Nhiễm khuẩn HP (tên đầy đủ là Helicobacter pylori, hay H. pylori) là tình trạng rất phổ biến tại Việt Nam. Nhiều người không hề biết bản thân nhiễm loại vi khuẩn này cho đến khi xuất hiện triệu chứng. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về loại vi khuẩn này, các triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng tránh qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Bạn đang đọc: Khuẩn HP dạ dày được phát hiện và phòng tránh thế nào?
1. Tổng quan về khuẩn HP dạ dày
Helicobacter pylori là một loại khuẩn hình xoắn ốc (xoắn khuẩn) sống trong dạ dày người nhiễm. Chúng được xác định lần đầu tiên vào năm 1982 bởi hai bác sĩ người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. Số liệu thống kê cho thấy một nửa dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Tỷ lệ nhiễm HP tăng cao hơn ở các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HP dạ dày lên đến 70%.
Hầu hết những người nhiễm HP dạ dày không có triệu chứng cũng như không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Helicobacter pylori tồn tại trong dạ dày người, là tác nhân gây viêm loét và ung thư dạ dày
2. Con đường lây nhiễm và cơ chế gây bệnh của HP
Đường miệng – miệng là đường lây nhiễm chủ yếu của vi khuẩn HP dạ dày. HP được tìm thấy trong khoang miệng, nước bọt, cao răng của người bệnh, dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác khi ăn uống chung bát đũa, nhai mớm thức ăn, hôn,…
Vi khuẩn cũng có thể lây lan theo đường phân – miệng, do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước nhiễm khuẩn, không rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Một con đường lây truyền khác là qua nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, thực hiện thủ thuật nha khoa,… tại các cơ sở thiếu uy tín, không đảm bảo tiệt trùng dụng cụ y tế.
H. pylori khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tác động vào các mô bảo vệ lót dạ dày. Chúng giải phóng một số enzyme, chất độc và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Các yếu tố này kết hợp với nhau có thể làm tổn thương các tế vào dạ dày – tá tràng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ đó, niêm mạc dạ dày và tá tràng có nguy cơ bị tấn công bởi các dịch tiêu hóa, đặc biệt là acid dạ dày.
3. Triệu chứng nhiễm khuẩn HP
Như đã nói ở trên, phần lớn trường hợp nhiễm HP dạ dày không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi HP đã gây tổn thương dạ dày – tá tràng, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
– Đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng, thường là vùng bụng trên rốn, vùng thượng vị.
– Phình bụng, trướng bụng.
– Chán ăn, ăn nhanh no, cảm thấy no ngay sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn.
– Buồn nôn, nôn.
– Vết viêm loét chảy máu có thể gây thiếu máu, mệt mỏi. Đồng thời người bệnh có thể nôn ra máu, đại tiện phân sẫm màu hoặc phân đen.
HP có thể gây viêm dạ dày mạn tính và tiến triển thành ung thư. Dù ung thư dạ dày do HP có tỷ lệ thấp nhưng do đây là tình trạng nhiễm khuẩn phổ biến nên HP vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư dạ dày. Những người nhiễm HP từ khi còn nhỏ hoặc trong gia đình có người từng mắc ung thư dạ dày có nguy cơ ung thư cao nhất.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân và điều trị trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim
Viêm loét dạ dày do nhiễm HP gây đau bụng, trướng bụng, buồn nôn và nôn
4. Chẩn đoán nhiễm HP dạ dày
Hiện nay có nhiều phương pháp được chỉ định trong chẩn đoán HP dạ dày. Trong đó nội soi dạ dày được ứng dụng phổ biến hàng đầu. Nội soi được đánh giá là phương pháp chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP nhanh chóng, hiệu quả, có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, kiểm tra hơi thở, xét nghiệm phân và xét nghiệm máu cũng là các phương pháp được dùng nhằm phát hiện nhiễm HP.
4.1. Nội soi dạ dày chẩn đoán nhiễm khuẩn HP
Nội soi dạ dày là thăm dò chức năng sử dụng ống mềm có gắn camera đưa từ miệng hoặc mũi xuống dạ dày. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra HP dạ dày như sau:
– Lấy mẫu làm Urease test (hay Clo test): Đây là phương pháp thường dùng nhất, cho kết quả sau khoảng 15 phút.
– Sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học: Kìm sinh thiết lấy mẫu mô dạ dày và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu giúp xác định cấu trúc mô, tế bào và phát hiện HP.
– Nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm đặc biệt nhằm phân lập vi khuẩn, định danh và làm kháng sinh đồ. Kháng sinh đồ là thí nghiệm kiểm tra sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh. Phương pháp này giúp bác sĩ đưa ra phác đồ loại bỏ HP phù hợp và hiệu quả, thường dùng cho trường hợp đã nhiều lần điều trị thất bại.
– Polymerase Chain Reaction (PCR): Đây là kỹ thuật khuếch đại gen, thường phục vụ cho nghiên cứu. PCR ít được sử dụng trong thực tế khám chữa bệnh.
>>>>>Xem thêm: Bệnh Crohn là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Nội soi dạ dày giúp chẩn đoán chính xác vi khuẩn HP, đồng thời có thể nuôi cấy vi khuẩn kiểm tra tính kháng thuốc kháng sinh
4.2. Các phương pháp khác chẩn đoán khuẩn HP dạ dày
– Kiểm tra hơi thở (Urea breath test): Người bệnh thổi hơi vào thiết bị chuyên dụng để xác định sự có mặt của HP dạ dày. Test hơi thở thường được chỉ định nhằm kiểm chứng hiệu quả điều trị HP hoặc trường hợp hạn chế nội soi dạ dày.
– Xét nghiệm tìm kháng nguyên khuẩn HP trong phân.
– Xét nghiệm kháng thể HP trong huyết thanh: Không được ứng dụng phổ biến, độ chính xác không cao do kháng thể tồn tại kéo dài trong máu
5. Ai nên tiến hành kiểm tra khuẩn HP dạ dày?
Việc chẩn đoán nhiễm HP dạ dày sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể sau:
– Ở những người có triệu chứng: Nên kiểm tra HP nếu người bệnh đang bị hoặc có tiền sử bị loét dạ dày – tá tràng. Thực tế, nhiễm HP là nguyên nhân phổ biến nhất gây loét dạ dày, nhưng không phải tất cả trường hợp bệnh đều có HP. Người bệnh nên làm xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân do HP, đồng thời xác định nguyên nhân gây bệnh thật sự.
– Ở những người không có triệu chứng: Xét nghiệm HP dạ dày thường không được khuyến khích đối với những người không có triệu chứng bất thường và không có tiền sử loét dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên việc kiểm tra có thể xem xét cho những người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc muốn tầm soát ung thư dạ dày.
6. Giải pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn HP
Nguy cơ lây nhiễm HP dạ dày có thể giảm thiểu bằng các biện pháp sau:
– Ăn chín uống sôi, không sử dụng các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn, mốc, ôi thiu.
– Rửa sạch tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Uống nước sạch, sơ chế và chế biến thức ăn sử dụng nguồn nước sạch.
– Tránh ăn uống tại các quán vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Không dùng chung bát đũa, đồ dùng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn mặt, chải lưỡi…) với người khác, nhất là người nhiễm HP.
Trên đây là thông tin về đường lây nhiễm, triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng tránh vi khuẩn HP dạ dày. Hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về loại vi khuẩn này và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.