Đau dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến ở nước ta. Nếu chủ quan, để lâu không chữa sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nắm vững triệu chứng đau dạ dày tá tràng giúp bạn có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
Bạn đang đọc: Triệu chứng đau dạ dày tá tràng – nhận biết sớm để điều trị kịp thời
1. Đau dạ dày tá tràng là tình trạng gì?
Đau dạ dày tá tràng có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho đến người trưởng thành và người lớn tuổi. Đây là tình trạng niêm mạc dạ dày và tá tràng xuất hiện các vết viêm loét.
Triệu chứng đau dạ dày tá tràng ở giai đoạn đầu thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua không chữa trị dẫn đến bệnh nặng và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
2. Nhận biết triệu chứng đau dạ dày tá tràng
2.1. Đau bụng vùng thượng vị – triệu chứng đau dạ dày tá tràng dễ nhận biết nhất
Khi bị đau dạ dày tá tràng, người bệnh sẽ thường xuyên bị đau bụng vùng thượng vị. Cơn đau ở mỗi bệnh nhân thường sẽ không giống nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh: Có người cảm thấy đau âm ỉ, đau tức khó chịu, nhưng có người cảm thấy cơn đau dữ dội, vị trí đau có thể lan ra sau lưng kèm tức ngực và khó thở. Thường những cơn đau thượng vị dữ dội sẽ xảy ra ở những trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày tá tràng mức độ nặng.
Thời gian diễn ra cơn đau ở mỗi bệnh nhân cũng khác nhau. Có người đau âm ỉ vài giờ đến cả ngày, có người xuất hiện cơn đau khi bụng quá đói hoặc sau ăn quá no… Đau thượng vị cũng có thể khởi phát đột ngột sau khi ăn thực phẩm lạ hoặc căng thẳng, lo âu…
Đau thượng vị là triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh đau dạ dày tá tràng
2.2. Triệu chứng chướng bụng, khó tiêu, ăn nhanh no
Khi dạ dày tá tràng bị viêm loét, chức năng co bóp đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột non bị suy giảm, thức ăn ứ đọng lâu tại dạ dày dẫn đến cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no. Triệu chứng này khiến người bệnh không muốn ăn hoặc không thể hoàn thành suất ăn như bình thường.
2.3. Ợ hơi – Một triệu chứng đau dạ dày tá tràng thường thấy
Ợ hơi là triệu chứng xuất hiện tiếp sau biểu hiện đầy bụng, khó tiêu. Bình thường trong quá trình tiêu hóa thức ăn tại dạ dày và ruột sẽ sản sinh ra hơi. Hơi này sẽ được thải ra ngoài theo hai đường là đường hậu môn (đánh rắm) và thoát ra đường miệng (ợ hơi). Khi dạ dày tá tràng gặp vấn đề, thức ăn ứ đọng lâu tại đây sản sinh ra rất nhiều hơi, khiến người bệnh bị ợ hơi rất nhiều lần trong ngày.
2.4. Triệu chứng buồn nôn và nôn ra dịch thức ăn
Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi bị đau dạ dày tá tràng gây ra các kích thích đến đường tiêu hóa, khiến cơ thể sinh ra hiện tượng buồn nôn và nôn mửa ra thức ăn và các chất dịch trong dạ dày. Sau khi nôn, cảm giác khó chịu có thể được thuyên giảm. Nếu chất nôn có lẫn máu hoặc màu đen như bã cà phê, có thể cảnh báo nguy cơ người bệnh bị chảy máu dạ dày.
Tìm hiểu thêm: Những thực phẩm chữa đau dạ dày cần bổ sung ngay
Đau dạ dày tá tràng khiến người bệnh chán ăn, sụt cân, thiếu máu, da xanh xao…
2.5. Triệu chứng toàn thân như chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, hạ huyết áp, thiếu máu
Dạ dày tá tràng có những ổ viêm loét sẽ khiến quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa không được trơn tru, các chất dinh dưỡng được hấp thụ đi nuôi cơ thể vì thế mà bị gián đoạn. Cùng với việc người bệnh thường xuyên bị đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn… dẫn đến chán ăn, sụt cân. Ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính dấu hiệu bị sụt cân quá nhanh có thể cảnh báo bệnh ung thư dạ dày.
Viêm loét dạ dày tá tràng có thể khiến dạ dày bị chảy máu khiến cho người bệnh bị thiếu, da xanh xao, máu, cơ thể suy nhược kèm theo tình trạng tụt huyết áp.
3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý đau dạ dày tá tràng là gì?
Dạ dày tá tràng được bao phủ một lớp nhầy giúp bảo vệ nó khỏi sự hủy hoại của dịch acid. Vì một lý do nào đó, khiến lớp nhầy bị bào mòn khiến acid dễ dàng tấn công, gây tổn thương gây ra tình trạng viêm. Các lý do cụ thể khiến dạ dày tá tràng bị viêm loét là:
3.1. Cơ thể bị nhiễm vi khuẩn HP
Có đến trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP tên gọi đầy đủ la Helicobacter pylori. Tuy nhiên, phần lớn những người nhiễm vi khuẩn này có thể không bị viêm loét. Nhưng ở một số người, vi khuẩn HP sẽ sinh sôi, phát triển tấn công gây ra viêm loét dạ dày tá tràng khi gặp điều kiện thuận lợi như uống bia rượu, ăn uống không khoa học, căng thẳng thường xuyên…
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan như khi ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, thói quen ăn chung mâm hoặc lây qua tiếp xúc nước bọt, dịch tiết hô hấp của người nhiễm vi khuẩn HP.
>>>>>Xem thêm: Ợ nóng sau khi ăn có phải là dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa
Nhiễm vi khuẩn HP dương tính là nguyên nhân chính dẫn đến viêm đau dạ dày tá tràng
3.2. Do sử dụng thường xuyên một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị bệnh
Việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau trong thời gian dài sẽ làm tổn thương dạ dày tá tràng. Do thuốc có tác dụng phụ thúc đẩy việc ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, khiến acid dễ dàng tấn công gây ra viêm loét. Ngoài ra các bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, ung thư… cũng dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng hơn.
3.3. Các yếu tố thúc đẩy gia tăng tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng
Bên cạnh các nguyên nhân trên, bạn sẽ tăng nguy cơ đáng kể tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng nếu:
+ Thường xuyên uống bia rượu và các đồ uống có cồn khác. Các loại đồ uống này sẽ phá hủy niêm mạc dạ dày và tăng sản xuất acid dịch vị.
+ Hút thuốc lá thuốc lào hay hít phải khói thuốc thường xuyên cũng làm tăng khả năng đau dạ dày tá tràng, đặc biệt là những người nhiễm vi khuẩn HP.
+ Nếu thường xuyên sử dụng thức ăn, hoa quả cay chua, nóng lúc bụng rỗng hoặc thực phẩm lên men như cà muối, dưa muối… cũng có thể khiến bạn bị đau dạ dày tá tràng.
+ Cuộc sống hiện đại với áp lực ngày càng gia tăng cũng là một nguyên nhân thúc đẩy bệnh đau dạ dày tá tràng.
Với bài viết trên, mong rằng bạn đọc nắm vững triệu chứng đau dạ dày tá tràng để nhận biết kịp thời từ đó có đi khám sớm, điều trị đúng để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.