Kháng sinh trị HP gồm những loại nào và cần lưu ý gì?

Sử dụng kháng sinh trị HP là chỉ định phổ biến trong tiêu diệt loại vi khuẩn nguy hiểm này. Tuy nhiên, để việc điều trị bằng kháng sinh cho hiệu quả tốt nhất mỗi người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu dùng thuốc được đưa ra cùng những lưu ý quan trọng cần thực hiện.

Bạn đang đọc: Kháng sinh trị HP gồm những loại nào và cần lưu ý gì?

1. Vì sao cần tiến hành điều trị HP

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn có khả năng hoạt động mạnh tại thành niêm mạc dạ dày. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tổn thương cũng như bệnh lý ở dạ dày như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, viêm loét dạ dày thậm chí là ung thư dạ dày. Vì thế, chủ động điều trị tiêu diệt HP rất quan trọng trong việc phòng ngừa, quản lý các bệnh ở dạ dày nói trên.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HP được xếp hạng top đầu trên thế giới với trên 70% tổng dân số mắc bệnh. Vì vậy, mỗi người tuyệt đối không thể chủ quan mà cần hiểu và chủ động phòng bệnh đúng cách cũng như thăm khám ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu nhiễm khuẩn như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, khó tiêu, ợ hơi, cảm giác buồn nôn/nôn, rối loạn phân bất thường,…

Kháng sinh trị HP gồm những loại nào và cần lưu ý gì?

Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý về dạ dày và tá tràng.

2. Những loại kháng sinh trị HP thông dụng

Thuốc kháng sinh là thành phần quan trọng nhất trong phác đồ điều trị vi khuẩn HP. Các loại kháng sinh được dùng phổ biến bao gồm clarithromycin, amoxicillin, thuốc metronidazol và levofloxacin.

2.1. Clarithromycin

Clarithromycin là loại kháng sinh diệt HP được biết đến phổ biến thuộc nhóm macrolid. Thuốc giúp ức chế tổng hợp protein qua cơ chế gắn kết và làm chậm lại hoạt động ribosome của cơ thể vi khuẩn.

– Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc: Tác dụng phụ phổ biến nhất là ảnh hưởng tới đường tiêu hóa bao gồm cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng, bị tiêu chảy (nếu dùng qua đường uống), viêm tĩnh mạch huyết khối (nếu dùng qua đường tiêm tĩnh mạch). Clarithromycin bị chuyển hoá mạnh qua gan nên tăng nguy cơ gây viêm gan hoặc tình trạng ứ mật. Ngoài ra, các tác dụng phụ khác như gây điếc, loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra nhưng ở tỷ lệ thấp.

– Tỷ lệ kháng thuốc: Hiện nay, tỷ lệ vi khuẩn H.pylori có đề kháng với kháng sinh clarithromycin ngày một gia tăng đáng kể. Tỷ lệ này sẽ có sự khác biệt rõ rệt ở mỗi khu vực và mỗi quốc gia, riêng tại Việt Nam là 33%. Vì vậy, việc điều trị HP với clarithromycin dần không còn là lựa chọn tối ưu.

2.2. Kháng sinh trị HP – Metronidazol

Metronidazol là kháng sinh diệt HP thuộc nhóm 5-nitro-imidazol. Metronidazol có tác động chọn lọc trên các chủng vi khuẩn kỵ khí và các tế bào trong tình trạng bị thiếu oxy. Theo đó, nhóm nitro của thuốc metronidazol sẽ bị khử bởi các protein vận chuyển electron đặc biệt của vi khuẩn HP, sau phản ứng tạo ra các sản phẩm độc làm thay đổi cấu trúc ADN vi khuẩn.

– Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc: Gây cảm giác buồn nôn, miệng có vị kim loại, sần da, rối loạn thần kinh, làm giảm lượng bạch cầu và hạ huyết áp.

– Tỷ lệ kháng thuốc metronidazol: Hiện nay, tỷ lệ vi khuẩn HP có đề kháng với kháng sinh metronidazol ở mức cao, tại Việt Nam lên tới 69,9% trong tổng số 103 chủng.

2.3. Amoxicillin

Amoxicillin là kháng sinh diệt HP thuộc nhóm beta-lactam. Amoxicillin có tác dụng ức chế tạo ra vách tế bào vi khuẩn và làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn H.pylori. Khác với 2 loại kháng sinh là clarithromycin và metronidazol, tỷ lệ vi khuẩn HP có đề kháng với amoxicillin đang ở mức thấp trên toàn thế giới.

Tìm hiểu thêm: Xuất huyết tiêu hóa trên và dưới

Kháng sinh trị HP gồm những loại nào và cần lưu ý gì?

Vi khuẩn HP có thể được tiêu diệt bằng việc sử dụng đúng loại kháng sinh phù hợp.

2.4. Kháng sinh trị HP – Levofloxacin

Trước tình trạng vi khuẩn HP ngày càng có đề kháng cao với kháng sinh clarithromycin, phác đồ điều trị HP mới sử dụng một loại kháng sinh nhóm quinolon phổ rộng là levofloxacin để thay thế. Tỷ lệ diệt trừ HP theo phác đồ chứa levofloxacin có thể đạt hiệu quả tới 90%.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của vi khuẩn HP kháng quinolone thứ cấp nên kháng sinh levofloxacin thường không được khuyến khích sử dụng ngay lần đầu điều trị. Thuốc thường được sử dụng ở phác đồ bậc hai khi mà trường hợp điều trị ở phác đồ bậc một bị thất bại.

Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc bao gồm buồn nôn, nôn, các dị ứng ngoài da, tiêu chảy, tăng áp lực nội sọ (chóng mặt, nhức đầu, lú lẫn, co giật, ảo giác). Trường hợp ở trẻ nhỏ, thường xảy ra các tác dụng phụ như đau cơ, đau sưng khớp. Đặc biệt lưu ý không dùng levofloxacin cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang mang hoặc cho con bú, không dùng cho cả đối tượng thiếu men G6PD.

3. Những điều cần lưu ý khi sử dụng kháng sinh trị HP

3.1. Thăm khám chuyên khoa tiêu hóa và thực hiện điều trị đúng phác đồ

Như đã nói ở trên, tỷ lệ vi khuẩn HP có đề kháng với các loại kháng sinh ngày một cao. Vì vậy để tăng tỷ lệ điều trị thành công, phác đồ diệt trừ vi khuẩn HP thường cần đến sự kết hợp từ 2 loại kháng sinh khác nhau trở lên.

Người bệnh sẽ thực hiện thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và bác sĩ sẽ chỉ định đúng phác đồ điều trị phù hợp bằng 1 trong 4 phác đồ chuẩn được Bộ Y tế đưa ra bao gồm:

– Phác đồ theo liệu pháp 3 thuốc: Thuốc ức chế bơm proton (PPI); Clarithromycin; Amoxicillin

– Phác đồ theo liệu pháp 4 thuốc thực hiện theo 2 cách:

Phác đồ liệu pháp 4 thuốc có Bismuth: PPI; Bismuth; Tinidazole hoặc dùng Metronidazol; Tetracyclin

Phác đồ liệu pháp 4 thuốc không có Bismuth: PPI; Amoxicillin; Tinidazole hoặc dùng Metronidazol; Clarithromycin

– Phác đồ điều trị HP nối tiếp thực hiện theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Amoxicillin; PPI

Giai đoạn 2: Tinidazole; Clarithromycin; PPI.

– Phác đồ kết hợp liệu pháp 3 thuốc có Levofloxacin: PPI; Levofloxacin; Amoxicillin

Kháng sinh trị HP gồm những loại nào và cần lưu ý gì?

>>>>>Xem thêm: Nội soi thực quản có vai trò gì và thực hiện như thế nào?

Người bệnh cần thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để bác sĩ chỉ định đúng phác đồ điều trị HP.

3.2. Tuân thủ theo đúng chỉ định bác sĩ điều trị đưa ra

Việc dùng kháng sinh cho hiệu quả điều trị HP tốt tuy nhiên ở những trường hợp tái nhiễm thường sẽ gặp phải tình trạng kháng thuốc. Vậy nên các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ triệt để phác đồ điều trị HP được chỉ định bao gồm:

– Sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều dùng, không tự ý thay đổi chuyển qua loại kháng sinh khác dù là tương tự.

– Không dùng theo đơn thuốc của người khác vì mỗi trường hợp bệnh là không giống nhau.

– Không dừng thuốc kể khi chưa được bác sĩ cho phép kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

– Song song với việc dùng thuốc cần duy trì chế độ ăn khoa học, sinh hoạt lành mạnh theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Những yêu cầu nêu trên sẽ nâng cao hiệu quả diệt trừ vi khuẩn HP và ngăn ngừa bệnh tái phát. Như vậy, việc người bệnh cần làm là chủ động thăm khám chuyên khoa để được các bác sĩ chỉ định đúng phác đồ kháng sinh trị HP nhằm tiêu diệt vi khuẩn triệt để và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *