Các bệnh lý đường tiêu hóa tại thực quản, dạ dày tá tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là ung thư. Nội soi dạ dày đường mũi là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm các tổn thương, các bệnh lý tại các cơ quan này. Cùng tìm hiểu phương pháp nội soi này có những ưu điểm và nhược điểm như thế nào?
Bạn đang đọc: Nội soi dạ dày đường mũi: Ưu điểm và nhược điểm
1. Tìm hiểu nội soi dạ dày qua đường mũi là phương pháp như thế nào?
Đây thủ thuật đưa ống nội soi có đường kính nhỏ qua lỗ mũi xuống thực quản – dạ dày – tá tràng để quan sát bên trong. Nhờ có gắn camera và nguồn sáng ở đầu ống nội soi mà qua hình ảnh thu được, các bác sĩ sẽ phát hiện các tổn thương, làm xét nghiệm xác định bản chất tổn thương, phục vụ việc chẩn đoán bệnh.
Nội soi đường tiêu hóa trên giúp chẩn đoán các bệnh lý tại thực quản, dạ dày, tá tràng
2. Ưu điểm và nhược điểm của nội soi dạ dày đường mũi
2.1. Các ưu điểm của phương pháp nội soi dạ dày đường mũi
Theo các bác sĩ, phương pháp nội soi dạ dày này có các ưu điểm như sau:
– Không gây ra cảm giác khó chịu: Vì ống nội soi nhỏ đi qua đường mũi, không chạm vào vùng hầu họng và lưỡi gà tại vòm miệng nên người bệnh không bị buồn nôn hay khó chịu.
– Người bệnh tỉnh táo trong quá trình thực hiện nội soi, có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
– Đây là thủ thuật khá an toàn, ít gây ra thay đổi về nhịp tim và huyết áp cho người bệnh.
– Nội soi qua đường mũi khá nhanh chóng, thời gian thực hiện chỉ khoảng 15 phút.
– Đây là phương pháp chẩn đoán mang lại hiệu quả, việc quan sát dạ dày thuận lợi và rõ nét, giúp kết quả chính xác.
2.2. Nhược điểm của phương pháp nội soi dạ dày đường mũi
Theo các bác sĩ, phương pháp nội soi qua đường mũi còn tồn tại một số nhược điểm như:
– Không thực hiện được ở những bệnh nhân có bệnh lý về mũi như hẹp khe mũi.
– Nội soi đường mũi, các bác sĩ sẽ không thực hiện được các thủ thuật can thiệp như: cầm máu tổn thương, lấy dị vật, cắt polyp hay thắt tĩnh mạch thực quản…
– Chi phí nội soi đường mũi cao hơn so với nội soi qua đường miệng.
3. Các trường hợp áp dụng được phương pháp nội soi dạ dày đường mũi
Nhiều người bệnh bị viêm loét dạ dày tá tràng không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày,… Bên cạnh đó, phần lớn các trường hợp bị ung thư dạ dày không được phát hiện sớm vì các triệu chứng mơ hồ. Nội soi dạ dày đường mũi giúp phát hiện nhiều bệnh lý thực quản, dạ dày tá tràng từ giai đoạn rất sớm. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ nội soi NBI 5P và MCU hiện đại, nội soi dạ dày còn phát hiện sớm và điều trị sớm các tổn thương ác tính liên quan đến ung thư.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu u dưới niêm mạc dạ dày là gì?
Khi có các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau thượng vị, chán ăn, đầy bụng… bạn nên đi khám tiêu hóa và thực hiện nội soi
Người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tiêu hóa và thực hiện nội soi dạ dày ngay khi có các biểu hiện sau đây:
– Sụt cân nhưng không ăn uống kiêng khem.
– Đau bụng vùng thượng vị (dưới xương ức và trên rốn)
– Gặp phải các rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và nôn, khó tiêu, đầy bụng, ợ chua, ợ hơi.
– Có các triệu chứng đau tức ngực nhưng không phải do các vấn đề về tim mạch.
– Có triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân có màu đen như bã cà phê.
– Cơ thể suy nhược, thiếu máu biểu hiện qua việc da xanh xao, tím tái…
– Có biểu hiện khó nuốt, nuốt nghẹn, đau khi nuốt…
– Người bệnh thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm trong thời gian dài.
– Trong gia đình có người thân mắc polyp dạ dày, ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP.
4. Thực hiện nội soi dạ dày đường mũi như thế nào?
4.1. Các lưu ý cần chuẩn bị trước khi thực hiện nội soi
– Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 đến 6 giờ trước khi thực hiện nội soi để đảm bảo dạ dày hoàn toàn rỗng, giúp bác sĩ có thể quan sát rõ lớp niêm mạc bên trong. Đồng thời, việc nhịn ăn giúp người bệnh tránh nguy cơ bị trào ngược hoặc sặc thức ăn vào đường thở trong khi thực hiện nội soi.
– Đặc biệt, người bệnh cần lưu ý không được uống các loại nước có màu đỏ, các loại hoa quả có màu đỏ như dưa hấu, củ dền…, không được uống rượu bia, cà phê… trước khi thực hiện nội soi. Vì các thức uống này có thể gây ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả chẩn đoán.
– Các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện nội soi dạ dày thực quản vào buổi sáng, khi thức ăn đã được tiêu hóa hết sau 1 đêm. Đối với các trường hợp bị hẹp môn vị dạ dày cần nhịn ăn lâu hơn (từ 12 – 24 giờ) trước khi thực hiện nội soi hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi nội soi.
– Cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe có mắc các bệnh mãn tính nào không hay các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn tốt nhất.
4.2. Quá trình thực hiện nội soi đường mũi
Quy trình thực hiện phương pháp nội soi dạ dày đường mũi được thực hiện như sau:
– Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng về bên trái, thoải mái.
– Tiếp đó, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê lỗ mũi để phục vụ nội soi.
– Sau khi được gây tê, ống nội soi mềm, đường kính nhỏ, linh hoạt có gắn camera và nguồn sáng được bác sĩ đưa vào lỗ mũi, đi xuống họng vào thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong quá trình thăm dò bên trong ống tiêu hóa trên, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để lấy mẫu mô làm xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn về tình trạng tổn thương.
– Sau khi hoàn tất việc nội soi, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể ngồi dậy ngay.
>>>>>Xem thêm: Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài?
Người bệnh uống thuốc tan bọt dạ dày trước khi thực hiện nội soi tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI
4.3. Một số chú ý sau khi nội soi đường mũi
– Người bệnh nghỉ ngơi ngắn tại viện trước khi ra về.
– Về nhà, người bệnh chú ý ăn những thực phẩm được chế biến mềm, dễ tiêu hóa, không nên ăn đồ cay nóng sau khi nội soi tiêu hóa.
– Sau nội soi người bệnh có thể cảm thấy đau vùng mũi và họng… nhưng triệu chứng này là bình thường và sẽ sớm biến mất.
Nội soi dạ dày đường mũi được đánh giá là thủ thuật an toàn, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả chẩn đoán cao. Quá trình thăm khám và chuẩn bị thực hiện nội soi, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế để quá trình nội soi tiêu hóa diễn ra hiệu quả và chó kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.