi có thể theo đường nước tiểu đào thải ra khỏi cơ thể.
Đối với những viên sỏi có kích thước lớn, bề mặt xù xì can thiệp ngoại khoa loại bỏ sỏi là việc cần thiết. Tùy vào vị trí, kích thước và thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp tán sỏi công nghệ cao hoặc mổ mở để loại bỏ sỏi.
>>>>>Xem thêm: Viêm đường tiết niệu quan hệ ra máu có nguy hiểm không?
Tán sỏi nội soi ngược dòng loại bỏ sỏi bàng quang hiệu quả, nhiều ưu điểm
4.1. Tán sỏi công nghệ cao loại bỏ sỏi bàng quang
Để loại bỏ sỏi bàng quang, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng. Đây được coi là cuộc cách mạng trong việc loại bỏ sỏi tiết niệu với nhiều ưu thế.
Phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng laser giúp điều trị sạch sỏi nhẹ nhàng không vết mổ. Để tiến hành tán sỏi, bệnh nhân sẽ được gây mê. Sau đó, bác sĩ dùng ống nội soi đưa qua đường niệu đạo, lên bàng quang đến vị trí có sỏi rồi luồn dây dẫn tia laser sát sỏi (cách sỏi 1mm). Tùy theo độ cứng của sỏi bác sĩ sẽ điều chỉnh tia laser cường thích hợp bắn vỡ cấu trúc viên sỏi. Khi sỏi đã được tán vỡ sẽ theo nước tiểu ra ngoài, với những mảnh sỏi lớn hơn 3mm bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy bỏ.
Các ưu thế của phương pháp tán sỏi nội soi có thể kể đến như:
– Phương pháp này tán được nhiều loại sỏi mà không gây tổn thương hệ tiết niệu.
– Thời gian thực hiện tán sỏi ngắn, trung bình chỉ khoảng 50 phút.
– Thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng ít hoặc không làm thương tổn đường tiết niệu nên tránh được các biến chứng.
– Người bệnh chỉ cần nằm viện theo dõi khoảng 1 ngày là có thể ra viện.
4.2. Phương pháp mổ mở loại bỏ sỏi thận xuống bàng quang
Bác sĩ bắt buộc phải chỉ định phương án mổ mở loại bỏ sỏi bàng quang nếu sỏi quá to. Hoặc với những trường hợp tán sỏi công nghệ cao không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn thì mổ mở là chỉ định cần thiết.
Sỏi thận xuống bàng quang là tình trạng khá phổ biến. Nhận biết triệu chứng, thăm khám sớm giúp mang lại hiệu quả điều trị tốt và tiết kiệm chi phí. Để phòng tránh căn bệnh sỏi tiết niệu nói chung người dân cần tăng cường uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Đồng thời, hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường của cơ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.