Bệnh viêm ruột thừa là một là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Việc chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời sẽ tránh được những biến chứng nặng nề và tử vong sau mổ. Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm ruột thừa: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Tìm hiểu về ruột thừa và bệnh viêm ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một đoạn ruột hẹp, kín, có chiều dài khoảng 3 đến 5cm và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Thành ruột thừa chứa mô bạch huyết, đây là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của bộ phận này do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng vì một lý do nào đó mà bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây tắc nghẽn này là do:
– Có sự tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa.
– Phân từ manh tràng đi vào ruột thừa và mắc kẹt tại đây.
Sau khi sự tắc nghẽn tại lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng xảy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú ngụ tại đây phát triển nhanh chóng và xâm lấn vào thành ruột thừa gây viêm.
Viêm ruột thừa là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa rất phổ biến và khá nguy hiểm
2. Những triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa
– Triệu chứng điển hình của bệnh là cơn đau vùng hố chậu phải (vị trí của ruột thừa) hoặc cơn đau có thể khởi phát ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn sau đó lan xuống hố chậu phải. Tính chất của cơn đau có thể đau rất dữ dội hoặc chỉ đau nhẹ và gây khó chịu. Trong những giờ đầu đau ruột thừa có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý về tiêu hóa. Những giờ tiếp theo, cơn đau ở hố chậu phải liên tục và gia tăng nhiều hơn.
– Bụng có biểu hiện co cứng và đau hơn khi sờ vào.
– Người bệnh xuất hiện hàng loạt các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như nôn và buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài phân lỏng…
– Không chỉ thế, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như mệt mỏi, sốt và cảm giác ớn lạnh.
Các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thường không rõ ràng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng hơn do phát hiện muộn. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi bị đau bụng kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh viêm ruột thừa, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Tìm hiểu thêm: Rối loạn tiêu hóa mang thai Đi ngoài phân lỏng
Đau hố chậu phải, rối loạn tiêu hóa và sốt là các biểu hiện thường thấy của bệnh viêm ruột thừa
3. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán sớm, mổ kịp thời có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
3.1. Bệnh viêm ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc ổ bụng
Đây là biến chứng thường gặp nhất khi ruột thừa viêm và bị vỡ khiến cho ổ mủ, vi khuẩn tràn vào ổ bụng dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Khi ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc, người bệnh sẽ có những biểu hiện: rét run, sốt rất cao, tụt huyết áp, mạch nhanh, chướng bụng do liệt ruột, bí đại tiện, vị trí nào ở ổ bụng cũng đau đớn.
Biến chứng viêm phúc mạc có thể dẫn đến tử vong do người bệnh bị sốc nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.
3.2. Bệnh viêm ruột thừa dẫn đến biến chứng áp xe ruột thừa
Đây biến chứng xảy ra khi ruột thừa bị viêm và vỡ ra nhưng được các quai ruột bao bọc xung quanh chỗ vỡ tạo thành hàng rào bảo vệ giúp viêm nhiễm không lan tỏa ra ổ bụng. Nếu hàng rào này vỡ, tình trạng viêm phúc mạc toàn bộ sẽ xảy ra.
Khi bị áp xe ruột thừa, người bệnh có các triệu chứng: sốt cao, rét run, đau hố chậu phải… Ngoài ra, khi bác sĩ khám hố chậu phải sẽ phát hiện khối không di động, căng, ấn đau đây chính là khối áp xe ruột thừa. Để chẩn đoán chính xác áp xe ruột thừa phải thông qua siêu âm hoặc chụp CT ổ bụng. Trong hầu hết các trường hợp, để điều trị bác sĩ sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách đặt một ống thông qua thành bụng đến ổ áp xe trong thời gian hai tuần. Người bệnh được điều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm trùng, khi tình trạng nhiễm trùng đã ổn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt ruột thừa.
>>>>>Xem thêm: Viêm đại tràng cấp tính thường gặp ở mọi đối tượng
Viêm ruột thừa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, áp xe thậm chí là gây tử vong
4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Để chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:
– Thực hiện xét nghiệm máu: Thông qua các chỉ số bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiễm trùng ở đường tiết niệu hoặc các tạng trong ổ bụng cũng có thể gây ra các triệu chứng như viêm ruột thừa.
– Thực hiện xét nghiệm nước tiểu: Để bác sĩ loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đau bụng do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
– Siêu âm và chụp CT hoặc MRI: Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh khảo sát vùng bụng bằng siêu âm bụng tổng quát, chụp CT scan bụng hoặc chụp MRI để chẩn đoán người bệnh bị viêm ruột thừa hay là do những bệnh lý khác.
– Ngoài ra, với phụ nữ bác sĩ có thể chỉ định khám vùng chậu và siêu âm qua ngả âm đạo để xác định người bệnh có thai ngoài tử cung hoặc các bệnh lý về viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung và buồng trứng hay không.
5. Điều trị bệnh viêm ruột thừa như thế nào?
Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa cần được chẩn đoán sớm và điều trị ngay nhằm tránh biến chứng và tử vong.
Điều trị tiêu bệnh lý viêm ruột thừa dứt điểm và hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm. Nếu như trước đây phẫu thuật cắt ruột thừa thường được thực hiện bằng phương pháp mổ mở gây nhiều đau đớn với một đường mổ dài thì hiện nay, phẫu thuật nội soi đang áp dụng thường quy để cắt ruột thừa với nhiều ưu điểm vượt trội như không để lại sẹo, ít đau và phục hồi nhanh hơn.
Trong trường hợp ruột thừa viêm đã bị vỡ, cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở sẽ được tiến hành cùng với việc làm sạch khoang bụng của để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.
Bệnh viêm ruột thừa rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, thậm chí là tử vong. Do vậy, nhận biết sớm triệu chứng nghi ngờ và đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín là cách hiệu quả để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.