Bệnh co thắt đại tràng: Khi nào cần đi khám và điều trị

Bệnh co thắt đại tràng là bất thường tiêu hóa phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Co thắt có thể gây đau hoặc khó chịu tạm thời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

1. Hiểu về co thắt đại tràng

Đại tràng (hay ruột già) là phần cuối cùng của ống tiêu hóa, có chức năng hấp thu nước, chất điện giải, đồng thời hình thành, lưu trữ và bài tiết phân. Co thắt đại tràng là tình trạng co thắt tự phát và đột ngột của các cơ trong lòng đại tràng. Các cơ này làm nhiệm vụ di chuyển phân dọc theo đường tiêu hóa dưới đến ống hậu môn.

Bệnh co thắt đại tràng: Khi nào cần đi khám và điều trị

Bệnh biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng đại tràng mà không có tổn thương thực thể

Co thắt đại tràng thường được biết đến gắn liền với hội chứng ruột kích thích. Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng của tình trạng này. Tuy nhiên, co thắt đại tràng cũng có thể là kết quả của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Thậm chí, bệnh co thắt đại tràng còn có thể xảy ra mà không xác định được nguyên do.

2. Dấu hiệu đặc trưng của co thắt đại tràng

Những dấu hiệu người bệnh gặp phải có thể phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của co thắt. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bệnh co thắt đại tràng có thể xuất hiện những triệu chứng như:

Đau bụng: Người bệnh có thể cảm thấy đau ở vùng bụng dưới và bên trái. Cơn đau thường xảy ra đột ngột, cường độ đau có thể khác nhau theo từng cơn co thắt.

Đầy hơi hoặc chướng bụng: Đây là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày. Người bệnh có thể bị đầy hơi, chướng bụng ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kể chế độ ăn uống.

Rối loạn đại tiện: Co thắt đại tràng làm tăng tốc độ nhu động ruột, khiến người bệnh cảm thấy cần nhanh chóng đi vệ sinh. Phân đi ra có thể xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón. Phân lỏng, có chất nhầy trong hoặc trắng xuất hiện trong phân. Người bệnh sau khi đi đại tiện vẫn cảm thấy chưa đi hết phân, cần đi tiếp.

Bệnh co thắt đại tràng: Khi nào cần đi khám và điều trị

Các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt có xu hướng mãn tính, có thể gây khó chịu nhưng không dẫn đến bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về nội tạng.

3. Tình trạng đại tràng co thắt là do đâu?

Như đã đề cập, co thắt đại tràng có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong đó, hội chứng ruột kích thích là bệnh phổ biến nhất có thể gây ra co thắt đại tràng. Những tình trạng khác cũng gây ra cơn co thắt, bao gồm: Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, phình hoặc dãn đại tràng, nhiễm khuẩn đường ruột, tắc ruột…

Để xác định triệu chứng của bạn là kết quả của bệnh co thắt đại tràng hay do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây nên, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. 

Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đồ cay nóng, chiên rán; lạm dụng kháng sinh; thường xuyên cảm thấy căng thẳng; sau một đợt chấn thương tâm lý và do ảnh hưởng của hormon (Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh gấp 2 lần nam giới)

4. Phòng – điều trị bệnh co thắt đại tràng như thế nào?

4.1 Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Thông thường, co thắt đại tràng hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Nội soi cho thấy ngay cả khi cơn co thắt diễn ra, hình ảnh niêm mạc đại tràng vẫn hoàn toàn bình thường, không có tổn thương viêm loét. 

Phần lớn người bệnh cảm thấy nghiêm trọng lần đầu xảy ra triệu chứng, nhưng sẽ ít chú ý, quan tâm hơn trong lần tiếp theo. 

Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị co thắt đại tràng hoặc các triệu chứng khác, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ. Bạn cũng cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu co thắt đại tràng xảy ra do tắc ruột. 

Các triệu chứng của tắc ruột có thể kể đến:

– Đau bụng dữ dội

Buồn nôn, nôn

Không thể đi tiêu dù mót

Sau thăm khám, người bệnh và bác sĩ có thể bắt đầu điều trị để làm thuyên giảm triệu chứng, cũng như ngăn ngừa co thắt trong hiện tại và tương lai. 

4.2 Điều trị nội khoa bệnh co thắt đại tràng

Co thắt đại tràng dù không gây ra biến chứng nguy hiểm, song lại dễ tái phát. Hiện tại, không có cách chữa trị nào có thể đẩy lùi vĩnh viễn bệnh lý này.

Điều trị bệnh co thắt đại tràng thường dựa trên nguyên tắc làm giảm triệu chứng và điều chỉnh lối sống để phòng bệnh quay trở lại.

Người bệnh được chẩn đoán co thắt có thể được chỉ định các loại thuốc như:

– Thuốc chống tiêu chảy: Với đặc trưng rối loạn đại tiện (chủ yếu là tiêu chảy), thuốc có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng của co thắt đại tràng và chấm dứt tiêu chảy.

– Thuốc chống co thắt: Giúp làm dịu và làm giảm các cơn co thắt nghiêm trọng do đại tràng co thắt.

4.3 Phòng bệnh co thắt đại tràng bằng cách thay đổi lối sống

Bổ sung thực phẩm tốt cho đại tràng (chất xơ, vitamin, probiotics): Các loại rau củ quả nhiều chất xơ, vitamin sẽ hỗ trợ giảm tình trạng phân lỏng, rối loạn nhu động ruột do co thắt dạ dày. Trong khi sữa chua kích thích tăng cường lợi khuẩn hệ tiêu hóa giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra trơn tru, hiệu quả.

Từ bỏ thói quen uống rượu bia và hút thuốc: Các chất từ rượu bia và thuốc lá có thể gây kích thích niêm mạc đại tràng, làm yếu lớp bảo vệ khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn so với những người không sử dụng chúng.

Quản lý căng thẳng: Stress là một trong những nguyên nhân làm tăng nặng tình trạng bệnh. Do đó, người bệnh cần học cách quản lý căng thẳng, giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái để ngăn ngừa các cơn co thắt về sau.

Vận động nhiều hơn: Đối với những người mắc bệnh, việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp đường tiêu hóa hoạt động tốt nhất, làm thuyên giảm các triệu chứng. Hoạt động thể chất còn tạo cho người bệnh tâm lý thoải mái, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh diễn ra hiệu quả.

Bệnh co thắt đại tràng: Khi nào cần đi khám và điều trị

Quản lý căng thẳng và tập luyện giúp phòng và điều trị bệnh co thắt đại tràng

Nói tóm lại, để chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân gây bệnh co thắt đại tràng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay khi có nghi ngờ triệu chứng. Người bệnh cũng có thể kết hợp phương pháp phòng và điều trị co thắt đại tràng để giảm triệu chứng, cũng như ngăn bệnh quay trở lại.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *