Chúng ta thường biết đến sỏi thận do uống ít nước, nhịn tiểu, do uống nhiều canxi, ăn nhiều thực phẩm chứa oxalate, nhưng liệu các bạn có biết đến “mùa sỏi thận” không? Để biết tại sao có mùa sỏi thận và phải làm gì để phòng tránh khi đến mùa sỏi thận hãy tham khảo bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Lý giải vì sao mùa hè là “mùa sỏi thận”
Mùa hè – “mùa sỏi thận”
Theo các chuyên gia, mùa hè được gọi là mùa của sỏi thận, số người mắc căn bệnh này trong mùa hè thường cao gấp đôi so với mùa đông. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là sự mất nước và lượng vitamin D trong cơ thể tăng lên tạo thuận lợi cho nước tiểu lắng cặn khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh sỏi thận tăng cao hơn vào mùa hè là do:
Yếu tố thời tiết
Mùa hè với nhiệt độ tăng cao, nóng bức, lượng mồ hôi tiết ra nhiều, cơ thể dễ bị mất nước hơn. Nếu lượng nước bổ sung không đủ khiến nước tiểu cô đặc, đây là điều kiện thuận lợi để các tinh thể khoáng chất trong nước tiểu kết tinh với nhau tạo sỏi.
Ngoài ra, cường độ ánh sáng mạnh trong những ngày hè có thể khiến cơ thể tăng cường hấp thụ vitamin D, điều này đồng nghĩa với lượng canxi chuyển hóa trong cơ thể và bài tiết qua nước tiểu, có thể gây ra đọng canxi ở thận…
Mùa hè nóng bức khiến cơ thể dễ bị mất nước. Nếu lượng nước bổ sung không đủ khiến nước tiểu cô đặc và khiến cho các tinh thể khoáng chất trong nước tiểu kết tinh với nhau tạo sỏi (ảnh minh họa)
Do thói quen ăn uống
Mùa hè oi bức đáng lẽ phải bổ sung nhiều nước lọc, nhưng rất nhiều người lựa chọn cho mình những đồ uống giải nhiệt như bia, trà đá, hay C sủi, coca cola… đây là những đồ uống sử dụng quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận, đặc biệt là trong mùa hè.
Thói quen sinh hoạt
Mùa hè oi bức chúng ta thường có xu hướng ít vận động hơn, đôi khi ngại đi tiểu khiến dễ bị sỏi thận, sỏi tiết niệu hơn.
Dấu hiệu của sỏi thận
Sỏi thận là sự lắng cặn muối và khoáng hình thành bên trong thận. Sỏi thận thường không có triệu chứng nếu không bị mắc bị ở đâu đó trong đường tiết niệu hoặc dễ dàng trôi qua hệ bài niệu, triệu chứng của sỏi thận bao gồm:
– Đau dữ dội vùng lưng, hông, vị trí dưới xương sườn, tình trạng đau lan đến vùng bụng dưới. Đặc biệt vị trí đau có thể thay đổi và đau có thể tăng lên.
– Buồn tiểu thường xuyên hoặc đau buốt khi đi tiểu. Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
– Buồn nôn và nôn mửa, sốt và ớn lạnh.
Tìm hiểu thêm: Bị sỏi mật có nguy hiểm không?
Sỏi thận có thể gây ra những cơn đau vùng lưng, hông (ảnh minh họa)
Phòng ngừa và điều trị khi vào “mùa sỏi thận”
Để điều trị và phòng ngừa sỏi thận hiệu quả cần chú ý những điều sau:
Phương pháp điều trị sỏi thận
Khi nghi ngờ bị sỏi thận, cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có biện pháp điều trị phù hợp. Kể cả khi không có triệu chứng của sỏi thì bạn vẫn cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý về sỏi tiết niệu.
Tùy vị trí và kích thước sỏi mà có thể áp dụng các phương pháp tán sỏi hiện đại như: Kỹ thuật không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể), kỹ thuật điều trị ít xâm lấn (nội soi tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ngược dòng…)
Những chú ý để phòng ngừa sỏi thận
– Uống đủ nước (khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày) tốt nhất là nước tinh khiết, nhất là vào mùa nóng khi nhu cầu uống nước nhiều hơn.
– Ăn ít đồ ăn chứa nhiều oxalate, giảm ăn muối và protein động vật.
– Tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung canxi…
– Không nên lười vận động và cần điều trị đúng mức các nhiễm khuẩn niệu để giảm được tình trạng mắc sỏi thận.
>>>>>Xem thêm: Tại sao phụ nữ dễ bị viêm đường tiết niệu khi mang thai 3 tháng cuối?
Tham vấn ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị và phòng ngừa sỏi thận khi đến “mùa sỏi thận”
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.